4 ĐIỀU NGƯỜI KHÔN DÙ RƠI VÀO NGHỊCH CẢNH CŨNG KHÔNG LÀM
--------------------
Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải những chuyện không như ý muốn, nhưng không phải chuyện nào cũng đáng để hao tâm tổn sức.
Người thông minh sẽ biết chuyện nào xứng đáng chuyện nào không, biết tính toán giữa lợi và hại. Có câu nói rằng: "Không tranh không có nghĩa là mình không bằng người, không nói không có nghĩa là mình không biết."Vậy là người thông minh, ắt sẽ không tranh 4 điều sau đây:
1. Điều 1. Không tranh thể diện
Cuộc sống của con người chịu ảnh hưởng chi phối của hai yếu tố: hình thức bên ngoài (thể diện) và suy nghĩ bên trong (nội tâm).
Vì hai chữ "thể diện", nhiều người chấp nhận sống theo cách miễn cưỡng cầu hòa, thậm chí còn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Tính sĩ diện càng cao thì những đau khổ mà bản thân và người nhà phải gánh chịu trong cuộc sống càng nhiều.
Một người bạn của tôi rõ ràng không mua được vé xe về nhà vào dịp Tết. Nhưng anh ấy sẵn sàng thức trắng đêm để mang vác đồ đạc giúp người khác xếp hàng mua vé. Đồng nghiệp mượn tiền, cho dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn đi gom tiền cho người ta vay.
Sự coi trọng thể diện thực chất là để che đi những khiếm khuyết bên trong bản thân.
"Con người không phải ai cũng có bản lĩnh, nhưng có bản lĩnh ắt sẽ có thể diện. Người tầm thường chỉ biết giữ thể diện cho mình, người thành công sẽ biết giữ thể diện cho cả người khác. Nhiều người vẫn luôn vì sĩ diện mà nhẫn nhịn chịu đựng, kể cả có thiệt thòi đến đâu, cũng nhất quyết phải giữ cho bằng được."
Vì sĩ diện, nhiều người sẽ chấp nhận làm những chuyện bản thân không đủ khả năng, rồi ngu ngốc mà rước họa vào thân. Họ có thể giữ lại được thể diện nhưng không thể che đậy một cái đầu rỗng tuếch và một trái tim bị tổn thương.
Thể diện là gì? Thể diện chính là không miễn cưỡng, sống thật sống đúng với bản thân mình. Thể diện cần phải được tạo ra trên nền tảng năng lực và thực lực. Thay vì mất thời gian tô điểm cho cái sĩ diện của mình, chúng ta hãy tập trung vào việc bồi dưỡng đạo đức và nâng cao năng lực cho bản thân.
2. Điều 2. Không tranh lời nói
Câu chuyện sau được trích trong cuốn sách "EQ cao chính là biết cách nói chuyện":
Trong công ty, có một người nhân viên trẻ tuổi nhờ năng lực tốt cùng với đầu óc nhanh nhẹn mà nhận được sự ưu ái từ phía sếp. Nhưng cái thói thích "đấu khẩu" với người khác đã không ít lần cản bước thăng tiến của cậu ta. Trong cuộc họp, chỉ cần có ý kiến bất đồng với đề xuất của mình, cậu ta sẽ ngay lập tức tranh luận tới cùng với người đó.
Kể cả khi đã đuối lí thì tính hiếu chiến của cậu ấy vẫn không hề thuyên giảm. Lâu dần, cậu ta đều bị mọi người xa lánh. Không ai còn muốn đóng góp ý kiến cho các dự án mà cậu ta đảm nhiệm nữa. Hậu quả là các dự án này đều xuất hiện nhiều lỗ hổng trong quá trình triển khai. Còn cậu nhân viên kia thì đánh mất dần sự tín nhiệm của sếp.
Cái giá phải trả cho chiến thắng từ những lần "đấu khẩu" với người khác chính là chúng ta đã đánh mất đi lòng người và cơ hội. Cuối cùng, người thiệt nhất vẫn chính là chúng ta.
Hồi đi học, Tăng Quốc Phiên (vị quan nổi tiếng triều Thanh) có một người bạn luôn thích ganh đua với người khác. Lúc ông đang đọc sách trước giường, người này than phiền ông đang che hết ánh sáng. Ông chỉ lẳng lặng chuyển lên giường đọc sách. Nhưng đến đêm, người đó lại kêu ông đang phá hỏng giấc ngủ của người ta.
Thế là ông lại không nói một lời, đọc sách trong im lặng. Sau này, Tăng Quốc Phiên đỗ đạt làm quan khiến cho người bạn học đó vô cùng ghen tức. Thậm chí, người ấy còn nói là ông đã hưởng hết may mắn của người ta. Từ đầu đến cuối, Tăng Quốc Phiên vẫn giữ thái độ im lặng, tuyệt nhiên không hề tranh cãi với người kia. Ngày nay, người ta chỉ biết đến một Tăng Quốc Phiên lừng lẫy một thời, chứ ai còn nhớ đến người bạn học vô danh tiểu tốt năm xưa nữa.
Những lần "đấu khẩu" như vậy, thắng rồi thì cũng chẳng vui gì, mà còn bộc lộ ra bản chất nhỏ nhen ích kỉ của con người.
Người sâu sắc sẽ không bao giờ quan tâm đến những hơn thua trong lời nói thị phi. Bởi vì người thông minh vốn không cần phải tranh đua với người khác.
3. Điều 3. Không tranh hư vinh
Bản chất của con người là tham lam. Vòng xoáy danh lợi không ngừng khiến cho không ít người phải đánh mất đi thời gian và sự tự do của chính mình. Phàm là người càng ham mê danh lợi, càng khó mà làm việc một cách tử tế. Người xuất chúng luôn coi danh lợi nhẹ tựa lông hồng.
Nhà vật lý học nổi tiếng Marie Cuire được tặng thưởng nhiều học hàm và huân chương cao quý do có nhiều đóng góp cho nền khoa học nhân loại.
Một người bạn của bà khi đến thăm nhà đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô con gái nhỏ nhà Cuire đang lấy huân chương của Hiệp hội Hoàng gia Anh làm đồ chơi. Người đó hỏi: "Một tấm huân cương cao quý như vậy làm sao lại trở thành đồ chơi của con trẻ?
Marie Cuire đáp: "Tôi chỉ muốn cho con bé biết danh lợi giống như đồ chơi, không nên quá coi trọng, như vậy thì mới có thể sống một cuộc đời tử tế."
Người bình thường khó mà kháng cự lại những cám dỗ của vòng xoáy danh lợi. Chúng ta vì danh lợi mà tranh đấu cả một đời, nhưng sau cùng lại bị danh lợi trói buộc bản thân.
Nhà văn Trung Quốc Tiền Chung Thư vốn nổi là người sống giản dị không màng danh lợi. Năm 1991, nhân dịp sinh nhật ông, Viện khoa học xã hội Trung Quốc và giới văn học cùng với giới truyền thông dự đinh tổ chức hội thảo khoa học nhằm tôn vinh những đóng góp của ông. Nhưng đề xuất này đã bị nhà văn Tiền Chung Thư kiên quyết từ chối.
Núi không so đo với nhau mà tự thành đỉnh cao. Người biết điều tự khắc sẽ thanh cao. Mọi chuyện nên dừng ở mức vừa đủ. tâm tự khắc thanh tịnh. Người không màng danh lợi mới có thể nhìn xa trông rộng. Người biết hài lòng với mọi thứ mới chính là người có nhiều hơn tất cả.
4. Điều 4. Không tranh cái lợi trước mắt
Nguyện làm một cây cổ thụ, cả đời không phải đi tranh với cỏ cây.
Lúc nhỏ, Văn Thiên Dương phải sống trong cảnh nghèo khó, nhưng lại có tư chất thông minh, chăm chỉ học hành. Những người bạn học ghen tỵ với tài năng của ông nên đã vu oan cho ông tội trộm cắp.
Nhưng Văn Thiên Dương không dễ dàng mắc bẫy, đã chứng minh được sự trong sạch của bản thân. Từ đây, ông quyết tâm tu chí đợi ngày ghi danh bảng vàng.
Muốn có thể tiến xa hơn, ta cần phải gạt bỏ tư duy hạn hẹp và cái tính "khôn lỏi". Thời gian sẽ cho chúng ta biết câu trả lời ai là người thông minh.
"Một người biết nghĩ sẽ không bao giờ chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân mà trở nên thô lỗ, hống hách trước mặt người khác. Một mỗi việc họ làm đều chịu sự ảnh hưởng từ tính cách của họ. Một người sống ung dung tự tại sẽ không bao giờ huênh hoang cả đời. Người ngông cuồng sẽ là kẻ trong mắt không có ai."
Người nào càng sâu sắc thì càng tĩnh lặng. Không tranh cái lợi trước mắt là khí chất của lòng bao dung và sự trưởng thành. Cuốc sống ngày nay ồn ào phức tạp. Chúng ta cần phải học cách bảo vệ trái tim của mình khỏi những tranh đấu bẩn thỉu, xây dựng một đời sống lành mạnh.
Trái tim sẽ không còn mệt mỏi khi chúng ta không quá để tâm đến thể diện. Chúng ta bớt đi những lần tranh cãi, tự khắc sẽ không còn thị phi.
Thân thể và tâm hồn sẽ được tự do khi ta không màng hư vinh. Đường đi của chúng ta sẽ rộng mở khi bản thân còn không ham những lợi ích nhỏ. Người không tranh với đời sẽ có một đời sống tinh thần trong sạch, đạt đến cảnh giới ung dung tự tại.
Đừng quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác và cũng đừng tốn sức cho những chuyện không đâu. Người thông minh sẽ luôn biết dành thời gian để làm những việc thật sự xứng đáng.