[Tóm tắt & Review sách] “Thất Lạc Cõi Người”: Nỗi Cô Đơn Rực Rỡ Kiếp Người
Thất lạc cõi người, phải chăng đó là những lời tự thuật cuối cùng đầy đớn đau và ám ảnh của Dazai Osamu về một trò đùa, về một cuộc dạo chơi nơi nhân gian tăm tối chỉ với những lạc thú phù phiếm để rồi một ngày kia khi đã chán nản, linh hồn lạc lõng, cô độc ấy lại tìm đường về nơi nào đó cũng được bằng cái chết?
1. Một tài hoa bị vây trong cùng khốn và một kiệt tác của văn học Nhật Bản
Dazai Osamu, tên thật là Tsushima Shuuji, một tài năng sáng chói trên văn đàn Nhật Bản trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, nhưng cuộc đời ông giống như cái đuôi sao chổi quét qua thế gian, để lại vô vàn những quan hoài thành thực mà bi đát về những vấn đề chưa bao giờ cũ, những cảm xúc trần trụi nguyên bản nhất của con người giữa một xã hội dường như không chứa chấp những kẻ vô loài.
Sinh ra trong một gia đình địa chủ đông anh em nhưng Dazai lại có một cuộc đời đầy trầm luân và sóng gió - phải tự tử đến năm lần, một con nghiện chìm đắm trong tửu sắc, chứng kiến gia cảnh tan nát và sự lụi tàn của chiến tranh đã phá huỷ tâm hồn con người Nhật Bản đương thời. Tài năng văn chương của ông nở rộ từ sớm, nhưng lại bị xao lãng bởi cái chết của thần tượng đời mình - nhà văn Akutagawa Ryunosuke tự vẫn. Dazai sống và viết cùng một nghĩa như nhau, các tác phẩm của ông thấm đẫm nỗi sầu muộn của thời đại, soi chiếu lên vẻ đẹp và nỗi thương đau của con người xứ sở Phù Tang trong thời chiến loạn, diễn tả những linh hồn bức bối muốn thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc để đạt tới tự do hoàn toàn. Xuyên suốt đời văn của Dazai Osamu là những nỗi đau chân thực được viết nên bởi một ngòi bút tự trào và chua xót, là những dòng văn chứa đựng bi kịch rất thật, rất đời, tăm tối và ám ảnh đấy nhưng đằng sau cũng chỉ là một linh hồn khốn khổ giãy giụa giữa nhân gian khao khát được thấu hiểu và thoát ra khỏi thực tại đầy dối trá.
Cuộc đời của nhà văn được dựng phim, vẽ truyện không phải là chuyện hiếm, nhưng dường như Dazai Osamu là một biến số khác lạ trong cái khuôn mẫu chung của những bậc danh nhân. Đến khi tự sát thành công, người ta mới chấp nhận rằng cái chết là phán quyết cuối cùng, là lý tưởng sống của ông. Nhưng những “Tà dương”, “Thất lạc cõi người”, “Nữ sinh”, “Xe điện”,... khiến Dazai không chết hẳn mà vẫn sống tiếp, trong lời khen tiếng chê của hậu thế và của cái nhãn “tác giả tiêu biểu của dòng văn Vô Lại Phái”.
Thất lạc cõi người là tác phẩm cuối cùng của Dazai Osamu trước khi ông và người tình Tomie tự sát bằng cách trầm mình ở kênh Tamagawa vào năm 1948. Tác phẩm có tên gốc rất hay là Nhân gian thất cách (人間失格 - Ningen Shikkaku) và tên tiếng anh No longer human (Chẳng còn là người) cũng sâu sắc chẳng kém. Ngay từ cái nhan đề cũng đã gợi cho chúng ta quá nhiều thứ: một kẻ là người nhưng lại mất đi tư cách làm người, và có lẽ cũng chẳng muốn học cách hiểu con người. Vậy thì hắn thuộc về cõi nào, hay hắn cũng sẽ chỉ là một mảnh hồn bơ vơ, sợ hãi nhưng chẳng thể buông bỏ cõi nhân gian?
