KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

LỪA ĐẢO TRỰC TRUYẾN VÀ CÁC YẾU TỐ TÂM LÝ CÓ LIÊN QUAN

 


LỪA ĐẢO TRỰC TRUYẾN VÀ CÁC YẾU TỐ TÂM LÝ CÓ LIÊN QUAN

😕1. Hành vi lừa đảo: Liệu có sự khác biệt trong động cơ?

Mục tiêu dẫn đến hành vi lừa đảo chỉ có một, đó là TIỀN. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ta cần nhìn sâu hơn vào động cơ và nhận thức của những kẻ lừa đảo. Trong tâm lý học tội phạm, hành vi phạm tội được chia làm hai loại rõ ràng:


👉Có chủ đích: Các đối tượng hoàn toàn nhận thức đầy đủ rằng hành động của họ là sai trái, vi phạm pháp luật, đi ngược lại đạo đức xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện. Động cơ có thể đến từ sự tham lam, lòng tham vô đáy, hoặc có khi xuất phát từ nhu cầu thể hiện quyền lực, khả năng kiểm soát và thao túng người khác.


👉Không có chủ đích: Trường hợp này xảy ra khi cá nhân thiếu hụt kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội và khả năng nhận thức hành vi. Có thể họ bị lôi kéo, thao túng bởi những đối tượng khác hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện, dẫn đến vô tình trở thành một mắt xích trong chuỗi lừa đảo.


 Trong bối cảnh lừa đảo đang phức tạp thì có những trường hợp thuộc nhóm thứ nhất và cũng có trường hợp thuộc nhóm thứ hai. Những cá nhân thuộc nhóm thứ hai đôi khi chỉ là công cụ, còn nhóm thứ nhất mới chính là những "chuyên gia thao túng", họ có đủ hiểu biết để lên kế hoạch một cách bài bản nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.


😕2. Kịch bản lừa đảo được lấy từ đâu?


Chúng ta thường truyền miệng với nhau rằng: “Ui, lừa đảo qua mạng đều có kịch bản cả đấy!”, nhưng liệu có mấy ai hiểu rõ nguồn gốc thực sự của các kịch bản này? Trên thực tế, chúng không hề ngẫu nhiên hay sáng tạo đơn thuần, mà thường được xây dựng dựa trên các yếu tố rất cụ thể, bao gồm:


👉Thu thập thông tin từ mạng xã hội: 


Các đối tượng lừa đảo khai thác thông tin cá nhân, hành vi, thói quen của người dùng thông qua những gì họ đăng tải trên Facebook, Zalo, Instagram, TikTok… Họ nắm rõ tính cách, thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng, sở thích của người dùng, sau đó xây dựng các tình huống phù hợp để lừa đảo bán hàng online hoặc dụ dỗ vào các mô hình đa cấp ảo.


‼️Ngày hôm kia chính tôi cũng đã gặp tình huống lừa đảo như thế này và đã bị lừa. Tôi nhìn thấy shop đó qua quảng cáo vì đúng nhu cầu mua hàng. Khi mua hàng tôi không chú ý đến ngày đăng bài của trang đó vì khi đang chạy quảng cáo tức là trang đó đang hoạt động. Lúc đặt mua hàng tôi chỉ kiểm tra xem các bài viết có bị thả phẫn nộ không thì chỉ thấy một hai cái nên tôi chỉ nghi ngờ về chất lượng. Tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra, tôi mới để ý rằng các bài viết này đã được đăng từ năm 2022.


Ship gọi giao hàng vào buổi sáng nhưng thông thường tôi không thể nhận hàng vào thời điểm đó. Thái độ của ship ngày từ đầu đã rất khó chịu như kiểu tôi gây ra phiền phức cho anh ta.


Đến tầm trưa, shop nhắn tin cho tôi hỏi tại sao không lấy được hàng? Thì tôi mới bảo buổi sáng không có nhà, phải đến chiều mới nhận được. Và đến chiều có một ship khác gọi điện đến. tuy nhiên ship này nói chuyển khoản cho anh ta nhưng sau đó anh ta lại nói là gửi nhầm số tài khoản và bây giờ phải liên hệ hotline để thực hiện theo hướng dẫn. Anh ta giọng vội vàng và lo lắng nói với tôi rằng nếu tôi không xử lý giúp anh ta sẽ bị phạt 3 triệu đồng.


Đường link hotline anh ta đưa là facebook có tên giaohang 24h và có hình giống một đơn vị vận chuyển nên tôi đã mất cảnh giác. Thông qua messenger, hotline này yêu cầu tôi chia sẻ màn hình điện thoại và chụp ảnh thao tác để hướng dẫn thông qua ngân hàng techcombank và nói rằng đơn vị có liên kết với ngân hàng. 

Trong quá trình hướng dẫn, giọng nói và thái độ không khác gì một nhân viên hotline, tuy nhiên đến lúc giao dịch anh ta có nói một câu rằng “ em tư vấn cho chị lâu quá rồi, thế này thì sếp em mắng em chết” , tự nhiên lúc đấy tôi mới để ý rằng có gì đó không đúng thì đã ấn chuyển khoản trên danh nghĩa là liên kết mã xác thực Unionpay.


