Tử tế, nhưng đừng yếu mềm
📌
Nghe đọc online trên bài viết của Kỹ Năng Mới
(Kind but not weak)
Mình tử tế là chuyện của mình, là nghiệp của mình, là con người của mình,
Còn người ta có tử tế lại hay không là nghiệp của người ta.
Mình tử tế là để tối mình đi ngủ cho yên lòng, tâm nó thảnh thơi vì mình đã không gây chuyện bất thiện.
Tuy nhiên, tử tế nhưng đừng yếu mềm, vì trong trường hợp người ta có quơ tay quơ chân var trúng anh em (vô tình hay cố ý) thì ít nhất anh em còn biết tự bảo vệ được mình.
Kind but not weak, nó đúng trong tất cả chuyện đối đãi, cả trong nhà hay trong chỗ làm, cả ngoài xã hội, với người thân hay người dân, đều chung một nguyên lý.
Con người, tâm tính cũng tuỳ cảnh lắm, lúc nhớ lúc quên, lúc thương lúc ghét, hôm mưa hôm nắng, lúc biết ơn lúc vô ơn, nên đôi lúc cả bản thân chúng ta còn thay đổi liên tục nữa, huống chi người ngoài. Quy chung, ai cũng có con ma sân, ma tham, ma si nó dẫn hết, đúng tình huống và điều kiện thì nó trồi lên.
Anh em không được yếu mềm, không phải để chống lại người ta, mà là để chống lại những con quỷ tham sân si trong người ta, nhiều lúc, họ trong cơn si, nói năng hành động không kiểm soát thì mình phải bình tĩnh mà né đòn hay nhận đòn (mà ít thương tích nhất), chứ ngồi đó để người ta quất tới tấp thì dở rồi.
Mà ở đời, người mà hay tử tế thì lại hay bị chèn ép và dễ bị ăn hiếp,
Rất dễ hiểu, cái tâm con người luôn có xu hướng chọn con đường dễ dàng, nên giữa 2 đứa, đứa nào thấy dễ ăn thì nhờ / quất đứa đó trước. Ngay cả đang bực mình, có trút giận thì cũng trút lên đứa hiền trước hay đứa-không-dám-giận-mình.
Đó là tại sao, anh em chịu đựng được người ngoài, nhưng lại dễ trút giận lên người nhà… nhất là người mà anh em biết, họ thương và sẽ không giận anh em. Tính ra bản ngã khôn nhưng lại chưa khôn. Giận công ty rồi về mắng vợ mắng chồng mắng con, hay cả ông bà luôn.
Anh em phải mở ‘miêu tả công việc’ của mình ra đọc lại, có gạch đầu dòng nào trả lương cho việc anh em ‘dễ thương’ hay không?
Người ta trả lương cho người làm được việc, chứ không trả cho người tỏ ra dễ thương.
Tất nhiên, nếu đã làm được việc, kết quả tốt… thì dễ thương được xem là điểm cộng… nhưng anh em phải nhớ, đi làm là hoàn thành đúng trách nhiệm, làm cho đàng hoàng, ra kết quả đúng thỏa thuận… chứ không phải đi kiếm bạn kiếm bè trong đó.
We come here to work, not to make friend,
Chúng ta đến đây làm việc, chứ không phải kiếm bạn, đó là câu tôi hay nói với bọn Tây bên đây.
Có bạn thì tốt, nhưng công việc vẫn là quan trọng nhất,
Còn muốn kiếm bạn thì ra nơi khác mà kiếm.
Làm tốt công việc của mình, nếu cái gì Sếp hay đồng nghiệp đi quá giới hạn, không đúng cam kết, hay thái độ quá lố, thì nên có sự phản kháng đúng cách, im lặng thì cả hai cũng chia tay sớm thôi, gim trong lòng thì một ngày cũng bung ra. Thay vì phản kháng và đưa ra giải pháp win win, anh ép em hoài thế này, em nghỉ làm thì anh cũng thiệt hại mà, nói vậy, khi người ta bình tâm thì người ta sẽ thấy có lý, vì nó có lợi cho họ đường dài.
Đừng cố làm hài lòng ai, mà cũng đừng cố làm ai ghét mình.
Làm cả hai vế, không làm hài lòng ai, không có nghĩa là làm cho người ta ghét mình. Mức dung hòa tốt nhất, là để người ta không ghét mình, chứ thích hay không thì tuỳ.
Tóm tắt lại thì có 3 cái gạch đầu dòng chính:
1. Tử tế nhưng đừng yếu mềm (kind but not weak)
2. Đi làm để ra giá trị, ra việc, chứ không phải kiếm bạn.
3. Đừng cố hài lòng ai, và cũng đừng làm ai ghét mình.
Cái số 1 và 3, ngoài chuyện đi làm, anh em áp vào các mối quan hệ trong gia đình vẫn chuẩn. Tử tế thì tất nhiên phải tử tế rồi, nhưng người nhà đi lệch hướng mà mình nương theo luôn thì ôm nhau cộng nghiệp. Nó giống như nuôi con vậy, thương thì thương, nhưng sai nhân quả, trái đạo đức thì vẫn phải phạt thôi.
Bạn bè hay anh chị em trong nhà cũng vậy, đừng cố hài lòng ai cả, và cũng hạn chế đừng làm người gần mình phải ghét mình.
Còn bắt buộc vào thế rồi, thì chấp nhận họ phải chia tay mình thôi, ghét cũng được, duyên số mà. Biết sao giờ, mình cũng cố hết sức.
ai hiểu mình thì hiểu,
không hiểu thì mình tự hiểu mình,
cứ ngửa mặt lên trời, rồi tự hỏi, ‘liệu mình đã làm tốt nhất có thể chưa?’, nếu đã cố 200% rồi mà kết quả vẫn thế thì chấp nhận duyên đã hết.
Cheers,
Bác 7B
——