CÁCH ĐỂ TRỞ NÊN BẤT KHẢ CHIẾN BẠI TRƯỚC MỌI KHÓ KHĂN CỦA “KIẾM THÁNH” NHẬT BẢN
Miyamoto Musashi (1584 – 1645) được coi là kiếm sĩ vĩ đại nhất lịch sử Nhật Bản do tính kỷ luật đến hà khắc của ông. Sử sách ghi chép lại ông đã chiến hơn 60 trận mà chưa thua trận nào. Không chỉ được mệnh danh là Kiếm Thánh, ông còn là một triết gia và tác giả nổi tiếng với quyển sách “Ngũ luân thư”.
Đáng chú ý, quan điểm của ông về việc tự hoàn thiện rất đơn giản: luyện tập kỷ luật bản thân. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luyện tập hằng ngày, bởi chính thông qua việc rèn luyện có kỷ luật ta mới có thể đạt được sự thành thạo thực sự.
Miyamoto đã nói: “Đừng tìm kiếm những kh.o.á.i lạc”. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã từ bỏ con đường an nhàn và trung thành với quyết định của mình. Ông biết rằng sự vĩ đại luôn có cái giá phải trả, và ông cần phải trả giá cho nó bất kể đắt như thế nào.
Thử tưởng tượng một phiên bản Miyamoto chỉ đắm chìm trong kh.o.á.i lạc, r.ư.ợ.u chè và bỏ bê việc luyện tập. Ông sẽ không thể tiến xa đến mục tiêu trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất thời bấy giờ. Có thể nói, ngoài tài năng kiếm thuật thì chính sự kỷ luật đã góp phần không nhỏ giúp ông trở nên vĩ đại.
Tương tự, có nhiều tác nhân có thể khiến bạn sao lãng khỏi mục tiêu của mình. Bạn phải tập trung vào điều gì thật sự giúp mình tiến về phía trước, từ bỏ mọi cám dỗ xung quanh. Hãy nhìn vào những người đã thành công trong việc tìm kiếm những thứ có ý nghĩa thật sự và chiến đấu vì mục tiêu như Miyamoto.
💡 Bạn muốn trở nên không thể bị đánh bại? Vậy bạn có sẵn sàng nghiêm khắc với bản thân?
Ở đây, tôi đang mượn Miyamoto Musashi để nói về đầu tư.
“Không có gì bên ngoài con người bạn có thể khiến bạn trở nên giỏi hơn, mạnh mẽ hơn, giàu có hơn, nhanh chóng hơn hay thông minh hơn. Mọi thứ đều ở trong bạn. Đừng tìm kiếm gì ở bên ngoài chính bạn.”
Đúng như vậy, kỷ luật phải bắt đầu từ chính bạn. Kỷ luật bản thân trong đầu tư cũng là cách bạn thể hiện trách nhiệm với những đồng vốn mà mình vất vả kiếm được. Chắc hẳn chẳng ai muốn những điều tồi tệ, không may xảy ra với số vốn của mình cả.
Làm bất cứ việc gì trong đời cũng cần có kỷ luật, nhưng đầu tư thì lại càng cần kỷ luật hơn nữa. Kỷ luật trong đầu tư có thể được thể hiện qua nhiều khía cạnh như liên tục nâng cao kiến thức về thị trường, hay đơn giản là tuân thủ chiến lược đã đề ra ban đầu. Hãy tập trung vào mục tiêu của chính bạn khi đầu tư, đừng để bị phân tâm bởi những thú vui tầm thường hay thành quả đầu tư của bất kỳ ai khác.
Giai đoạn đầu của tự giác kỷ luật là hưng phấn, giai đoạn giữa là nỗi đau và giai đoạn sau là hưởng thụ. Chỉ khi trải qua nỗi đau của sự kỷ luật mới xứng đáng đón nhận quả ngọt của chiến thắng.
Nhiều người mải miết đi tìm những chiến lược thần thánh hay “kèo” nóng hổi mà quên rằng “Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”. Bạn chính là v.ũ k.h.í sắc bén nhất mà chính bạn có thể sở hữu. Bất kỳ chiến lược nào cũng được vận hành bởi con người, bất kỳ tư duy nào cũng do con người tiếp thu mà thành. Kỷ luật sẽ đưa bạn đến nơi mà động lực không làm được.