Khổng Tử dạy học trò: Cách để trở thành người sống có lễ nghĩa?
Đức Khổng Tử cả đời coi việc truyền thừa văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của mình, ông cũng coi trọng việc giáo dục và cảm hóa con người. Nhan Hồi nói: “Phu tử tuần tuần nhiên thiện dụ nhân”, ý nói: Thầy tuần tự mà khéo léo dẫn dắt người.
Còn Chu Hy thì nói: “Phu tử giáo nhân, các nhân kỳ tài”, có nghĩa là: “Thầy dạy người dựa trên trình độ khác nhau của từng người”. Qua những câu chuyện dưới đây có thể thấy Khổng Tử giáo dục học trò ngay cả khi giao tiếp thường ngày.
1. Đức Khổng Tử dạy học trò về đạo đối nhân xử thế
Lần nọ, Đức Khổng Tử và học trò của ông bàn luận về Đạo đối nhân xử thế.
Tử Lộ nói: “Khi người khác dùng thiện đối đãi với con, con cũng dùng thiện đối đãi với họ; người khác không dùng thiện đối đãi với con, con cũng không lấy thiện đối xử với họ”. Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm không có đạo đức lễ nghi của dân tộc thiểu số”.
Tử Cống nói: “Người khác dùng thiện đối đãi với con, con cũng dùng thiện đối đãi họ; Người khác không dùng thiện đối đãi con, con sẽ dẫn dắt họ hướng thiện”. Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm nên có giữa bạn bè”.
Nhan Hồi nói: “Người khác dùng thiện đối đãi với con, con cũng dùng thiện đối đãi với họ; người khác không dùng thiện đối đãi con, con cũng dùng thiện đối đãi họ và dẫn dắt họ hướng thiện”.
Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm nên có giữa người thân. Nếu có thể mở rộng nó, lấy tâm chân thành đối đãi với mọi người trong thiên hạ, mới thực sự là thiện đãi với mọi người”.
2. Điều Đức Khổng Tử nói khi tiễn biệt học trò
Tử Lộ, học trò của Khổng Tử phải đi xa một thời gian nên tới cáo biệt thầy.
Khổng Tử nói: “Con muốn ta tặng con một chiếc xe, hay tặng con một vài lời?”. Tử Lộ nói: “Xin Phu tử tặng đệ tử một vài lời ạ”.
Khổng Tử nói: “Không ngừng nỗ lực vươn lên thì sẽ đạt được mục tiêu to lớn; không chăm chỉ làm tốt việc của mình thì không thể có được kết quả tốt; không đối xử chân thành với người khác mà so đo tính toán thì không thể thân cận với người ta; bản thân không coi trọng chữ tín thì không thể mong người khác giữ chữ tín với mình; không chân thành và khiêm tốn với người khác thì không thể phù hợp với lễ nghĩa. Nếu có thể áp dụng năm điều này trong cách hành xử và làm việc thì có thể làm được lâu dài”. Tử Lộ cảm ơn thầy đã chỉ giáo rồi lên đường.
3. Ba việc thiện tại Bồ Ấp
Ba năm sau khi Tử Lộ cai trị tại Bồ Ấp. Lần nọ, khi Khổng Tử đi ngang qua, vừa vào tới biên giới nơi đây; liền khen ngợi nói: “Tử Lộ làm tốt, làm được cung kính và có chữ tín”. Khi đi vào trong thành, Khổng Tử lại khen: “Tử Lộ làm rất tốt, có thể làm được trung tín và rộng lượng”. Đến phủ quan nơi Tử Lộ làm việc, Khổng Tử thốt lên rằng: “Tử Lộ làm quá tốt, làm được minh xét và quyết đoán”.
Tử Cống nghe thấy lấy làm kỳ lạ, tay cầm dây cương hỏi Khổng Tử: “Thầy chưa gặp Tử Lộ mà đã ba lần khen ngợi; xin thầy chỉ cho con biết chỗ mà Tử Lộ làm tốt?”
Khổng Tử nói: “Ta thấy rằng đi đến nơi này thấy ruộng nương chỉnh tề, đất đai trù phú, cỏ dại được nhổ sạch, đường nước ở ruộng sâu thêm; đó là vì Tử Lộ cung kính cẩn thận và có chữ tín, vì vậy nông dân mới cố gắng đi làm. Đi vào ấp thấy tường nhà đều kiên cố, chợ đông tấp nập, cây cối tươi tốt; đó là nhờ Tử Lộ trung tín và rộng lượng, nhờ vậy người dân mới không gây gổ cãi lộn. Phủ quan thì sạch sẽ, người hầu cận bên dưới đều rất cần mẫn, tận tình; đó là vì Tử Lộ minh xét thiện đãi, chính sách không gây phiền hà cho dân.
Xem ra đó chính là thành quả mà Tử Lộ đạt được; mặc dù ta ba lần liên tiếp khen Tử Lộ làm tốt, cũng không sao nói hết những điểm tốt của Tử Lộ”.