Sau đó tôi dừng cuộc gọi nhưng bên phía hotline và ship kia vẫn tiếp tục nhắn tin nói rằng nếu không thao tác tiếp thì họ sẽ bị phạt và gọi điện thúc ép.


‼️Trang Facebook của tôi để ở chế độ công khai vì tính chất công việc, và đặc biệt, thường xuyên chia sẻ nội dung liên quan đến lòng tốt, giúp đỡ người khác, hay những câu chuyện về sự tử tế, đồng cảm. Chính các bài viết này vô tình trở thành nguồn thông tin quan trọng, hé lộ đặc điểm tâm lý và tính cách của tôi như: là người dễ đồng cảm - thích giúp đỡ, có xu hướng muốn hỗ trợ người khác/ có xu hướng đặt niềm tin vào người khác một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong các tình huống khó khăn, cấp bách/dễ bị thao túng về cảm xúc, khi đối phương tỏ ra yếu thế, đáng thương, hoặc rơi vào tình huống "bị phạt" do sai lầm.


‼️ Việc xem xét các giả thuyết là cách tôi phân tích vấn đề. Giả thuyết thứ nhất shop bán hàng online mà bạn thấy qua quảng cáo thực chất là mồi nhử, được tạo ra hoàn toàn với mục đích thu hút khách hàng, sau đó dùng thông tin đặt hàng để thực hiện hành vi lừa đảo tài chính. Tuy nhiên điểm yếu của giả thuyết này là việc chạy quảng cáo tốn chi phí, dù cũng không thể loại trừ. Giả thuyết thứ hai, Có khả năng shop đó là một shop thật sự hoạt động bình thường. Tuy nhiên, thông tin của khách hàng sau khi đặt hàng đã bị nhân viên giao hàng, hoặc nhân viên nội bộ của đơn vị vận chuyển, bán ra bên ngoài cho các đối tượng lừa đảo. Đây là giả thuyết có khả năng cao nhất vì quá phổ biến rồi. Giả thuyết cuối cùng, một số shop online hoặc nền tảng quảng cáo nhỏ thường không đủ an toàn về bảo mật dữ liệu. Do đó hacker hoặc bên thứ ba có thể đánh cắp dữ liệu khách hàng ngay từ khi bạn click vào quảng cáo hoặc điền thông tin đặt hàng. 


Cho dù là giả thuyết nào thì việc sắp xếp lại sự kiện chỉ là cách bản thân tôi rút ra bài học và không quá đổ lỗi cho bất kỳ ai ngoài sự thiếu chú ý của bản thân. 


👉Tính chất nghề nghiệp và thông tin ngân hàng: 


Với những đối tượng có kiến thức sâu rộng hơn, họ tìm hiểu kỹ về cách thức hoạt động của ngân hàng, các thuật ngữ chuyên môn, cách thức vận hành giao dịch chuyển tiền, để dễ dàng đánh vào tâm lý nạn nhân khi gọi điện thông báo tài khoản bị lỗi, yêu cầu xác nhận giao dịch.


‼️Sau khi sự việc của tôi xảy ra, tôi cũng đi chia sẻ với những người quen của mình và nghe được một tình huống lừa đảo khác liên quan đến tính chất công việc và ngân hàng. Người bị lừa tạm gọi là A vừa bán được nhà. Sau đó tài khoản của A có số tiền lên đến tỷ đồng. Tính chất công việc của A có liên quan một mảng liên quan đến tiền ngoại tệ vì tính chất nghề nghiệp thường xuyên phải công tác nước ngoài. Đường dây lừa đảo đã giả danh công an, nói rằng dính vào đường dây rửa tiền và sau các thủ thuật A đã bị lừa hết tất cả số tiền bán nhà. Các giả thuyết trong sự kiện này có thể nhóm lừa đảo có thể đã mua hoặc đánh cắp thông tin khách hàng từ nhân viên ngân hàng hoặc những người môi giới bất động sản để biết rõ ai vừa thực hiện giao dịch lớn hoặc A có thể đã chia sẻ hoặc để lộ thông tin cá nhân, công việc trên Facebook, LinkedIn hay các mạng xã hội khác, giúp đối tượng biết rõ tính chất nghề nghiệp, thói quen giao dịch quốc tế hoặc Do A thường xuyên đi nước ngoài, giao dịch quốc tế, thông tin có thể bị rò rỉ từ bên đối tác kinh doanh, khiến nhóm lừa đảo biết rõ tính chất công việc của A.


