Câu chuyện hay của một vị hòa thượng và tên trộm - Giúp bạn có bài học sâu sắc về sự tử tế!!!
Có thể bạn đã gặp được câu chuyện này ở đâu đó, hãy đọc kỹ và đúc rút bài học sâu sắc cho chính mình.
Khi Bồ Tát Long Thọ tu hành, cuộc sống của ông vô cùng giản dị, gia sản duy nhất chỉ là một cái bát. Nhưng ông lại là thiên tài với trí tuệ vô song, ngay đến cả đức vua cao quý, hoàng hậu hay những người có địa vị, quyền lực đều là học trò của ông.
Có một vị hoàng hậu rất sùng kính Long Thọ, đã đặc biệt làm ra một cái bát kim cương quý giá cho ông. Khi hòa thượng Long Thọ cầm cái bát bằng sứ đến hoàng cung, hoàng hậu nói với ông rằng: “Ta muốn ngài đáp ứng cho ta một việc”.
Long Thọ hòa thượng nói: “Trên người tôi chẳng có thứ gì ngoài cái bát này, hoàng hậu muốn tôi làm chuyện gì nào?”.
Hoàng hậu nói: “Ta chính là muốn cái bát đó”.
Ông nói: “Vâng, vậy mời người nhận lấy nó”.
Hoàng hậu lại nói: “Vẫn chưa hết, ta muốn đổi cho ngài cái bát của ta, hãy nhận lấy cái bát này”. Hòa thượng đáp: “Không vấn đề gì, bát nào cũng được”.
Ông hoàn toàn không biết rằng hoàng hậu đã ngầm đưa cho mình một cái bát bằng vàng quý giá. Trên đường trở về, ông dừng chân tại một ngôi miếu đổ nát. Trước đó, có một tên trộm đã phát hiện chiếc bát quý giá quý giá trên tay hòa thượng Long Thọ, liền bám theo ông đi vào trong miếu.
Ngôi miếu chỉ còn lại 4 vách tường, không có mái che, mọi thứ hoang tàn đổ nát. Trên bức tường có một cánh cửa sổ, và tên trộm trốn ở bên ngoài thám thính. Anh ta biết rằng các nhà sư Phật giáo mỗi ngày chỉ ăn một bữa, liền tính toán: “Đợi đến khi ông ta ăn no ngủ say, mình có thể ra tay, đó là thời điểm thích hợp nhất. Hơn nữa, ngôi miếu này đã hoang phế nhiều năm, một bóng người cũng không có, quả là thuận lợi”.
Sau khi hòa thượng Long Thọ ăn no liền ném cái bát ra ngoài cửa sổ ngay chỗ tên trộm đang ẩn nấp. Tên trộm không thể tin vào mắt mình: “Sao lại có loại người như thế này? Ăn no rồi lại vứt cái bát quý giá này đi, hay là cái bát này không có giá trị gì?”. Thế là tên trộm đứng dậy hỏi: “Tôi có thể vào hỏi ông mấy điều được không?”.
Hòa thượng Long Thọ nói: “Chàng trai, để dẫn cậu vào đây, ta đã phải ném cái bát ra đó! Cậu vào đi, cái bát đó ta cho cậu, nên cậu không phải là tên trộm, nó là món quà của ta.
Ta là một người nghèo không có gì ngoài cái bát này, ta cũng biết rằng mình không thể giữ nó được lâu, bởi vì khi ngủ cũng sẽ có người lấy mất. Cậu đã không ngại phiền phức mà đi theo ta từ thủ phủ về đây, ta sớm đã biết điều đó rồi. Thời tiết mùa hè rất nóng, xin đừng từ chối món quà của ta!”.
Tên trộm nói: “Ông thật kỳ lạ, ông không biết cái bát này rất quý giá sao?”.
Hòa thượng Long Thọ nói: “Sau khi ta lĩnh ngộ được chân lý cuộc đời thì những điều khác đều không còn giá trị nữa rồi!”.
Tên trộm nhìn Long Thọ và nói: “Vậy xin ông hãy nói cho tôi biết, ông đã lĩnh ngộ được chân lý gì mà còn giá trị hơn chiếc bát vàng này vậy?”.
Hòa thượng Long Thọ đáp: “Một điều rất đơn giản!”
Tên trộm nói: “Trước khi ông nói ra hãy để tôi giới thiệu, tôi là một tên trộm nổi tiếng”.
Hòa thượng nói: “Ai mà không như thế chứ, đừng quan tâm đến những thứ vụn vặt đó! Bởi vì con người sinh ra đều tay trắng, về sau lại có được rất nhiều thứ từ những người khác, nên tất cả mọi người đều là tên trộm, cho nên đừng lo lắng.
Dù cậu làm gì cũng không thành vấn đề, chỉ cần làm tốt là được, và cần nhớ kỹ: Khi cậu ăn cắp đồ của người khác, cậu hãy nghĩ đến cảm thụ của họ. Nếu cậu không thể cân nhắc đến cảm xúc của người khác, vậy đừng ăn cắp nó. Chỉ có nguyên tắc đơn giản vậy thôi!”.
Tên trộm nói: “Điều này quá dễ dàng. Nhưng sau này liệu tôi có thể gặp lại ông không?”.
Hòa thượng Long Thọ nói: “Ta sẽ ở lại đây hơn 10 ngày. Thời gian này cậu đều có thể đến, nhưng trước tiên cậu hãy làm theo những gì mà ta đã nói”.
Tên trộm đã thử điều này trong mười ngày, và anh ta thấy rằng đó là việc làm khó nhất trên đời. Có những lúc muốn trộm đồ, nhưng khi nghĩ tới cảm giác của người khác, thì ham muốn ăn trộm đồ của anh ta lại tan biến đi. Ngay cả khi anh ta vào ăn cắp trong cung điện, lúc mở ra những ngăn tủ đầy vàng bạc châu báu khiến anh ta không suy nghĩ gì hết, nhưng anh ta lại nhớ tới lời hứa, nên đành không trộm đồ nữa.
Cuối cùng, anh ta không trộm một thứ gì, liền đến gặp hòa thượng Long Thọ và nói: “Cuộc sống của tôi đã bị ông đảo lộn hết rồi. Bây giờ tôi không thể ăn cắp bất cứ thứ gì"
(Sưu tầm có chỉnh sửa)
Câu chuyện về Bồ Tát Long Thọ và tên trộm chứa đựng những bài học sâu sắc về sự thấu hiểu, lòng tử tế, và khả năng thay đổi cuộc đời khi biết đặt mình vào vị trí của người khác. Từ câu chuyện, ta có thể đúc kết được những ý nghĩa sau:
- Bồ Tát Long Thọ không trách mắng hay trừng phạt tên trộm, mà bằng cách đặt tên trộm vào hoàn cảnh của chính mình, ông giúp anh ta nhận ra cảm xúc và nỗi đau của người khác khi bị mất mát. Chính sự thấu hiểu này đã thay đổi tâm tính của tên trộm, khiến anh tự nguyện từ bỏ thói quen xấu.
- Dù biết rõ ý định của tên trộm, Long Thọ vẫn chọn cách đối xử tử tế, trao đi cái bát quý giá. Hành động này không chỉ giải thoát ông khỏi nỗi lo bị trộm, mà còn gieo một hạt giống thiện lành trong tâm hồn của người khác.
- Sự thay đổi của tên trộm không đến từ sự áp đặt hay phán xét, mà từ việc anh tự mình trải nghiệm và nhận ra giá trị của sự yên bình, tự do và vui vẻ khi sống không làm tổn hại đến người khác.
Khi biết đặt mình vào vị trí của người khác, ta không chỉ tránh gây tổn thương mà còn lan tỏa thiện lành, gieo đi những hạt giống tử tế
Bạn có suy nghiệm gì sau khi đọc câu truyện trên. Hãy chia sẻ bên dưới nhé!!!