ĐIỀU GÌ ẨN SAU NHỮNG KHUÔN MẶT TỬ TẾ VÀ LUÔN TƯƠI CƯỜI?
Giống như câu tục ngữ Hàn Quốc “Ta không thể nhổ nước bọt vào một gương mặt đang cười”, trong xã hội này, người luôn giữ thái độ tích cực và hay cười thường đem đến sự thoải mái và khiến người khác khó lòng đối xử tệ với họ. Nếu nhìn xung quanh, chúng ta sẽ phát hiện ra có người cười nhiều đến mức “bất thường”. Những người này cười và nhẫn nhịn ngay cả khi bị người đi ngang qua giẫm vào chân hay khi nhà hàng phục vụ sai món. Thậm chí họ còn thấy ổn khi bị đối xử bất công và vô lý, hoặc họ sẽ cười và nói rằng mọi chuyện vẫn ổn khi bản thân hay người thân bị bệnh. Ở nơi làm việc, khi có người chen ngang vào dự án mà mình đang làm dở, họ cũng chỉ cười và cho qua chứ không hề chống đối hay thậm chí là “làm cho ra nhẽ” với đối phương.
Trên thực tế, tính cách quá tươi vui có thể là vấn đề. Tuy nhiên, lý do khiến chúng ta nghĩ như vậy là bởi chúng ta thấy họ vui vẻ ngay cả vào những khoảnh khắc nhẽ ra không nên thế. Những hành động giả vờ ổn ngay cả khi bản thân không thực sự ổn được coi là một biểu hiện của “khuếch đại tâm lý”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì, đầu tiên, họ có thể là những người rất ghét gây ảnh hưởng đến người khác. Họ lo lắng, đắn đo và lo sợ rằng nếu kể cho đối phương nghe những chuyện khó khăn, mệt mỏi của mình thì bản thân sẽ phá hỏng tâm trạng của họ và khiến họ mệt mỏi theo.
Thứ hai, nhiều người sợ rằng nếu mình thể hiện tâm trạng buồn bã hay đau khổ của bản thân, người khác sẽ nghĩ là họ kém cỏi, yếu đuối và thậm chí là bất tài.
Chính vì thế, trong nội tâm của những người có trạng thái, hành vi như vậy cười không có nghĩa là vui, và khóc chưa chắc đã buồn. Nếu tình trạng kéo dài trong một thời gian, họ không thể đối diện thẳng thắn với cảm xúc của mình được nữa.
Vậy nếu bạn ở cạnh những người như vậy, điều gì bạn có thể làm để khiến họ trở nên chân thật hơn với những cảm xúc của mình?
Vấn đề có thể không nằm ở người luôn nói “Tôi vẫn ổn” mà nằm ở chúng ta, những người thân cận với họ. Tức, không phải là họ luôn hành xử như vậy mà họ chỉ nói ổn và giả vờ như vậy khi ở cùng chúng ta mà thôi. Có thể là do chúng ta luôn phản ứng tiêu cực mỗi khi họ thể hiện ra cảm xúc đau khổ, mệt mỏi chẳng hạn.
Bạn hãy thử một lần nhìn lại xem bạn có quá coi nhẹ cảm xúc của đối phương hay đem cảm xúc của họ ra làm trò đùa hay không. Mong bạn không mặc định đó là vấn đề từ phía người luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ mà thử ngẫm xem vấn đề có hay không xuất phát từ mình.
(HIỂU NGƯỜI - Đọc vị bất cứ ai trong giao tiếp)
---