😕3. Kỹ năng thao túng và kỹ năng giao tiếp mà kẻ lừa đảo sử dụng


👉Kẻ lừa đảo qua mạng và cuộc gọi thường là những người có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thao túng cực kỳ tinh vi. Họ thường sử dụng các thủ thuật tâm lý như sau: Tạo áp lực thời gian (Scarcity & Urgency) - buộc người bị lừa phải quyết định nhanh chóng, không kịp suy nghĩ kỹ, ví dụ “phải chuyển tiền ngay”, “chỉ còn 5 phút để được giảm giá”.../Lợi dụng tâm lý sợ hãi (Fear Appeal) - như dọa dẫm về pháp luật, cảnh sát, mất tài sản, lộ thông tin cá nhân nhằm ép buộc nạn nhân hành động theo ý họ muốn/Xây dựng lòng tin (Authority & Trust) - kẻ lừa đảo thường giả dạng là cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng, người nổi tiếng, hoặc người có uy tín xã hội để dễ dàng thuyết phục đối phương làm theo hướng dẫn/Thao túng cảm xúc (Emotional Manipulation) - sử dụng các câu chuyện bi thương, lòng thương cảm, tình yêu, sự cảm thông hoặc hứa hẹn lợi ích để chiếm đoạt niềm tin và tiền bạc.


👉Tuy nhiên, tất cả những điều trên chỉ là cơ bản và nếu chú ý mọi người hoàn toàn có thể cảnh giác. Chỉ có một yếu tố tôi thấy rằng ngày càng tinh vi và đang có sự phát triển khó kiểm soát. Đó là:


-> Phức tạp hóa vấn đề (Confusion tactic): Dùng các thuật ngữ công nghệ AI, các công nghệ tiên tiến, từ ngữ chuyên ngành, ngân hàng, pháp luật khiến nạn nhân rối trí, tin rằng mình đang được "bảo vệ" chứ không phải bị lừa.


🙁4. Diễn biến tâm lý sau khi gặp lừa đảo


Khi một người trở thành nạn nhân của lừa đảo, trạng thái tâm lý sẽ trở nên phức tạp và đôi khi sẽ để lại sang chấn nghiêm trọng.

Với cá nhân tôi thì chỉ đúc lại một câu cho chính mình là ĐÃ NGU.Không phủ nhận rằng tôi bị lừa cũng không ít từ bạn bè lợi dụng cho đến việc bị lừa một hai lần nhỏ nhỏ. Nhưng, những sự việc đó bản thân tôi đều có thời gian để quan sát và gần như đều dự đoán được. Còn sự việc lần này thì hoàn toàn không có chút phòng bị nào. Đây là bài học nhưng cũng là một sự kiện đáng để đánh giá về quá trình diễn biến tâm lý. Thẳng thắn là vậy nhưng là một người để ý đến hành vi và cũng có sự hiểu biết về chính, sự việc này khiến tôi khá ê chề và cũng phải điều chỉnh lại cảm xúc. Đặc biệt là một người đề cao về sự tử tế và giờ đây sự tử tế bị lợi dụng thì thực sự không hề dễ dàng.


👉Đối với những trường hợp khác thì người thân và gia đình nên cần quan tâm đến họ hơn. Vì bản thân những người là nạn nhân bị lừa đảo họ sẽ chìm trong sự phủ nhận và bàng hoàng, không tin rằng bản thân lại dễ dàng bị lừa, luôn tự hỏi “tại sao lại là mình?” hoặc “mình không ngu ngốc đến vậy”/ tức giận và thất vọng vì cảm giác bị phản bội, tức giận với bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là khi có liên quan đến việc mất mát tài chính lớn/ xấu hổ và tự trách bản thân trong sự xấu hổ, tự cô lập mình vì lo sợ bị đánh giá, phê phán từ cộng đồng, và tự trách móc bản thân sao lại dễ dàng bị thao túng như vậy/ lo âu và mất niềm tin đánh mất  lòng tin vào mọi người xung quanh, trở nên đa nghi, cảnh giác quá mức trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và các mối quan hệ cá nhân.


🙄Cuối cùng, khi trải qua sự việc này còn có một cảm giác nữa đó là sự sợ hãi. Sợ hãi rằng mình còn bị lừa thêm lần nữa không? Cá nhân tôi thì có. Tôi rất sợ. Sợ muốn chớt, sợ đến mức thay tất cả thông tin, điện thoại di động, số điện thoại và muốn thay luôn cả căn cước công dân luôn. Vì sợ quá nên cũng chụp hết bằng chứng để báo cáo lên ANTT trên VNeID luôn. Tiền quá ít để lấy lại nhưng cứ một lần như thế này là phải sợ đến mức đi mách công an. Cái tính tin người có vẻ khó lòng thay đổi nên tôi đành chấp nhận rằng lần này mất 900k, lần sau để trong tài khoản ít hơn thì lại mất tiếp. Mỗi lần mất là một lần chụp bằng chứng đi báo cáo để làm cơ sở dữ liệu cho công an ạ.


🙄Chia sẻ nội dung này cũng có nghĩa tôi cho người khác thấy một lần ngu ngốc và không mấy vẻ vang gì. Có những người sẽ đủ tỉnh táo để không bao giờ bị lừa và thực lòng hy vọng mọi người nên cảnh giác. Biết điểm yếu của mình rồi thì đừng để cho những người thông minh nhưng không có đạo đức nắm được và lợi dụng.




Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank