10 ĐIỂM NÊN LOẠI BỎ ĐỂ PHÁT TRIỂN MỖI NGÀY
📌
Nghe đọc online trên bài viết của Kỹ Năng Mới
1. Quá thông minh
Có những người thất bại vì không đủ thông minh nhưng cũng có người lại thất bại vì quá thông minh. Người quá thông minh thường xem nhẹ việc bỏ công sức đi chuyên sâu nghiên cứu, mày mò. Trên thực tế, có rất nhiều chuyện không chỉ cần tới sự thông minh mà còn cần có sự kiên trì và nhẫn nại mới có thể có được thành quả, còn người quá thông minh lại luôn bỏ qua bước này.
Còn có một kiểu thông minh gọi là "khôn lỏi", "lanh vặt". Kiểu người này có thể vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại tới người khác, thích thừa nước đục thả câu, thích lợi dụng, ăn sẵn. Cách làm này có thể giúp họ có được lợi ích nhất thời, nhưng họ không biết rằng mình đang dần dần tự làm tiêu hao đi chính vận may và phúc khí của mình.
2. Ngạo mạn
Bệnh lớn đời người, chỉ có một chữ - "ngạo". Sự kiêu ngạo của con người trước tiên đến từ sự tự mãn, người kiêu ngạo luôn cho rằng bản thân đã đạt đến được một cao độ nào đó, không cần phải học hỏi hay nỗ lực thêm nữa.
Con người, một khi trở nên ngạo mạn tự nhiên sẽ thả lỏng cảnh giác ở mọi phương diện, khó khăn, thất bại cũng theo đó mà kéo tới. "Ngạo" là con đường tự hủy diệt chính mình, giống như Shakespeare từng nói: "Một người kiêu ngạo, kết quả là tự hủy diệt chính mình trong sự kiêu ngạo đó".
3. Ích kỉ, tư lợi
"Lợi khả cộng nhi bất khả độc, mưu khả góa nhi bất khả chúng" (lợi có thể chia sẻ, nhưng tuyệt đối không được độc chiếm, mưu ngược lại có thể "độc chiếm", không nên chia sẻ, càng ít người biết càng tốt).
Lợi ích là thứ mà ai cũng mong muốn có được, nếu ai đó có ý định độc chiếm lợi ích, không chia sẻ với người khác, vậy thì nhất định sẽ tự chuốc oán hận vào thân. Tào Tháo có thể "mượn danh thiên tử thống lĩnh chư hầu" bởi lẽ ông không dám độc quyền chuyên chế, không muốn trở thành mục tiêu công kích của mọi người. Vì vậy, đối mặt với lợi ích, nhất định phải cân nhắc được mất.
Trên thực tế, con người ta lại thường hám lợi mất khôn, vì cái lợi trước mắt mà làm tổn hại tới người khác, thậm chí là cả bạn bè và người thân, càng có những người tầm nhìn hạn hẹp, vì lợi ích trước mắt mà hi sinh cả hạnh phúc lâu dài.
4. Quá độ
Ngày xưa, có một chàng trai tới một ngôi chùa nghìn năm tuổi để gõ chuông cầu xin phước lành. Vị hòa thượng phụ trách gõ chuông nói với anh ta rằng mỗi người chỉ được gõ 3 hồi: Hồi thứ nhất là phúc hỷ lâm môn, hồi thứ hai là quan to lộc nhiều, hồi thứ 3 là sống lâu sống thọ. Sau khi gõ xong 3 hồi, chàng trai cảm thấy chưa thỏa mãn, không tin là chỉ được gõ đúng 3 hồi chuông. Nhân lúc vị hòa thượng không chú ý, anh ta cố ý gõ thêm hồi chuông thứ 4. vị hòa thượng tỏ ra hoảng thốt nói với anh ta: "Thôi, thế này là xong rồi, mấy điều ước lúc nãy coi như hết rồi", anh ta hỏi hòa thượng vì sao? Vị hòa thượng nói, không được gõ tới hồi thứ 4, bởi gõ thêm hồi thứ tư sẽ trở thành "tứ đại giai không" (một khái niệm trong Phật giáo, chỉ mọi thứ đều trở thành hư không, Đạo không, Thiên không, Địa không, Nhân không), nói đến đây, chàng trai ngẩn nghệt người.
Sống ở đời, cái gì quá cũng không tốt, học cho mình chữ "đủ" để lòng thanh thản, cho đời bình an.
5. Nhiệt huyết 3 phút
Phần lớn mọi người đều nghĩ mình phải quyết tâm, cố gắng thế này thế kia, nhưng cũng rất nhiều người lại chỉ sục sôi nhiệt huyết được 3 phút chứ chẳng giữ được lâu dài. 80% thất bại trên thế giới đều là do bỏ dở giữa chừng.
Những kẻ bất tài khi bắt đầu đều rất nhiệt tình, hứng thú cao độ, nhưng gặp một chút khó khăn đã bắt đầu phàn nàn, sự nhiệt tình giảm dần và cuối cùng là triệt để rút lui.
6. Nuông chiều bản thân
Con người một khi đã quyết chí làm một việc gì đó, nhất định phải bình thản với mọi cám dỗ, ham muốn xung quanh, không được buông thả, nuông chiều bản thân theo những ham muốn tầm thường, không được chạy theo sự thỏa mãn về cảm quan mà mất đi ý chí, từ bỏ mục tiêu ý nghĩa lớn lao phía trước.
7. Nhắm mắt theo liều
Có một triết nhân từng nói, thứ độc hại hơn cả bị lừa dối đó chính là làm theo một cách mù quáng. Nhắm mắt theo bừa là một biểu hiện của người thiếu chủ kiến, không biết "động não". Người làm theo người khác một cách mù quáng, chẳng khác gì thiên lôi chỉ đâu đánh đó, kết quả thường sẽ đâm đầu và "vũng bùn" lúc nào không hay, tới lúc đó chỉ biết vùng vẫy một cách yếu ớt mà không biết cách làm sao thoát ra, dần đần rồi sẽ đi vào "ngõ cụt" của đời người.
8. Nóng nảy
Một người khi nóng nảy, vội vã nghĩa là họ đang đánh mất đi lý trí, đồng thời mất đi năng lực phán đoán và cả trí tuệ.
Ở xã hội hiện đại, lỗi lầm dễ mắc phải nhất chính là nóng nảy, vội vã, thiếu đi sự bình tĩnh khi gặp phải vấn đề. Chỗ nước nông thì sóng lớn, nơi nước sâu thì sóng ngầm, muốn nên nghiệp lớn, phải học được hai chữ "trầm ổn". Rất nhiều việc là vì không "kiểm soát được bản thân" mà tạo ra những kết quả không thể cứu vãn hoặc là sôi hỏng bỏng không.
9. Trông chờ vào điều kiện bên ngoài
Hạnh phúc hay cuộc sống mà mỗi người theo đuổi đều xuất phát từ chính nội tâm bên trong, bạn sống một cuộc sống ra sao, tất cả đều phụ thuộc vào chính bạn, nằm trong tay chính bạn.
Thành công hay thất bại đều nằm ở "nội tâm" bạn, người có thể chiến thắng được chính mình sẽ trở nên mạnh mẽ từ sâu bên trong, từ đó sản sinh ra mọi yếu tố giúp tạo nên một người thành công.
10. Hư vinh, sĩ diện hão
Bản thân sĩ diện vốn dĩ không mang nghĩ xấu, nó là thể diện của một kẻ sĩ, làm người ai cũng muốn có thể diện, có danh dự, muốn được người khác xem trọng, nhưng có những kẻ quá nhạy cảm, biến cái sĩ diện đó trở thành một bức tường tiêu cực vô hình mang tên "sĩ diện hão".
Rõ ràng không có gì trong tay nhưng lúc nào cũng phải ra vẻ, cho mọi người thấy ta đây sống tốt, ta đây hào nhoáng ra sao, rõ ràng rất nghèo nhưng vẫn phải "chảnh", rõ ràng nói sai nhưng lại không bao giờ muốn nhận mình sai, bởi làm vậy là xấu hổ, làm vậy là đang bảo với mọi người ta đây không hề tài giỏi...
Người càng vô dụng thì lòng tự tôn, sĩ diện hão lại càng cao, bởi thực ra họ chẳng có tài cán gì ngoài lòng tự tôn.
_____________
Cre: Tri thức trẻ
Nguồn copy: Tin Bất Động Sản