30 BÀI HỌC VỀ ĐỌC SÁCH SAU KHI ĐỌC HƠN 100 CUỐN SÁCH MỘT NĂM
1. Muốn xây dựng thói quen đọc sách, hãy bắt đầu với 10 phút đọc mỗi ngày. Thói quen mới cần xây dựng đơn giản, dễ dàng tới mức chẳng thể nào thất bại được.
2. Không quan trọng là đọc bao nhiêu mà quan trọng là đọc thế nào. Đọc, suy ngẫm, liên hệ rồi mang đi áp dụng chắc chắn sẽ tạo ra thành quả.
3. Đọc tóm tắt sách, giới thiệu sách để biết nội dung cốt lõi chứ không nên nghĩ đó là cách ta đã đọc xong cuốn sách.
4. Mỗi cuốn sách sẽ mở ra cho ta một cánh cửa mới, đừng bỏ lỡ cánh cửa tuyệt vời đó.
5. Nhờ đọc sách ta sẽ tìm được những cuốn sách vĩ đại, thay đổi cuộc đời ta mãi mãi. Vấn đề là ta phải đọc đủ nhiều để tìm ra những cuốn sách đó.
6. Sách phát triển bản thân không xấu, nhưng nếu đọc sách phát triển bản thân xong mà thiếu kĩ năng hành động, thực thi thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra.
7. Ta là duy nhất, ta khác biệt về nhận thức, tư duy, lối sống, hoàn cảnh, trải nghiệm, công việc và thế mạnh so với bất cứ ai. Thế nên việc ta áp dụng sách cũng khác biệt như vậy. Áp dụng, liên hệ với bản thân rồi điều kì diệu sẽ xảy ra.
8. Đọc sách có thể không giàu nhưng không đọc chắc chắn nghèo. Nghèo về tư duy, nhận thức, không biết cách thấu hiểu, nhận diện về bản thân và bối cảnh xã hội sẽ khiến ta nghèo bền vững cả về tinh thần lẫn vật chất.
9. Không quan trọng là ta chọn cuốn sách nào mà quan trọng là ta có ngồi xuống và đọc nó ngay không.
10. Trước khi đọc sách hãy đọc kĩ tên sách, mục lục, lời giới thiệu, dẫn nhập...để làm gì, để hiểu sâu về bối cảnh ra đời cuốn sách, cũng như những điều cốt lõi mà cuốn sách đề cập tới.
11. Với những cuốn sách hay mà bạn ấn tượng, hãy tìm đọc thêm những cuốn sách mà tác giả đề cập tới trong tác phẩm của họ. Bạn sẽ học được rất nhiều từ những cuốn sách đã từng kiến tạo nên tác giả ấy hôm nay.
12. Với những tác giả bạn yêu mến, thần tượng, thích mạch văn và con người của họ. Hãy tìm đọc những tác phẩm mà họ đã kiến tạo nên. Đọc kĩ những tác phẩm đó bạn sẽ hiểu hơn về nhận thức, tư duy, tâm tưởng và nhân cách của họ.
13. Hãy tìm đọc những cuốn sách vượt thời gian, bởi giá trị của nó đã được bảo tồn theo năm tháng.
14. Đừng tham đọc nhanh, đọc nhiều mà không đọc sâu. Đọc sâu quan trọng hơn đọc nhanh, đọc nhiều mà nông. Đừng chạy theo số lượng, hãy tập trung vào chất lượng.
15. Khi mới đọc sách, đừng mong cầu sẽ đọc được nhanh, được nhiều và nhớ được hết mọi thứ. Cái gì cũng cần thời gian, sự thẩm thấu, tư duy hệ thống của bạn cũng vậy.
16. Đừng nhìn ngang, ngó dọc và so sánh bản thân với người khác. Mỗi người có một tiến trình khác nhau, trong khi bạn đang mơ ước làm được như ai đó thì lại có vô số người khao khát được như bạn. Hãy tập trung đọc những cuốn sách phù hợp với tiến trình của bạn.
17. Đọc xong một cuốn sách đừng vội gấp lại rồi cất đi. Hãy dành thời gian ghi ra ít nhất ba điều bạn tâm đắc nhất về cuốn sách đó.
