LÀM THẾ NÀO THÚC ÉP BẢN THÂN HỌC TẬP KHI BẠN KHÔNG MUỐN?
Trước khi bắt đầu, tôi muốn cho bạn hiểu điều này:
Bạn không muốn học nữa là bởi vì học vốn dĩ chính là một việc trái với bản tính con người.
Trong tiềm thức luôn nghĩ rằng bản thân có thể hứng thú đối với việc học, rồi sau đó có thể trở nên vô cùng giỏi giang, tương lai sáng lạn. Cách nghĩ này chính là một trong những nguyên nhân làm cản trở bạn tiến bộ.
Bởi vì một khi bạn không thích học, bạn sẽ cảm thấy hoang mang bối rối vì sao việc người khác làm được mà bản thân lại không làm được, rồi lại cảm thấy mình thật vô dụng, thật thiếu sót, và cuối cùng kết luận ra rằng “Dù sao thì nỗ lực cũng không nhất định sẽ thành công, nhưng không nỗ lực thì nhất định sẽ rất thoải mái”.
Nếu bạn luôn cảm thấy rằng phải thường xuyên thúc ép bản thân mới có thể miễn cưỡng học tập, thì thực ra bạn cũng không cần phải sợ hãi bởi đấy mới chính là cuộc sống bình thường.
Những người đã từng đọc cuốn “Tâm lý học tiến hóa” đều biết: “Não bộ của con người đều rất lười biếng đối với mặt nhận biết tri thức, nó luôn quen với việc lựa chọn những người có ít sự cản trở về tư duy.”
Ngay cả Haruki Murakami, nhà văn yêu thích chạy bộ,và còn từng tham gia hạng mục ba môn phối hợp cấp toàn quốc, cũng đều như thế. Trong cuốn sách “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của ông có viết về một trải nghiệm như sau:
Có lần, tôi hỏi vận động viên chạy đua Olympic là Toshihiko Seko, ngay sau khi ông thôi chạy và trở thành huấn luyện viên đội tuyển của công ty S&B. Tôi hỏi ông, “Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?” Ông ta trố mắt nhìn tôi và rồi, bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng là ông thấy câu hỏi mới ngớ ngẩn làm sao,đáp, “Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy!” Câu trả lời của Seko lúc đó làm tôi nhẹ cả người. Suy cho cùng tất cả chúng ta đều làm như nhau cả thôi, tôi nghĩ.
Học tập đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn, và hãy chủ động tiếp xúc với những việc có nhiều trở ngại. Quá trình này nhất định sẽ vô cùng đau khổ, và bạn có thể từ từ dựa vào những phương pháp của bản thân để tìm hiểu nó, chậm rãi làm quen với nó, nhưng tuyệt đối không được đem những đau khổ ấy biến mất hoàn toàn.
Hiểu rõ và tiếp nhận được điều này, bạn mới biết rằng, ngay cả những con người giỏi giang ngoài kia cũng sẽ có lúc hoang mang mê muội, cũng sẽ có lúc kháng cự. Và như thế, bạn mới không ngừng nỗ lực bằng mọi biện pháp, rồi dần dần chịu đựng được nỗi đau khổ kia, làm cho việc thúc ép bản thân học tập trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. (Học ở đây không chỉ đề cập đến việc đi học, mà còn đề cập đến những cách thức có lợi cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân).
Tôi tin rằng những người khi đã đọc đến đây đều là những người sẵn sàng suy nghĩ một cách thấu đáo hơn. Bài viết sẽ hơi dài, bởi vậy mong các bạn like, để đề phòng trong trường hợp không đọc hết được trong một lượt, thì hãy để các phương pháp này lưu lại trong trí óc của bạn.
4 phương pháp dưới đây đều vô cùng hữu ích cho việc thúc ép bản thân học tập:
1. VỀ BẢN THÂN BẠN: Hãy nghĩ về lợi ích và đi sâu tìm hiểu mong muốn của bản thân.
Không thể không thừa nhận rằng, đối với những người bình thường như chúng ta, trạng thái phổ biến nhất chính là: “ngước lên thì chẳng bằng ai, ngước xuống thì chẳng thấy ai bằng mình”.
Hầu hết trong chúng ta, sự ham muốn thay đổi là không lớn, bởi vậy, phim ảnh, game, những chiếc ghế sofa hay những chiếc giường êm ái đều sẽ cản trở việc bạn học hành. Những thứ làm cho bạn cảm thấy sảng khoái đều có thể trở thành những thứ cản trở bạn.
Và nguyên nhân lớn nhất chính là: Bạn miễn cưỡng cho rằng vẫn ok, vẫn sống tốt!
Tôi nhớ lúc tôi vừa bước vào đại học liền phát hiện chuyên ngành mình theo học không phù hợp với bản thân, cảm thấy tương lai mờ mịt, ngay cả học phí cũng sắp không đủ khả năng chi trả. Nếu như sau này cũng không tìm được công việc thì thật có lỗi với bố mẹ ở nhà suốt ngày quần quật làm nông rồi. Lúc đó tôi thật sự hận bản thân, vì 50 tệ tiền bản thảo mà tôi có thể thức đến 3h sáng, vì có thể mua được một chiếc máy ảnh tốt hơn mà mỗi bữa cơm có thể không ăn thịt. Bởi vì tôi biết rằng, chỉ cần thức đêm vài tháng thôi, cuộc sống của tôi sẽ có chút cải thiện.
Không phải ai cũng rơi vào tình cảnh như này, đối với hầu hết mọi người mà nói, nếu như không có động lực, thì hãy nghĩ đến việc kiếm tiền, nhất định sẽ kích thích sự theo đuổi.
Nếu không muốn học nữa, hãy lên những trang mạng có đăng thông tin tuyển dụng để tìm hiểu xem những kĩ năng và kinh nghiệm cần có của những nhân viên có mức lương cao kia. Nếu cảm thấy muốn lười biếng, thì hãy đi lướt Taobao, xem xem những thứ mình muốn mua đắt đến cỡ nào, tôi đảm bảo bạn sẽ “lăn” về và học.
2. THIẾT LẬP THỜI GIAN:
Trong cuốn sách “Voi và người cưỡi voi”, tác giả chia tâm lý của con người thành 2 loại: “Một loại giống như chú voi chưa được thuần hóa, một loại lại giống như lý tính của người cưỡi voi.”
Tâm lý không muốn học hành của bạn giống như chú voi chưa được thuần hóa, còn tâm lý muốn ép bản thân học hành lại giống như người cưỡi voi.
Vả lại, cuộc sống thường ngày của bạn chính là như thế, bạn không thể cứ ép chú voi biểu diễn mãi, nếu không chú voi sớm muộn cũng sẽ mệt và chết hoặc là sẽ làm phản mà chạy mất; nhưng bạn có thể theo quy luật của nó mà nuôi dưỡng.
Nói cách khác, việc bạn ép bạn thân tự học không phải là việc dễ dàng, đụng vào là xong mà phải từ từ, chậm rãi làm quen.
Ví dụ như lúc bạn xem giáo trình, cách 1 tiếng đồng hồ bạn có thể sắp xếp thời gian nghỉ một chút, mỗi tuần dành ra cho bản thân một ngày không làm gì cả, hoặc là làm những việc bản thân cảm thấy thích thú.
Điều này cũng môt phần phụ thuộc vào việc quản lý thời gian của bản thân. Có được mục tiêu lợi ích cụ thể, thì tiếp theo đây chính là bồi dưỡng thời gian học tập của bản thân rồi.
Mỗi ngày nên sắp xếp thời gian lúc nào nên học, lúc nào nên nghỉ ngơi, lúc nào nên giải quyết các vấn đề khó khăn, lúc nào nên luyện tập phát triển tư duy và làm những việc ít quan trọng hơn.
Lý do phải bồi dưỡng việc quản lý thời gian là bởi vì quãng thời gian của mỗi ngày là không giống nhau; tinh thần, diện mạo cũng không giống nhau. Bởi vậy, quyết định lúc nào học thì dễ chuyên tâm nhất, có hiệu quả nhất là một việc vô cùng quan trọng.
3. CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI: Lợi dụng lý thuyết bất hòa nhận thức, ép bản thân noi gương.
Bất hòa nhận thức là một khái niệm thuộc tâm lý học. Nó có nghĩa là khi bạn muốn làm hoặc đã làm một điều gì đó, bạn thường muốn tìm mọi lý do để ủng hộ cho hành vi đó của mình.
Ví dụ, có một người đã hút thuốc nhiều năm, mọi người xung quanh đều khuyên anh ta cai thuốc, hơn nữa còn đưa ra rất nhiều chứng cứ khoa học chứng minh hút thuốc có hại cho sức khỏe, nhưng anh ta không những không cai thuốc mà còn lấy những người hút thuốc nhưng vẫn sống lâu trăm tuổi kia ra để làm gương, để phản bác.
Vậy làm sao để áp dụng những phương diện này vào việc học?
Thực ra cũng rất đơn giản, chính là bạn tạo cho mình một lý do để noi gương học tập, ví dụ như khen thưởng. Như vậy, đại não của bạn sẽ tìm lý do cho hành vi của bản thân như sau:
Não: “Vì sao phải khen thưởng cho người này nhỉ?! Mua một chút đồ ăn vặt cho cô ấy không đáng sao?”
Bất hòa nhận thức: “Ồ, đúng rồi đấy! Tôi muốn trở thành một học giả ưu tú giống cô ấy.”
Hành vi phải từ từ bồi dưỡng, không phải nói được là được.
Con người rất khó chống lại những quy tắc hay những khả năng có thể xảy ra, bởi vậy thuận theo bản tính con người mới chính là cách làm đúng đắn. Muốn nâng cao năng lực học tập của bản thân, bạn cần phải tìm cho mình một tấm gương học tập tốt, rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để theo đuổi, để vượt qua.
Giống như ngay bây giờ, bạn cảm thấy bài viết này đem đến cho bạn nhiều gợi ý, sau đó bạn sẽ like và lưu lại. Những điều này đều sẽ khêu gợi một phần tư duy bất hòa nhận thức của bạn, đồng thời cũng cổ vũ cho tác phẩm của tôi.
4. LỢI DỤNG QUY TẮC Peak-End để làm cho việc học của bản thân đã “phóng lao thì phải theo lao”.
(Chú thích của dịch giả: Quy tắc Peak-End: có thể hiểu là cách chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm quá khứ hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta cảm thấy như thế nào ở đỉnh điểm của cảm xúc vào thời điểm đó (tốt nhất hoặc tồi tệ nhất) và chúng ta cảm thấy như thế nào khi mọi việc kết thúc).
a. Hoặc là phải biết dừng đúng lúc hưng phấn nhất.
Hãy tưởng tượng một chút, ví dụ như khi bạn đang đọc một quyển sách vô cùng hấp dẫn, thì đúng lúc mẹ bạn bắt bạn đi mua chai xì dầu, bạn có phải sẽ chạy với tốc độ bàn thờ, và hận không thể lật giở quyển sách thật nhanh để đọc?
b. Hoặc là mỗi lần học, hãy kết thúc bài học bằng những thứ bạn thích học nhất.
Điều này có chút giống như một phương pháp khích lệ. Khi kết thúc bài học, hãy học cái gì đó thú vị, nhẹ nhàng, để có thể nâng cao trải nghiệm học tập của bạn.
Cứ như thế, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục bản thân tự học, và suy cho cùng, trải nghiệm học tập của bạn cũng sẽ không tệ, thậm chí còn có chút yêu ghét lẫn lộn với việc học.
Ngoài 4 phương pháp này, tôi còn có một số mẹo nhỏ sau:
1. Nguyên tắc 5 phút.
Nguyên tắc này tôi học được từ nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng William J. Knaus. Cái gọi là nguyên tắc 5 phút, chính là bạn hãy đặt phần dễ nhất để làm trong 5 phút đầu tiên, sau khi hoàn thành 5 phút đầu tiên này sẽ tự nhiên bước vào 5 phút tiếp theo. Những nhiệm vụ dường như vô cùng lớn cũng sẽ được bạn giải quyết một cách nhanh chóng.
2. Học nhóm.
Trước đây tôi thường đạp xe đi leo núi, và những người từng đi leo núi đều biết, nếu như đi một mình thì sẽ rất dễ vì mệt mỏi mà không leo lên được đỉnh núi, nhưng nếu như bên cạnh có người không ngừng vượt qua bạn, bạn cũng sẽ không ngừng chiến đấu, cắn răng chịu đựng đến cùng. Đây chính là sức mạnh của đoàn đội.
3. Hãy thử thành công nho nhỏ một lần.
Không phải thất bại mà thành công mới chính là “mẹ” của thành công. Bởi vì sau khi bạn có được thành công nho nhỏ, tâm lý bạn sẽ có một chỗ dựa, chính là tin tưởng bản thân có thể hoàn thành một số việc nào đó, còn thất bại sẽ lại chỉ mang đến thất bại mà thôi
Nguồn: Zhihu
--------------------