Toàn bộ tác phẩm được viết bằng ngôi thứ nhất, như một cuốn tiểu thuyết tự thuật, gồm ba cuốn ghi chép về cuộc đời vừa bi vừa hài của Oba Yozo, một nhân vật có thể coi là tấm gương phản chiếu lại chính nhà văn. Nhìn chung, đó là cuốn sách về một kẻ điên (ở cuối truyện Oba Yozo đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần, vậy nên gọi hắn là kẻ điên cũng chẳng sai), một kẻ điên với cuộc đời dối trá, đàng điếm, bạc nhược và chẳng ra gì, đối với số đông những con người có mục đích sống.
Cuốn sách thuộc hàng kinh điển của văn chương xứ sở Phù Tang lại viết về một linh hồn tội lỗi trượt dài như thế, một kẻ không biết làm người, nhưng có hẳn đây chỉ là những dòng nhật ký không rõ tỉnh hay thức của một “cuồng nhân”, “phế nhân” hay không?
2. Con cừu đen sinh ra lạc lõng giữa bầy cừu trắng muốt
Hiểu đơn giản thì có một nhà văn nào đó tình cờ có được ba cuốn ghi chép của Oba Yozo và thêm vào lời mở đầu và kết thúc để tạo thành một cuốn tiểu thuyết. Ngay từ những dòng đầu tiên, độc giả đã bị thu hút bởi ba bức ảnh rất đỗi kỳ lạ của Oba Yozo, tượng trưng cho ba giai đoạn trong cuộc đời của hắn, và chúng kỳ lạ không chỉ bởi lai lịch không rõ ràng của cả ba bức ảnh mà còn bởi gương mặt trong đó: một cậu bé với nét cười kỳ dị, ti tiện; một thanh niên có gương mặt tuấn tú nhưng lại đi kèm với một nụ cười trống rỗng, “xảo diệu”, đầy “sự khó chịu của tà ma ngoại đạo”; một người đàn ông không rõ tuổi, tóc bạc trắng, “phảng phất mùi vị bất tường”, gương mặt khiến người ta quên ngay khi vừa rời mắt.
Và đó cũng là quá đủ để nói lên sự quái dị ở một con người, dường như đó chỉ là một cái vỏ rỗng, một thân xác với nỗi trống trải bên trong quá lớn mà không cách nào lấp đầy được. Bởi lẽ ngay từ khi nhận thức được mọi chuyện, Oba Yozo đã cảm thấy bản thân hắn là một kẻ lạc lõng, hắn “không dự tưởng được cuộc sống của con người”. Nói cách khác, những ý thức, nhu cầu về cái ăn, cái mặc, sự vật xung quanh hay với chính cả những người thân thiết trong gia đình, Yozo đều không có cách nào cảm nhận được. Yozo hoàn toàn không hiểu thế nào là hạnh phúc hay đau khổ.
“Từ khi còn nhỏ, đã có rất nhiều lần người ta nói tôi là kẻ hạnh phúc may mắn nhưng tôi thì lúc nào cũng cảm thấy mình đang ở địa ngục vậy. Ngược lại tôi thấy những người bảo tôi là may mắn hạnh phúc còn an lạc hạnh phúc hơn tôi gấp bội lần. Thậm chí tôi còn nghĩ mình phải mang vác mười khối khổ lụy trên vai mà chỉ cần cho người kế bên gánh lấy một khối thôi thì cũng đủ để lấy đi mạng sống của họ rồi.”
“Có những nỗi khổ đau thực tế, chẳng hạn như nỗi khổ đau chỉ cần ăn cơm thì giải quyết được. Nhưng cũng có nỗi khổ đau tận cùng của lửa âm tỳ địa ngục thảm khốc đến độ có thể thổi bay đi mười khối khổ lụy của tôi thì tôi thực tình không hiểu. Nếu đã khổ đến mức như thế, tại sao họ lại không tự sát, không phát điên, lại còn hứng thú bàn luận chính trị, không tuyệt vọng mà vẫn còn tiếp tục chiến đấu vì cuộc sống? Như vậy họ có đau khổ thật không?”
Hoặc có thể, cái định nghĩa hạnh phúc và đau khổ của hắn quá khác so với con người, và sự khác biệt ấy khiến Yozo tựa như một con cừu đen sinh ra lạc lõng giữa bầy cừu trắng muốt - cùng là cừu đấy, nhưng chính vì quá đỗi dị hoặc nên hắn ngày đêm bất an, lo lắng, sợ hãi những quy tắc, chuẩn mực của thế gian. Sự đối nghịch trong nội tâm của một cậu bé đang tuổi ăn tuổi chơi khi phải chứng kiến một thế giới lừa lọc, giả tạo khiến Yozo phải tự khoác lên mình một vai diễn - vai diễn chú hề “bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi vì thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thử ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không”. Có nghĩa là, hắn lựa chọn trở thành “một đứa trẻ không nói ra một lời nào thật lòng cả”. Nỗi sợ hãi với chính đồng loại của mình, dù là với một câu đùa, sự công kích, Yozo cũng cảm thấy bản thân mình không thể sống chung với loài người được nữa. Phải chăng vì trời sinh hắn đã là một kẻ thất lạc hoàn toàn trong xã hội, hay chính bộ mặt truỵ lạc, ghê sợ đầy trí trá của nhân gian mới là thứ khiến Yozo phải run sợ?
"Đó là hành động tìm kiếm tình yêu cuối cùng của tôi đối với con người. Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người."
Cứ thế, Oba Yozo sắm vai một đứa nhóc tinh ranh, một chú hề con dùng sự tiếu lâm và hài hước trong những trò đùa vô thưởng vô phạt để làm hài lòng mọi người, để che giấu những mối dây liên kết đã dần đứt lìa, trong một bầu không khí bỉ lậu và bất tín của loài người, những xu nịnh, dối trá và cả những lần bị lạm dụng, xúi dại của đám người hầu trong nhà, hắn im lặng và khép kín cái vỏ bọc cẩn trọng của mình. Chính hắn cũng tự nhận thức được vấn đề của bản thân, nhưng Yozo lại chọn sai đường: hắn cũng chẳng khác gì những kẻ kia, cũng sống cuộc đời bất tín bằng vai hề từ sáng đến tối. Đó là sự lầm đường lạc lối của một người đã thấu suốt mọi chuyện nhưng lại chẳng có một người dẫn đường: không ai dạy hắn làm thế nào để “con người vừa lừa gạt lẫn nhau vừa có thể sống một cuộc sống trong sạch phiêu lãng hay vẫn tự tin mà sống”, và cũng chẳng có ai bảo hắn phải sống đúng cái bản ngã của mình.
3. Nỗi con người
*Dục vọng hay là cuộc trốn chạy điên cuồng của một kẻ ngoài lề xã hội
Những kẽ nứt thuở thiếu thời trở thành tiền đề cho những đổ vỡ về sau, để ô nhục nối tiếp ô nhục, sa đọa nối tiếp sa đọa, dẫu cho chúng đều bị che giấu bởi vai diễn hề của Yozo, nhưng ở sâu trong một góc thầm kín nhất, chúng vẫn âm thầm rỉ máu.
“Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn.”
Hắn đeo lên cái mặt nạ hề và diễn cái vai đấy rất tròn vai, từ khi còn học ở trường tiểu học cho đến khi tới “ngôi trường của anh đào và biển cả”, từ bạn học tới giáo viên ai cũng nhìn vào Yozo với ánh mắt hâm mộ và chào đón. Nhưng chính vì sự xuất chúng của vai hề đó nên Yozo cũng sinh ra thêm một nỗi sợ khác: sợ bị ai đó nhìn thấu cái vỏ giả vờ giả vịt ồn ào và đáng thương, sợ nếu ai bóc trần cái bản chất bạc nhược của hắn thì hắn chỉ có đi chết. Và Yozo lại càng sợ hãi con người hơn trước. Cái đời hổ thẹn của Yozo bắt đầu từ đấy chăng, khi hắn đã bước hẳn sang con đường tà ma ngoại đạo, của sự dối trá và chẳng có gì khác ngoài sự dối trá, tất cả chỉ để che giấu đi con quỷ trong tâm hồn, con quỷ hàng ngày âm thầm đè nén những cô đơn và sợ hãi xuống.
Nhưng cái vai diễn của Yozo chẳng kéo dài được bao lâu, rời xa vòng kiềm toả của gia đình và lên Tokyo học đại học, con quỷ ấy như được xổng chuồng. Sống lâu trong sự lừa lọc nên Yozo cũng mất đi khả năng đề kháng với những cái xấu, hắn gặp Horiki - một tên đểu giả. Yozo bắt đầu va vào những thói xấu, tệ nạn như rượu chè, gái gú, tiệm cầm đồ hay thậm chí là cả tư tưởng tả khuynh, cuộc đời hắn trượt dài trong sự ăn chơi đàng điếm, hèn mọn và hổ thẹn - giống như câu đầu tiên Dazai Osamu đã viết.
“Gã ta không ý thức về việc diễn hài của mình cũng như hoàn toàn không nhận ra sự bi thảm của vai hề và đó là điểm khác biệt với tôi từ bản chất.”
Oba Yozo thừa hiểu Horiki là một tay bịp bợm, nhưng chính vì ở cạnh hắn, Yozo mới có cảm giác “được làm người”, hòa nhập hơn vào xã hội, hoặc ít ra ở bên cạnh hắn Yozo không cần diễn vai chú hề vì Horiki đã diễn hộ cái vai đấy rồi. Yozo trầm luân trong những thú vui tội lỗi ấy, như thể vớ được cái cọc chèo giữa dòng nước xiết, hắn dường như đã tìm thấy một con đường để trốn tránh khỏi mọi run sợ và u uất.
“Chẳng bao lâu sau, tôi hiểu được rằng rượu bia, thuốc lá, đàn bà là những phương pháp rất tốt để có thể lãng quên nỗi sợ hãi con người trong một thoáng chốc. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng để thực hiện được điều này, nếu như bán hết cả những gì mình có thì tôi cũng không một chút hối hận gì.”
Hẳn vì cái suy nghĩ yếu hèn này mà không lâu sau, khi cuộc sống thay đổi, Yozo rơi vào cảnh túng quẫn vì thói tiêu xài hoang phí, liên tục phải ngửa tay xin tiền gia đình và dựa vào tiếng tăm của người cha để sống qua ngày. Và cái chữ “nghèo” cũng lại dính cứng ngắc vào số phận khốn khổ của hắn từ đó trở về sau.
Bên cạnh sự thông minh, nhạy bén, hài hước dù là giả tạo, Oba Yozo lại là một anh chàng đẹp trai. Một anh chàng đẹp trai với vẻ sầu bi bí hiểm và dày dạn kinh nghiệm, một tay sát gái thượng thừa - có vẻ đây là phần thưởng cho những ngày tháng “ngâm mình trong cái không khí bỉ lậu, mất danh dự”, nhưng cũng chính sự quyến rũ mà đàn bà chết mê chết mệt ấy lại đem đến chàng họa sĩ khốn khổ muôn vàn những bi kịch khác.
Trong cuộc đời của Oba Yozo có tất thảy ba người phụ nữ (được xem như người tình/người vợ chính thức) đó là Tsuneko, Shizuko và Yoshiko. Tsuneko là người đầu tiên cho Yozo biết cái cảm giác được gọi là “hạnh phúc”, và chỉ có nàng mới là người khiến hắn phải dùng từ “hạnh phúc” theo một cách nghiêm túc.
“...một đêm ái ân cùng với vợ người tù lừa đảo này, tôi hạnh phúc (cái từ đao to búa lớn này, nói ra không có một ý nào mỉa mai mà hoàn toàn mang ý khẳng định. Trong tập ghi chép này, tôi sẽ không dùng lại từ này lần nào với ý nghĩa nghiêm túc như vậy nữa) và hoàn toàn tự do.”
Phải chăng cảm giác “hạnh phúc” và “tự do” đó đến từ việc Tsuneko và Oba Yozo đều cùng là những kẻ vô loài, họ dường như không thuộc về cõi nhân gian thường nhật. Nàng là người đầu tiên mà hắn yêu, dẫu đó là tình yêu của một kẻ luôn sợ hãi và không hiểu con người. Ở bên cạnh nàng, Yozo lần đầu tiên thoát ra khỏi nỗi cô độc và sự sợ hãi, bởi lẽ người đàn bà kia cũng như hắn, cho hắn “cảm giác hoàn toàn cô độc như thể một cơn gió lạnh luôn thổi quanh thân nàng, để những lá khô vàng rơi loạn vũ.”
Nhưng hắn lại sợ. Một kẻ chẳng bao giờ biết mùi hạnh phúc, cho rằng bản thân không xứng đáng được sống, được hạnh phúc, đương nhiên hạnh phúc đến, hắn sẽ sợ hãi và trốn tránh. Chỉ là vài cảm xúc vui vẻ trong buổi hoan lạc cũng khiến hắn phải bỏ chạy, hắn sợ hạnh phúc hay sợ cái sự hàm ơn - đàn bà lúc này chẳng qua cũng chỉ đang uy hiếp hắn, như những chủ nợ muốn đòi cái món nợ tình mà Yozo vay mượn.
“Sáng hôm sau, mở bừng mắt tỉnh dậy, tôi lại trở thành tên hề khinh bạc thuở nào. Một kẻ yếu ớt sợ hãi ngay chính cả hạnh phúc. Tôi bị thương bởi lớp bông gòn. Hạnh phúc sẽ làm tôi bị tổn thương. “
Và đây cũng chính là người con gái đã cùng hắn tự tử, nhưng tên nàng cũng chỉ là một mảnh ký ức mờ phai trong trí nhớ điêu tàn của hắn. Hắn chứng kiến nàng bị thằng bạn đểu giả của mình làm nhục, rồi lại cảm thấy hổ thẹn và nhục nhã bởi cái hiện thực nghèo nàn của mình - Yozo không thể thoát ra cái mác của một cậu ấm, càng không thể lo cho người con gái mình yêu.
“Nhưng nàng thì chết, chỉ có tôi là được cứu.”
*Mất đi tư cách làm người
Cú sốc sau lần tự tử không thành công cùng người yêu giống như một liều thuốc độc, giết chết tâm trí đã không còn sống của Oba Yozo - hắn “sống ngơ ngơ lay lắt” tại nhà của ông cá bơn và chịu đựng sự lật mặt cùng coi thường của ông ta và người làm, trở thành một “kẻ ăn bám ngu ngốc toàn phần”. Hắn vẫn như vậy, vẫn chịu đựng sự miệt thị và sợ hãi con người và cái “lối thể hiện khoe mẽ bề ngoài” cùng cách nói chuyện “phiền toái, mông lung, phức tạp quanh co một cách né tránh” của loài người, khiến Yozo u uất, khó xử đến mức không chịu nổi.
Nhưng tuyệt vọng hơn là khi, Yozo nghĩ “sợi dây độc nhất nối kết mình với nhân gian chỉ là cái gã Horiki kia thôi tự nhiên tôi cảm thấy một cơn buốt lạnh thê thảm chạy dọc sống lưng mình”. Nếu vậy thì thật đáng sợ biết bao, con người được mọi người yêu quý nhưng lại không có năng lực yêu quý kẻ khác, con người không có bạn hữu và cũng chẳng còn nơi nào để đi. Đọc những dòng này, ta mới thực sự thấy Yozo là một kẻ đã thất lạc hoàn toàn, một bản ngã không có nơi bám víu, nhưng lại không thể không bám vào cõi thế nhân ồn ào dung tục này. Càng lớn, hắn càng không hiểu được con người, không thấu cảm nổi sự “ma mãnh sắc sảo” hay “thứ vị kỷ gian trá và lạnh lùng” mà kẻ bằng hữu Horiki đã cho hắn xem, thì ra thế nhân được tạo nên bởi những cá nhân như thế, những kẻ mang danh “con người”, mà là những con người nhức nhối, dối trá, đầy rẫy dối trá và không có gì khác ngoài dối trá. Người ta ghét cái cách hắn sống bằng bộ mặt thằng hề, nhưng cũng thương cảm xót xa cho cái vai hề đó, chẳng phải đó cũng chỉ là sự giãy giụa của một cá nhân sáng suốt không cam tâm trong cảnh trí trá của địa ngục trần gian hay sao?
“Thế gian cụ thể là gì đây? Là số nhiều của con người chăng? Cái thực thể của thế gian nằm ở đâu kia chứ? Cho đến bây giờ tôi sống mà cứ nghĩ thế gian toàn là một cái gì đó cường liệt, khắc nghiệt và vô cùng đáng sợ.
Thế gian chẳng phải là cậu hay sao kia chứ?”
Người phụ nữ thứ hai trong đời Oba Yozo là Shizuko, hắn “được người đàn bà mạnh mẽ vùng Koshu này chăm lo đủ đường”, nàng cho hắn một mái ấm gia đình, một nghề nghiệp và một tình yêu vị tha, bao dung đầy nhân tính. Nhưng tình yêu ấy cũng chỉ khiến tên đàn ông mất đi tư cách làm người kia trở nên khổ sở và hèn mọn, hắn rơi vào tình cảnh phải dựa dẫm vào đàn bà, khiến “nỗi cô đơn vô vọng và u uất ngày càng đan kết lại.” Duy chỉ có đứa con gái Shigeko của nàng khiến hắn có được chút gì là an toàn, bởi lẽ trẻ con như một tờ giấy trắng, con bé “không câu nệ phép tắc gì” mà gọi hắn là cha, đối xử với hắn như thể đó là tình cha con thực thụ. Ấy nhưng, sau cùng cái nỗi lòng về “tha nhân” của Yozo vẫn không thể nào xoa dịu, bởi lẽ dù gọi hắn là “cha” nhưng thứ mà Shigeko mong muốn vẫn là “cha thật sự của mình quay về”.
Nếu vậy, bản chất của con người từ khi sinh ra thật sự là dối trá, bất tín hay sao?
Rồi Oba Yozo rời khỏi ngôi nhà đó, trả lại sự bình yên và hạnh phúc giản dị cho hai mẹ con.
Hắn bỏ đi vì cái lòng biết tội, nhưng rồi lại sống một cuộc đời còn lỗi lầm hơn - Yozo đi từ quán bar này sang quán bar khác, dựa dẫm vào người đàn bà này rồi đến người đàn bà khác, sống một cuộc sống đầy hổ thẹn, lao vào rượu để quên đi nỗi sợ hãi với nhân gian. Rốt cuộc hắn cũng hiểu ra được phần nào về cái gọi là “nhân gian”, nhưng hắn vẫn sợ, vẫn phải dựa vào men say để giao tiếp, để vờ như mình đã là một con người.
Người con gái cuối cùng trong đời Yozo là Yoshiko, một cô nàng có “nước da trắng trẻo và có cái răng khểnh dễ thương”, một cô bé còn trẻ và còn trong trắng.
Đó là “sự trinh trắng chưa biết gì đến dòng đời vẫn đục”, là “cảm giác huyễn hoặc của những thi nhân ngu ngốc, nào ngờ lại hiện diện nơi đây, giữa trần gian này”. Yoshiko, vâng, vẫn là đàn bà, cho hắn cảm giác mong manh le lói của ánh sáng hy vọng về một tương lai êm đềm, để hắn nắm được cái đuôi mềm mại của sợi lông vũ. Hai người kết hôn và sống một cuộc sống hôn nhân như hắn mong ước, và hắn “thấy mình có vẻ ra dáng con người, tự hỏi có lẽ mình không cần phải chết bi thảm nữa chăng?” Nhưng rồi sao, dẫu Yozo có chạy trốn đến phương trời nào để lén lút sống cuộc đời thanh thản với cô vợ ngoan hiền ngây thơ thì đời cũng không buông tha cho hắn.
“Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu.
Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ.
Nếu lại tái phạm, thế gian sẽ cho mày biết tay.
Chẳng phải thế gian. Là mi đấy chứ.
Bây giờ thế gian đã chối bỏ mi.
Chẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy.”
Yoshiko bị làm nhục. Horiki là kẻ phát hiện, nhưng hắn lại phải chạy lên tầng thượng và gọi Yozo xuống cùng xem. Chắc là để chứng kiến biểu cảm của bạn mình khi thấy vợ mình bị đọa đày bởi một “gã thương nhân vô học, người nhỏ thó tầm ba mươi tuổi, đặt hàng vẽ truyện tranh, trả tiền thì chi li từng cắc bạc.”
Và niềm tin vào nhân sinh của Yoshiko cứ thế bị băng hoại, kéo theo đó không chỉ là một đời sống trong rụt rè sợ hãi của nàng. Yozo, kẻ mà niềm tin nơi con người đã vỡ nát, đã mất hoàn toàn sự tự tin, niềm vui, sự cảm thông hay cả lòng tha thiết sống. Cái con người đáng thương khổ sở ấy, kẻ cuỗm tiền của gái, hại người tình chết, “tóc bắt đầu ngả màu bạc”, hắn bị “đâm một nhát chí mạng ngay giữa ấn đường, và vết thương này từ đó về sau, mỗi lần gặp tha nhân đều không ngừng đau thương rỏ máu.”
Cái mỹ đức mà hắn vẫn hằng mong mỏi, dựa dẫm, tin tưởng ấy đã bị vấy bẩn, cái sự ngây thơ trong sáng của đàn bà, lại là “tiền đề của tội lỗi”, “tin tưởng con người là tội lỗi.” Hắn không thể chê trách, càng không thể giận dữ, không thể thốt ra nổi một lời mỉa mai cay đắng, bởi đó là người vợ mà hắn rất đỗi tự hào, một người vợ với đức tính cao đẹp - niềm tin ngây thơ và tuyệt đối đã khiến hắn muốn tin, muốn yêu cái thế gian bạo tàn này thêm một lần nữa.
“Niềm tin ngây thơ đó phải chăng là tội lỗi?”
Hắn lại lao đầu vào rượu thuốc và cuối cùng, trong một đêm rượu chè be bét, hắn lại tự tử lần nữa.
“Một hộp thuốc DIAL này uống vào là đủ chết…Tôi len lén lấy nước đổ đầy cốc, cố gắng không phát ra tiếng động, xé hộp thuốc ra đổ hết vào miệng, uống nước vào cho trôi hết xuống họng rồi cứ thế tắt đèn mà đi ngủ.”
Nhưng Yozo không chết. Quái ác thay, thần linh chẳng mảy may đếm xỉa tới cái ham muốn được chết, được thoát ra khỏi cõi trần bi ai này của hắn, mà vẫn bắt hắn phải sống, phải sống trong nỗi cô đơn cùng cực, để trầm luân trong những khổ đau mà chính hắn tạo nên. Dẫu cuộc đời Oba Yozo ngập trong bể rượu thuốc và nghiện ngập, nhưng hắn lại là một kẻ tỉnh táo, tỉnh táo đến mức bi ai, một kẻ say mèm với đôi mắt thấu suốt nhân tình thế thái. Hắn là một kẻ bất hạnh, suy cho cùng cũng chỉ là một con người đáng thương, một linh hồn vạ vật lang thang khắp cõi người, đã vỡ nát trước cả khi đời làm cho hắn phải gục ngã.
Oba Yozo dùng chính cái xác thân điêu tàn để đổi lại một con đường chạy trốn cuối cùng - morphine. Và chính nó đã khiến cho câu đùa cợt “tôi phải đến nơi nào không có đàn bà nữa” trở thành sự thật, hay chính là, hắn phải đến một nơi nào không có con người nữa.
Hắn bị tống vào bệnh viện tâm thần. Không có sức phản kháng, phải chăng cũng là tội lỗi ư?
“Mất tư cách làm người.
Tôi hoàn toàn không còn là con người nữa.”
