KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

4 BƯỚC ĐỂ LÀM CHỦ BẤT KỲ LĨNH VỰC NÀO


4 BƯỚC ĐỂ LÀM CHỦ BẤT KỲ LĨNH VỰC NÀO

 

Nếu ai hỏi mình cảm giác sung sướng nhất mình từng có là gì, câu trả lời của mình sẽ là lúc từ một kẻ ngoại đạo về một lĩnh vực nào đó, trở nên biết chút ít về nó. Cảm giác có một lĩnh vực gì đó thuộc về mình, và với nó mình có thể đóng góp cho xã hội, là sự hạnh phúc mình không thể diễn tả bằng ngôn từ. Nhưng, tìm được một lĩnh vực như vậy không phải là điều dễ dàng. Và tìm  là một chuyện, trở nên thành thạo và làm chủ lĩnh vực này là một chuyện khác.

Thật may mắn, để giúp chúng ta giải được câu đố này, tác giả Robert Greene đã viết ra cuốn sách “Mastery” (Làm chủ). “Mastery” được chiêm nghiệm từ tinh hoa cuộc đời của chính tác giả, và rất nhiều vĩ nhân khác như Leonardo Da Vinci, Albert Einstein, Benjamin Franklin, hay là Mozart. Trong cuốn sách, tác giả đã đúc rút ra 4 bước chúng ta cần trải qua để làm chủ bất kỳ lĩnh vực nào. Hãy cùng mình tìm hiểu tường tận về 4 bước này thông qua cuốn sách “Mastery” nhé!

👑TÌM RA THIÊN HƯỚNG

Trong cuốn sách, Robert Greene cho rằng mỗi chúng ta ai cũng có một tiếng gọi tự nhiên bên trong mình, một động lực thúc đẩy chúng ta làm điều phù hợp với bản thân. Nó đã từng xuất hiện trong thời thơ ấu, lúc ta bị mê mẩn bởi một lực hút nào đó mà ta không diễn tả nổi. Nó chính là khoảnh khắc Einstein bị thu hút bởi động lực vật lý tác động lên chiếc la bàn, hay Leonardo Davinci bị thu hút bởi vẻ đẹp của tự nhiên đến nỗi phải trộm giấy của bố để phác họa.

Để tìm được một thiên hướng đúng nghĩa, chúng ta cần quay vào tự vấn chính bản thân mình. Điều gì làm bạn phấn khích thuở ấu thơ? Tuy cuốn sách không nhắc đến nhưng cá nhân mình có một điều muốn lưu ý các bạn. Ta không nhất thiết phải gắn bản thân với một công việc cụ thể, bởi như thế sẽ giới hạn lựa chọn của ta. Có một số lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo hay là Quản trị mạng xã hội lúc chúng ta sinh ra còn chưa xuất hiện, vậy sao có thể khẳng định là ta sinh ra dành cho nó?

Cách tiếp cận toàn diện hơn là hãy chỉ tìm về những điều mang tính bản chất. Ví dụ, nếu lúc nhỏ ta thích đọc những bài thơ, điều này không đồng nghĩa với việc lớn lên ta sẽ trở thành nhà thơ, mà có thể đơn giản là ta thích tính vần điệu của ngôn ngữ. Và nếu nghĩ rộng như thế thì ta có thể làm cả những ngành nghề khác như là rapper, hay là nhà ngôn ngữ học nói chung, thay vì chỉ nghĩ mình có thể làm nhà thơ. Thay đổi suy nghĩ như vậy sẽ khiến ta tự do hơn nhiều trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

👑GIAI ĐOẠN TẬP SỰ

Trong giai đoạn này, tác giả chia thành 3 bước nhỏ khác: Quan sát sâu - Chế độ thụ động, Thu nhận kỹ năng - chế độ thực hành và Thử nghiệm - Chế độ chủ động.

Mới đầu giai đoạn tập sự, chúng ta cần phải chú ý quan sát thật kỹ những quy tắc trong lĩnh vực của mình. Ngoài việc để ý những thứ bề nổi (kiến thức cơ bản, quy trình làm việc,…) chúng ta cũng cần để ý phần đáy của tảng băng chìm. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng có những “luật ngầm” mà chỉ có người trong nghề mới biết, việc tìm hiểu những điều này sẽ giúp chúng ta đi xa và đi nhanh hơn.

Sau khi đã có khái niệm căn bản về điều mình cần làm, việc của ta đơn giản chỉ là làm nó càng nhiều càng tốt cho đến lúc ta thành thạo kỹ năng này mới thôi. Việc này nghe thì rất đơn giản nhưng trên thực tế lại khó vô cùng. Hiếm ai đủ kiên trì để dành 10000 giờ cho một lĩnh vực, và làm một việc lặp đi lặp lại trong hàng năm liền.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, chúng ta nên tiếp cận theo góc nhìn “thử và sai”. Lúc này, thất bại là chấp nhận được, thậm chí, bạn nên thấy mừng vì mình gặp thất bại; bởi nếu lúc nào cũng thành công thì có khả năng cao là bạn chưa tiến triển trong công việc của mình. Phải thử nghiệm thật nhiều thì bạn mới biết là mình mạnh và yếu ở đâu, từ đó phát triển một cách toàn diện.

