VÌ SAO TA DỄ DÀNG NỔI GIẬN VỚI NGƯỜI THÂN?
ĐỐI VỚI NGƯỜI THÂN, TA DỄ THIẾU NHẪN NẠI
Bạn thường nhẫn nại và khó nổi giận với những người lạ hơn người thân. Điều này xuất phát từ tâm lý chung rằng: "Người lạ tất nhiên không hiểu mình. Muốn có được sự thấu hiểu, cần phải có nhiều thời gian giao tiếp, trao đổi". Đối với người thân, lòng nhẫn nại của bạn có giới hạn, vì bạn cho rằng người thân luôn hiểu và ủng hộ mình nhất.
Thông thường, đúng là người càng thân cận sẽ càng hiểu và ủng hộ bạn, nhưng họ không thể hiểu bạn từng li từng tí, hiểu trong mọi hoàn cảnh, mọi chuyện. Bản thân chúng ta cũng không thể luôn hiểu và ủng hộ cách nghĩ của người thân. Dù thực tế là vậy, nhưng mỗi khi gặp phải chuyện gì không thuận lợi, chúng ta sẽ nghĩ: "Người khác không hiểu tôi cũng không sao, tại sao cả chị/em cũng không hiểu tôi?". Hiện tượng tâm lý này bắt đầu từ việc chúng ta kỳ vọng quá cao vào người thân.
ĐỐI DIỆN VỚI KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI THÂN, TA TỰ GÂY ÁP LỰC LỚN CHO MÌNH
Nguyên nhân là do trong lòng bạn rất để tâm đến họ, không muốn làm họ buồn. Khi nhận thức được kỳ vọng của người thân dành cho mình, bạn sẽ dễ sinh ra ý nghĩ: "Nếu mình làm không được, người thân sẽ không vui". Nếu người thân không vui, bạn cũng sẽ buồn. Như vậy, mọi thứ vừa mới bắt đầu, bạn đã định trước kết quả.
Từ đó, chúng ta luôn tâm niệm rằng phải nỗ lực hết mình, chỉ được thành công không được thất bại. Vậy là nguyện vọng thành công của chúng ta càng trở nên bức thiết hơn. Những áp lực này được tích lũy trong thời gian dài. Cho đến một lúc, chỉ với chuyện nhỏ, rất nhỏ cũng thành giọt nước tràn ly, khiến bạn bức bách và dễ dàng nổi giận vì áp lực đè lên vai.
CHÚNG TA THƯỜNG SUỒNG SÃ VỚI NGƯỜI THÂN
Gia đình là một môi trường an toàn, bao dung. Có lúc, bạn bị uất ức hay chịu áp lực bên ngoài, không có cách nào giải phóng đành về nhà trút bầu tâm sự với người thân. Cách hành xử này cũng giống như những đòi hỏi của đứa con đối với cha mẹ vậy. Tuy thế, chúng ta chỉ giải tỏa mà không trao đổi hay giao lưu với người thân. Chúng ta quên là phải chia sẻ như thế nào. Khi trút bực bội với người thân, ta thường dùng lời lẽ khiêu khích, lệch lạc... Cuối cùng, áp lực của chúng ta có thể được giải phóng nhưng người thân lại tổn thương.
ĐỐI DIỆN VỚI NGƯỜI THÂN, TA DỄ RƠI VÀO TƯ DUY MỘT CHIỀU
Tư duy một chiều là trạng thái chúng ta không xét đến tình huống thực tế của gia đình mà đã tự hoạch định mục tiêu cho mình, bán sống bán chết thực hiện nó. Khi đó, chúng ta đẩy bản thân vào con đường không lối thoát, vừa không hoàn thành mục tiêu, vừa không thể vui vẻ. Kiểu tư duy áp đặt chỉ làm theo ý mình này khiến những người thân và bản thân ta bị tổn thương.
CÁC PHƯƠNG PHÁP CẢI THIỆN
Trong quá trình trao đổi, giao tiếp với người thân, hãy chú ý tránh nói tóm lược, cụt ngủn, không đầu không đuôi. Nếu gặp chuyện phiền lòng, hãy đem ngọn nguồn câu chuyện nói ra. Dù người thân không giúp được bạn, điều này cũng khiến mọi người trong nhà hiểu tâm trạng của bạn hơn.
Cùng người thân thảo luận kỹ các bước và phương pháp thực hiện mục tiêu chung. Nếu có thể, hãy tiếp nhận ý kiến của họ và nỗ lực thực hiện. Đồng thời, bạn hãy đem những mục tiêu và nguyện vọng không phù hợp thực tế đưa ra phân tích để người thân thấu hiểu.
Khi xảy ra xung đột, nếu không thể nghĩ thông suốt ngay tức thời, hãy dừng lại. Khi bình tâm, bạn suy nghĩ xem có phải mình đang rơi vào kiểu tư duy một chiều không? Yêu cầu của bạn có quá chủ quan? Bạn đã suy nghĩ đến cảm nhận của người thân chưa? Đừng để cái tôi của mình làm tổn thương những người thân yêu, bạn nhé.
Nguồn: Ohay
Ảnh minh họa: Internet
--------------------