KHI NHÂN VIÊN VÀ SẾP - KHÔNG AI CHỊU AI
💢 Bất đồng giữa nhân viên và sếp trong công việc là một vấn đề thường gặp ở bất kỳ công ty nào. Việc tranh cãi đôi khi cũng là cách để nhân viên và sếp cải thiện mối quan hệ, hiểu được nhau, từ đó tăng sự gắn kết, giúp các cá nhân làm việc với nhau hiệu quả hơn. Nhưng việc tranh cãi cũng sẽ khiến cả hai bị tổn thương, nhiều người dễ bị quy chụp với việc thiếu tôn trọng lẫn nhau.
🫸 Nhân viên thường sẽ bày tỏ cảm xúc và lý do dựa trên góc nhìn của một người thực hiện công việc. Ngược lại, quản lý sẽ nhìn nhận vấn đề dựa trên kết quả công việc hoặc tầm nhìn của lãnh đạo. Nếu cả 2 đều không cố gắng đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và thông cảm cho nhau, vấn đề sẽ rất khó được giải quyết.
Để làm được điều này, người quản lý ngoài chuyên môn cao để nói được, làm được cũng cần có kỹ năng hỗ trợ và quan tâm để người lao động cảm nhận được sự tôn trọng.
Đồng thời, khi nhân viên cấp dưới muốn tranh cãi với cấp trên, cấp lãnh đạo về bất cứ vấn đề gì, cần phải tôn trọng và lắng nghe. Hơn hết, khi phản bác một vấn đề, hãy đính kèm luôn cách giải quyết.
Chẳng hạn, sẽ có những lãnh đạo thích các báo cáo công việc, tiến độ công việc hàng tuần hoặc hai tuần một lần. Tuy nhiên, một số nhân viên sẽ khó chịu nếu thấy lịch họp hoặc gửi thông tin cập nhật quá thường xuyên. Cách dễ nhất để đáp ứng mong đợi của sếp đơn giản là hãy hỏi trước: “Anh/chị muốn em báo cáo và cập nhật quá trình làm việc như thế nào ạ?” Từ đó 2 bên hiểu rõ mong muốn và mục đích của nhau, tránh khó chịu, xích mích trong lòng không nói ra.
🚩 Một yếu tố then chốt mà tôi thường áp dụng trong những tình cảnh tranh cãi là nhắc nhở bản thân và các bạn nhân viên nên tập trung vào bức tranh toàn cảnh. Tức các bạn nên học các tránh sa lầy vào những tiểu tiết và hãy tập trung vào việc tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai bên. Chúng ta nên nhớ là ở công ty, mục tiêu không phải là giành chiến thắng trong cuộc tranh luận, mà là tìm ra một giải pháp tốt nhất cho cả hai bên, cho công ty.