Ngoài 3 bước ở trên, Robert Greene cũng nhắc đến 2 khía cạnh khác không kém phần quan trọng trong quá trình tập sự: Tìm người hướng dẫn và phát triển trí thông minh xã giao. Để có được người hướng dẫn, ta cần cho họ thấy đây là mối quan hệ hai chiều, nếu họ dạy chúng ta thì họ cũng sẽ được một lợi ích nào đó (Tiền tài, danh tiếng, nhân lực không công,…). Ta không thể bắt một người bỏ thời gian quý báu ra để chỉ dạy mình mà không nhận lại điều gì.

Thường thì lý do mà rất nhiều người thông minh xuất chúng nhưng không thể thành công là bởi họ gặp phải rất nhiều sự cản trở, ganh đua từ người khác. Thế nên nếu ta học được cách thu phục lòng người, biến địch thành bạn thì ta sẽ có thêm nhiều năng lượng để tập trung vào điều mình thích hơn.

Một điều mà tác giả nhấn mạnh ở trong cuốn sách là hãy chú ý vào những cử chỉ phi ngôn ngữ (non-verbal cue) thay vì lời nói của đối phương. Ngôn ngữ hoàn toàn có thể bị sai lệch nhưng hình thể thì rất khó để làm giả. 

👑 SÁNG TẠO - CHỦ ĐỘNG

Sau khi có được kiến thức và trải nghiệm về lĩnh vực của mình, nếu ta không dám sử dụng nó để tạo lối đi riêng cho mình mà chỉ đâm đầu vào lối đi được người khác vạch sẵn, ta sẽ không thể nào đạt trạng thái làm chủ. Xuyên suốt cuốn sách, Robert Greene khuyên chúng ta đừng chỉ tìm hiểu  một lĩnh vực, mà hãy mở rộng vùng hiểu biết qua nhiều ngành nghề khác nhau. Bởi sự đột phá trong một lĩnh vực thường đến từ việc kết hợp kiến thức từ lĩnh vực khác. Ví dụ điển hình là đệm khí trong giày Nike vốn lấy ý tưởng từ một công nghệ trong ngành hàng không của NASA.

Một điều khác cần nhớ trong bước này chính là đừng để ý tưởng của ta chỉ nằm ở trong đầu. Hãy thả nó ra ngoài thế giới thực - qua bài viết, mô hình, tranh vẽ, hay ít nhất là bàn luận với người khác. Như thế thì ta mới biết được ý tưởng của ta có thực sự khả thi hay không. Thà mất thời gian thử và sai, còn hơn là giữ nỗi nuối tiếc suốt đời. 

👑LÀM CHỦ

Cho đến đây, hẳn con đường bước tới làm chủ đã dần hiện rõ ra với bạn. Mình tin rằng chúng ta về cơ bản đều biết phương pháp để đạt đến trạng thái làm chủ trong cuộc sống là gì: “Chọn một lĩnh vực và sẵn sàng dành thời gian suy ngẫm về nó mỗi ngày, trong một khoảng thời gian xấp xỉ 10 năm”. Và đây chính là cách mà người làm chủ trở nên khác biệt với đám đông.

Ngoài ra, Robert Greene mô tả trạng thái làm chủ là một trạng thái khi mà trực giác với lý trí hòa làm một. Trong trạng thái này, ta dần mất đi cảm thức về thời gian, không để ý đến môi trường xung quanh. Mình thấy trạng thái này khá giống với trạng thái dòng chảy (Flow) được phổ biến bởi Mihaly Csikszentmihalyi.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là Flow không cần đến thời gian dài để đạt được như trạng thái làm chủ, mà bạn hoàn toàn có thể đạt được trong cuộc sống hàng ngày nếu tác vụ của bạn đảm bảo ba yếu tố sau: Có mục tiêu đầu ra rõ ràng, có phản hồi (Feedback) cho công việc ta làm và có sự cân bằng giữa kỹ năng của ta và độ khó của thử thách.

“Nếu bạn không sẵn lòng để trở thành một kẻ ngốc, bạn không thể đạt tới trình độ làm chủ.” - Jordan Peterson.

Thực ra, mình không thích dùng từ làm chủ nếu nó mang hàm ý rằng ta đã hoàn toàn nắm được kỹ năng ở một lĩnh vực nào đó. Thay vào đó, mình xem thế giới như  một con sông mà trong đó không có một hạt nước nào chảy hai lần cùng một chỗ. Đối với mình, làm chủ thực sự là khi ta có đủ nền tảng kiến thức để tiếp nhận vẻ đẹp của thế giới, nhưng cũng đủ khiêm nhường để nhận ra kiến thức của ta có thể trở nên lỗi thời bất kỳ lúc nào trước dòng chảy vô định của vũ trụ.


Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank