“Chăm chỉ là cách duy nhất để khiến cho đồng nghiệp tôn trọng mình!”
Trong vài tháng đầu tiên đi làm công việc đầu tiên trong đời, tôi phải thừa nhận rằng mình không quá hứng thú với công việc. Đầu óc của một đứa trẻ 16 tuổi lúc đó chỉ nghĩ về chuyện trượt ván, con gái, và trường học. Vậy nên, đến cuối buổi, tôi toàn phải nhờ cậy các đầu bếp để dọn dẹp cho kịp và điều này khiến họ không ngừng bực mình.
Đến một tối nọ, khi các đầu bếp khác đã làm xong thì tôi vẫn đang chật vật với đống bát đĩa chồng chất. Thay vì giúp đỡ, họ đứng xung quanh tôi mà mắng thẳng vào mặt, buộc tôi phải rửa nhanh nhất có thể.
Họ khiến tôi cảm thấy hổ thẹn và hoàn toàn gục ngã.
Đến tối hôm sau, tôi bước vào bếp với tinh thần tập trung cao độ. Tới cuối buổi, tôi đã theo kịp mọi người và hoàn thành công việc đúng giờ. Khi chúng tôi sắp sửa về nhà, một trong những đầu bếp chính tiến đến chỗ tôi trong phòng thay đồ. Tôi cảm thấy cổ họng mình như nghẹn lại. Giờ thì gì nữa đây? Liệu tôi có bị đánh với chiếc khăn lau bát? Liệu đồng phục của tôi có bị giấu đi không?
“Này, Stephen. Tối nay cậu làm tốt lắm. Đó là điều chúng tôi cần ở cậu. Cậu đã cho chúng tôi thấy hiệu suất làm việc của mình. Cậu xứng đáng nhận được sự tôn trọng của chúng tôi.”
Ông ấy bắt tay tôi rồi bỏ đi.
Đó chỉ là một khoảnh khắc chớp nhoáng, nhưng vô cùng có ý nghĩa với tôi. Một khi đã bước chân vào môi trường làm việc và muốn được đồng nghiệp tôn trọng, bạn phải nỗ lực 100%.
Rõ ràng, công việc đầu đời đã để lại trong tôi những cảm xúc và vết sẹo không thể xóa nhòa. Thế nhưng, nó cũng giúp tôi hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp của mình, đồng thời dạy tôi rằng: Chăm chỉ là cách duy nhất để khiến cho đồng nghiệp tôn trọng mình.
Sau này, khi làm bồi bàn rồi trở thành người giám sát cho một chuỗi khách sạn nổi tiếng, tôi vẫn dành thời gian cho những người làm nghề rửa bát trong bếp. Tôi thường xuyên ở lại sau ca trực để giúp họ, bởi tôi hiểu những gian khổ mà họ đang trải qua. Tôi đảm bảo tất cả đều được đối xử công bằng vì họ xứng đáng được như vậy.