TẠI SAO BẠN BỎ CUỘC?
Có hai loại động lực khiến ta làm việc. Một là nhóm động lực đến từ bên ngoài (bị ép làm, bị phạt nếu không làm, được thưởng nếu làm) và hai là động cơ bên trong (tự thấy thích điều đó). Tiếng Anh gọi là instrinsic values và extrinsic values.
Động cơ bên ngoài là khi ta làm điều gì đó vì một lý do khác chứ không phải vì bạn thích làm điều đó. Ví dụ, khi tôi tìm đến môn chạy bộ sáng để giảm cân. Thời gian đầu tôi chạy bộ sáng hoàn toàn là ĐỘNG CƠ BÊN NGOÀI, tự tôi không hề thích chạy bộ sáng. Bé Lan Anh 10 tuổi học tiếng Anh cũng vậy. Ban đầu là do mẹ ép học, do mẹ treo giải thưởng cho mỗi lần hoàn thành bài tập. Lan Anh đã học một cách nhăn nhó, cau có và cay cú. Như vậy, cả bé Lan Anh học tiếng Anh và tôi chạy bộ sáng đều là vì ĐỘNG CƠ BÊN NGOÀI.
Tôi cắn răng cắn lợi, ép bản thân chạy đều, chạy miết ba tháng. Dần dà, tôi thấy dậy sớm chạy sáng rất sảng khoái, vui vẻ và tôi thấy thích thú sự chạy bộ sáng. Lúc này, tôi không còn nhớ đến việc giảm cân. Giảm hay không, với tôi không quan trọng. Tôi chạy bộ chỉ vì thích điều đó mà thôi. Nói cách khác, tôi đã THÍCH chạy bộ sáng với ĐỘNG CƠ BÊN TRONG.
Bé Lan Anh cũng vậy. Khi đọc hiểu được sơ đẳng, hiểu được nội dung các bài hát và phim hoạt hình, bé Lan Anh thấy thú vị và không cần ai thưởng, chẳng sợ ai phạt. Lúc này, Lan Anh đã học tiếng Anh tự giác theo ĐỘNG CƠ BÊN TRONG.
Chỉ có động cơ bên trong mới bền vững và đáng tin cậy. Tuy nhiên, động cơ bên ngoài không thể thiếu khi bạn đang ở giai đoạn ban đầu. Giai đoạn này thường là 90 ngày nhưng con số ấy cũng chỉ là tương đối. Có người chỉ cần 7 ngày đã chuyển hóa thành động cơ bên trong. Có người lại mất nửa năm mới thích được cái anh ta làm.
Ở giai đoạn đầu, vai trò của cha mẹ, thầy cô với những lời khen, những động viên khích lệ là không thể thiếu. Trừ có bậc kiệt xuất thiên tài, đa số chúng ta cần thúc ép và khen thưởng ở giai đoạn ban đầu.
Như cây công trình trồng trong Vinhomes, nhìn thì oai phong lẫm liệt nhưng đều phải có giá đỡ, gậy chống xung quanh vì rễ còn non yếu. Sau 5 năm thì giá đỡ, gậy chống mới được tháo bỏ đi. Trong giáo dục, giá đỡ, gậy chống chính là ĐỘNG CƠ BÊN NGOÀI, chính là khen, ép, thưởng, phạt. Trong đó, khen là tác nhân đứng hàng số một.
Kẻ nào đi làm mà đơn thuần chỉ vì tiền thì luôn nghèo và đau khổ. Ví dụ như những bác tài xế đa số là không yêu nghề. Nói cách khác, họ làm chủ yếu vì động cơ bên ngoài. Tuy nhiên, tài xế yêu nghề thì cuộc sống sẽ chẳng đến nỗi nào cả về tinh thần và vật chất. Tôi có một anh bạn ở quê đã lái xe 20 năm nay, mua được nhà, nuôi con đàng hoàng.
Trong khi đó, Đàm Vĩnh Hưng và các nghệ sỹ đi hát vì đâu? Tôi cho rằng bọn nghệ sỹ như Đàm đi hát chủ yếu vì động cơ bên trong. Họ thích hát, ham hát chứ không đơn thuần do tiền. Và họ có cuộc sống khá viên mãn. Có niềm vui, có tiền. Ở đời, rất hiếm người được như vậy. Nguyên nhân tại sao tám mươi phần trăm người đi làm đều không thích việc họ làm? Có ba nguyên nhân: Một là vì mê lầm, hai là vì hoàn cảnh, ba là vì thiếu dũng cảm để quay về bản thể chính mình.
Lời khuyên tôi từng đưa ra và xin nhắc lại: Hãy cố gắng thoát khỏi cái việc bạn chán ngấy hoặc cố tìm lý do mà yêu lấy nó. Nếu không, cả đời bạn sẽ vật lộn với khổ đau và không khai mở được hết năng lực tiềm ẩn bên trong mình. Với trẻ con, hãy giúp chúng biến sở thích thành nghề nghiệp. Sở thích thành được nghề nghiệp là một yếu tố căn bản đem lại hạnh phúc thế gian. Nhưng từ sở thích thành nghề nghiệp là cả một đại dương đối với rất nhiều người.
Khi bạn muốn nước sôi, bạn phải để lửa liên tục cho đến khi nhiệt độ nước đạt 100 độ C. Nếu bạn đun tới 99 độ rồi đột nhiên rút lửa, ngừng đun thì nước ấy vẫn chưa sôi. Quái ác nhất là nó không giữ ngưỡng 99 độ ấy cho bạn để bạn đun tiếp vào năm sau. Nhiệt độ nước sẽ tụt về bằng nhiệt độ môi trường. Nghĩa là tầm 25 đến 30 độ (như ở Việt Nam). Bạn lại phải đun từ đầu.
Thói quen thể thao và tự học cũng như đun sôi nước vậy. Thói quen sắp hình thành thì đúng lúc bạn từ bỏ. Muốn làm lại, bạn phải làm lại từ đầu. Thậm chí khó hơn vì từ bỏ nhiều cũng thành thói quen xấu.