Cuộc đời sau đó của Oba Yozo cũng thật thảm thương, “năm nay hai mươi bảy tuổi. Nhưng vì tóc bạc trắng đầu nên mọi người đều tưởng lầm là trên bốn mươi.”
Sau đó liệu hắn có lựa chọn tự tử như nhà văn đã tạo ra hắn để kết thúc một kiếp bi ai cùng cực, hay là sống tiếp một đời mòn mỏi vì “tất cả rồi sẽ qua đi”?
4. Những con chữ như dấu máu vương trên tuyết, dẫn đưa ta vào mê lộ không lối thoát của nỗi cô đơn rực rỡ kiếp người
Đọc Thất lạc cõi người, chúng ta không phải cầm trên tay chỉ muốn quyển sách, đó là đời người, ta vừa lướt qua đời người của một ai đó, dù đó là trí tưởng tượng về một kẻ thất lạc hay là cuộc đời của một tinh anh trong văn chương - dường như Dazai đã cô đọng mọi diễm tuyệt trong đời văn của mình, để lại một khúc điếu văn cho chính kiếp sống trôi lạc giữa cõi nhân gian trắc trở. Ta chẳng thể phủ nhận những vốn liếng cảm xúc của ông đã trở thành một lời tự vấn cho chính chúng ta, những con người hậu thế hiện đại hơn, hào nhoáng hơn nhưng chưa bao giờ con người hơn, và ta phải cay đắng thừa nhận mọi khổ sở trần ai trên đời chẳng vì lý do khác mà chính bởi cái sự trí trá, dối lừa của nhân loại. Nhìn vào cuộc đời của Oba Yozo hay là Dazai Osamu, ta chẳng thấy gì ngoài vô dụng, thảm bại, bạc nhược, lố lăng, nhưng vì nguyên cớ nào mà đời sau đọc văn của ông vẫn luôn khắc khoải, đớn đau, suy tư mãi về nỗi u uất không lời nào diễn tả nổi của con người. Giọng văn nhàn nhạt mà như đùa cợt, hài hước, như tiếng cười tự trào trong đêm đen cô độc ẩn giấu một đời đau khổ, nặng nề. Lối thoát nào cho một lữ khách cô độc trên hành trình nhân gian, ông mới thực là người, hay những cá nhân giả tạo, lọc lừa như thể đấy là bản sắc của loài mới thực sự là người?
Thất lạc cõi người viết về một kẻ không biết cách tha thứ cho bản thân mình. Và sự đau thương nhất của kẻ làm người không phải là bị bỏ rơi mà chính là “ý thức tự chối bỏ”. Ta thấy lần duy nhất Oba Yozo thực sự được sống là chính mình, thành thực với chính cả sự quái dị, bệnh hoạn, bất hạnh của mình, đó là khi vẽ ra bức tranh “Ác ma” và thoải mái chia sẻ với cậu bạn thuở niên thiếu. Phải sau khi vỏ trứng vỡ ra thì người ta mới biết đấy là một gã con người khả kính hay là một kẻ thất lạc. Và dẫu cho sinh ra là con cừu đen giữa bầy cừu trắng, nó cũng phải học cách chấp nhận bản thân và yêu lấy chính con người không hoàn hảo ấy thì mới sống tiếp được. Đương nhiên, tác phẩm không phải cổ súy cho hành động tự huỷ hay bất cứ sự tiêu cực nào khác, chúng ta phải nhớ, khi con người lựa chọn biến mất khỏi trần thế, họ không mong cầu một điều giác khác hơn ngoài một sự thay đổi, một khởi đầu mới và một tình yêu cháy bỏng với cõi nhân gian này.
Cuốn sách khép lại với những lời đánh đố, những nỗi quan hoài mãi mãi không thể tỏ bày, cũng chẳng thể giải quyết: Làm người là như thế nào? Làm người là phải làm những gì? Mất tư cách làm người, nhưng mất tư cách làm người với ai, với chuẩn mực nào?
Dazai Osamu không biết, và chúng ta, có lẽ cũng không bao giờ biết.