18. Với những cuốn sách viết rất hay, có những câu chạm sâu tới bạn, đừng bỏ qua. Hãy ghi ngay vào cuốn sổ tay mang tên " những câu nói bất hủ". Bạn sẽ sớm dùng tới nó trong bài viết hay những bài hùng biện sau này.
19. Khi hoàn thành xong một cuốn sách, đừng tóm tắt lại mọi thứ trong cuốn sách đó. Hãy học cách sơ đồ những điều bạn tâm đắc. Sơ đồ theo cách nào cũng được, miễn là bạn thích.
20. Khi sơ đồ bạn có thể sơ đồ theo cách "tại sao tôi lại đọc cuốn này", "tôi học được những bài học gì?" Và "tôi sẽ áp dụng thế nào vào cuộc sống?".
21. Bạn cũng có thể sơ đồ dựa vào mục lục, hoặc những điều bạn tâm đắc nhất. Tuy nhiên hãy chú ý tới tính cân đối khi trình bày, điều này cũng liên quan tới tư duy thiết kế và thẩm mỹ của bạn.
22. Đọc xong, hãy tiến thêm một bước, viết ra những điều bạn tâm đắc từ phần sơ đồ kia. Bắt đầu với "Điều tôi ấn tượng là", "Nó làm tôi nhớ tới tôi của.....", "Tôi sẽ áp dụng nó vào cuộc sống của mình như sau..." Đây là cách làm sâu sắc con người bạn.
23. Đọc xong, nếu có thể hãy tìm tác giả sách và nói lời cảm ơn tới họ. Cảm ơn họ vì đã giúp bạn học được điều gì đó. Cách này giúp bạn mở rộng thêm mối quan hệ, có thêm một người bạn, một người thầy. Đồng thời bạn cũng truyền động lực cho chính tác giả ấy. Bởi chẳng hạnh phúc nào lớn bằng việc họ biết được đứa con tinh thần của bản thân đã giúp được ai đó.
24. "Trường học cho bạn một công việc nhưng tự học sẽ cho bạn cả một gia tài". Đọc sách là công cụ hiệu quả nhất để bạn nâng tầm kỹ năng tự học của bản thân.
25. Hãy giúp bé con và những người xung quanh bạn yêu sách, ham thích đọc sách bằng việc nêu gương và ứng dụng những gì đã đọc vào cuộc sống. Nếu bạn thay đổi một chút họ sẽ không biết nhưng nếu bạn thay đổi rất nhiều họ sẽ hỏi bạn bí quyết. Khi ấy họ sẽ tự động thích đọc sách vì mong muốn, khao khát được trở nên như bạn.
26. Luôn có ít nhất một cuốn sách bên người vì chắc chắn sẽ có những lúc bạn có thời gian để đọc nó.
27. Một vài cuốn sách chưa thay đổi được bạn nhiều nhưng mười cuốn sách bạn sẽ bắt đầu khác đi, năm mươi cuốn sách thì tâm thế của bạn đã xoay chuyển. Còn với một trăm hay một nghìn cuốn sách đã được bạn tiếp nhận, thần thái, khí chất của bạn sẽ thay đổi mãi mãi.
28. Tâm ta chính là những gì mà ta tiếp nhận. Hàng ngày tiếp nhận những lời hay ý đẹp, những chỉ điểm thông tuệ từ các bậc vĩ nhân, bạn có muốn đứng im một chỗ cũng khó. Cơ thể bạn thay đổi bằng những món ăn còn tâm trí, tinh thần và tư tưởng của bạn thay đổi qua những gì mà bạn đã đọc hàng ngày.
29. Trong xã hội thay đổi chóng mặt như hiện nay thì sự chú tâm là điều vô giá. Chính sự chú tâm sẽ giúp bạn đi xa, đi nhanh và không nằm trong tầng lớp vô dụng. Sách chính là cách giúp bạn duy trì sự chú tâm ấy.
30. Cuối cùng đọc sách là đầu tư chứ không phải chi phí. Nếu biết cách đọc hiệu quả bạn sẽ có cả một gia tài, khoản đầu tư này sẽ luôn sinh lời theo cấp số nhân. Chỉ cần bạn đọc đủ sâu, đọc đủ lâu và bắt đầu biết đưa sách vào đời sống.