10 ĐIỀU NÀY LUÔN CẦN GHI NHỚ ĐỂ THÀNH CÔNG BỚT NHỌC SỨC
Dồn ép bản thân đến giới hạn, làm việc đến khuya hoặc mang công việc về nhà không phải là điều mà người thành công hay làm. Họ biết rõ những gì nên và không nên làm
1. Bước ra ngoài thế giới
Bạn không thể học hỏi mọi thứ bằng cách chỉ ngồi một chỗ, nhưng chắc chắn bạn có thể học được nhiều hơn nếu thỉnh thoảng rời khỏi nơi làm việc. Thế nên dân gian mới có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".
Vậy nên hãy cố gắng mang một số công việc hàng ngày của bạn ra khỏi phạm vi văn phòng, chẳng hạn như nói chuyện với khách hàng hay gặp gỡ đối tác và chuyên gia. Đây là cách làm hay ho để thay đổi góc nhìn, mở rộng kiến thức và mối quan hệ của bạn.
2. Chọn bạn mà chơi
Ngạn ngữ Anh có câu: "Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào". Người Việt thì có rất nhiều câu nói tương tự: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy"...
Bí quyết của người thành công, đơn giản chỉ là "chọn bạn mà chơi". Họ chọn chơi với những người giỏi hơn, không phải để lợi dụng, mà là để làm động lực tiến lên. Đúng kiểu đôi bạn cùng tiến
3. Không ngừng học hỏi
Nếu muốn đi đầu trong mọi lĩnh vực và trở nên chuyên nghiệp, bạn cần học hỏi không ngừng về mọi thứ đang diễn ra. Học hỏi trong sách vở và thực tiễn đời sống ở những người tài giỏi, thông minh hơn.
4. Quý trọng thời gian của mình
Lloyd Blankfien, CEO của Goldman Sachs, một trong những nhân vật quyền lực nhất Phố Wall khẳng định CEO giỏi phải biết quản trị thời gian của mình. Theo ông, thời gian là tài sản quý giá nhất, cho nên mỗi người cần thường xuyên kiểm tra thời gian của mình có được sử dụng để đạt được các ưu tiên hàng đầu hay không.
Hay như Jim Collins, tác giả cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" và "Xây dựng để trường tồn" quản lý thời gian của bản thân vô cùng chặt chẽ. Ông theo dõi sát sao thời gian của mình để đảm bảo công việc đạt hiệu quả cao nhất từ thời gian làm việc của mình. Jim Collins chia cuộc sống thành từng khối: 50% thời gian dành cho sáng tạo, 30% thời gian giảng dạy và 20% dành cho các việc khác (những việc bất ngờ nhưng cần giải quyết).
Hàng ngày, ông dành thời gian từ 8 giờ sáng đến trưa để suy nghĩ, đọc và viết. Để việc này được hiệu quả nhất, ông ngắt mọi thiết bị điện tử, bao gồm cả kết nối internet. Khi được hỏi làm như vậy có phải là sống khép mình, ông nói rằng ông không ẩn dật, mà ông cần ở trong "hang ổ" để làm việc.
Sau bữa trưa, ông thường ngồi lại văn phòng với các nhà nghiên cứu hoặc khách hàng. Buổi chiều, ông xem xét lại mọi việc và tổng kết, đánh giá lại. Bữa tối, ông viết lách thêm và đi ngủ.
Tựu chung, ai cũng có một khối tài sản như nhau, đó là 1440 phút mỗi ngày, nhưng cách chúng ta sử dụng thứ tài sản đó tạo nên sự khác biệt ở mỗi người
5. Nên biết đâu là điểm dừng
Một điều tối quan trọng là nên tách biệt công việc ra khỏi tổ ấm và cuộc sống riêng tư của bạn. Nếu bạn không muốn một lúc nào đó sẽ bị kiệt sức, làm việc không còn hiệu quả hay đầu óc bốc hỏa thì hãy làm sao cho công việc đạt hiệu suất cao nhất có thể và chỉ làm việc của bạn ở bên ngoài.
6. Có nguồn thu nhập thụ động
Thu nhập từ một nghề tay trái, đầu tư, cổ tức hoặc bất động sản có thể là một nguồn tiền bổ sung phổ biến của những người giàu. Thậm chí gửi tiền trong tài khoản tiết kiệm lãi suất tốt cũng có thể giúp bạn có thêm thu nhập mà không cần sự nhúng tay ngay lập tức của bạn.
7. Đọc sách báo mỗi ngày
Theo nghiên cứu của Tom Corley mà ông trình bày trong cuốn "Những thói quen giàu có: Thói quen tạo thành công hàng ngày của những người giàu có", những người thành công thường chọn đọc sách báo thay vì xem TV.
Trên thực tế, 88% người giàu bỏ ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để dành cho việc đọc. Bất cứ thứ gì từ các tác phẩm văn học thúc đẩy cải thiện bản thân cho đến các bài tin tức đều có thể giúp bạn gia tăng kiến thức, qua đó khiến bạn cởi mở hơn và giúp ích nhiều cho bạn trong công việc.
8. Ưu tiên việc chăm sóc bản thân
Điều thực sự quan trọng là bạn phải biết chăm sóc thể chất, tinh thần của mình và dành thời gian cho bản thân mỗi ngày. Chơi thể thao hoặc thiền định, dành thời gian cho những người thân yêu hoặc ở một mình đọc sách hay thư giãn; hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy sảng khoái, thư thái và giúp bạn tái nạp năng lượng. Tất cả những điều trên cùng với việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp bạn duy trì một phong độ ổn định cho cuộc sống lẫn công việc.
9. Nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn
Steve Jobs từng nói: "Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi thuê người tài rồi phải hướng dẫn họ làm việc, chúng tôi thuê người tài là để họ chỉ cho chúng tôi biết mình nên làm gì". Đến những chuyên gia như Steve Jobs vẫn luôn mong muốn được học hỏi từ những người tài giỏi hơn. Vì vậy có thể nói, lắng nghe chính là một trong những chìa khóa để thành công.
10. Nên có một bản kế hoạch
Không quan trọng là bạn ghi chú vào sổ hay trong ứng dụng điện thoại, chỉ cần bạn chịu khó ghi ra danh sách những việc cần làm, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, hay thậm chí là ước mơ của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên viết ra tất cả những gì đang xảy ra, ví dụ như suy nghĩ hay những thăng trầm trong ngày của bạn.
Hãy dọn dẹp lại đầu óc của mình để có nhiều không gian hơn cho những suy nghĩ và ý tưởng lớn hơn, từ đó giúp bạn đỡ quên khuấy đi những điều quan trọng.