Hội chứng "People Pleaser" - Người tốt hay nô lệ của hình ảnh tử tế ?
“Sếp thường nhờ bạn đảm nhận công việc trong những ngày cuối tuần vào giờ chót. Lần nào bạn cũng nói “được” mặc dù đã có kế hoạch dành cho gia đình.
Bạn hậm hực trong lòng vì phải miệt mài với những bản báo cáo vào thứ Bảy.
Bạn gọi món bít-tết đắt tiền ở nhà hàng, nhưng khi người bồi bàn mang lên thì nó đã chín quá. Khi anh ta hỏi, “Mọi thứ thế nào?” thì bạn đáp, “Tốt,” trong lúc ủ rũ nhìn miếng thịt bị cháy."
Nếu từng rơi vào bất kỳ tình huống nào như thế, có thể bạn là một trong rất nhiều người bị “Hội Chứng Người Tốt” – một tập hợp gồm tính cách, thái độ và các đặc điểm hành vi được miêu tả bởi tiến sĩ Robert Glover, tác giả quyển No More Mr. Nice Guy. Cái tên nghe thật hay ho đúng không, nhưng thực ra không đáng mừng lắm đâu.
Ngoài ra, còn có một cụm từ có vẻ phổ biến hơn là People Pleaser ( Người làm hài lòng mọi người ) dùng để chỉ tất cả những ai mắc phải vấn đề tương tự này chứ không riêng gì nam giới như ở trên. Nhưng vì nó dài quá và gây cản trở cho việc diễn đạt nên mình xin phép dùng cụm từ "Hội chứng người tốt" để chỉ cho vấn đề mà mình đang muốn nhắc đến ở trên.
BIỂU HIỆN HỘI CHỨNG NGƯỜI TỐT LÀ GÌ?
1. Không chú trọng cảm xúc và nhu cầu thật sự của bản thân.
Cảm giác như bản thân lúc nào cũng không thể quan trọng hơn người khác. Nếu mọi người cùng đưa ra ý kiến, họ sẽ nhún nhường ý kiến của đối phương và cảm thấy ý kiến của mình không đáng được để tâm mấy. Sẽ thật may mắn nếu ý kiến của họ được chấp nhận. Nếu không được, không sao cả vì họ có thể ( giả vờ ) vui vẻ chấp nhận ý kiến của mọi người. Họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người khác và rất khó để mà nói từ chối. Thậm chí đôi khi tử tế đến mức không cần thiết. Tuy nhiên lại hiếm khi đưa ra yêu cầu của mình hay là đề nghị người khác giúp đỡ vì sợ phiền hà đến mọi người xung quanh. Họ thể hiện sự hòa đồng với tất cả mọi người ngay cả khi họ không thích hoặc cảm thấy không phù hợp với ai đó trong một nhóm.
2. Tỏ ra chấp nhận hầu hết những khuyết điểm, sai phạm của người khác và dễ tha thứ.
Họ luôn có thể tìm ra sự đồng cảm, thấu hiểu để bỏ qua cho những rắc rối mà người khác mang lại. Ví dụ, tôi đợi một người đi họp trễ đã 30 phút. Khi đến nơi anh ta rối rít xin lỗi vì chẳng may ngủ quên. Ok, tôi bỏ qua. Nhưng mình nghĩ khoản này có thể nằm một phần ở lí do là họ cũng mong muốn được người khác dễ dàng tha thứ nếu họ mắc một cái lỗi tương tự. Ví dụ, hôm nay bạn đi họp muộn, tôi sẽ cố gắng thông cảm. Nhưng lần sau nếu tôi đi họp muộn, bạn cũng đừng nên chê trách tôi. Kiểu vậy.
3. Luôn cảm thấy giá trị của mình phụ thuộc vào cảm nhận của người khác.
Cực kì sợ bị phán xét, bị nói xấu, bị giận. Làm gì cũng muốn cố gắng hoàn hảo và ít để lộ ra khuyết điểm bản thân. Kể cả nói đùa cũng phải suy nghĩ thận trọng. Mà trong thời đại công nghệ, mạng xã hội hiện nay, lượng tương tác trên các trang Facebook, Ins,... lại càng ảnh hưởng đến những người mắc hội chứng này.
4. Cố gắng hành động thật đúng với mọi chuẩn mực đạo đức.
Họ luôn luôn uốn mình theo những khuôn khổ đạo đức và giữ nó khư khư như việc không dám để xe lửa lệch ra khỏi đường ray.
Có những cặp vợ chồng đã không còn cảm xúc hay mong muốn được tiếp tục chung sống với nhau. Nhưng họ vẫn tiếp tục. Có thể họ mong muốn con cái của mình có được một gia đình tốt (dù giả tạo) nên chấp nhận hi sinh hạnh phúc cá nhân. Nhưng len lỏi trong đó mình nghĩ vẫn là liên quan đến hình tượng của họ. Hình tượng của họ trước con cái và với mọi người xung quanh. Họ lo sợ mọi người đều cho rằng họ là người ích kỷ, không trách nhiệm. Một số định kiến xã hội đã áp đặt lên họ những hình ảnh tử tế cố định mà họ khó lòng thoát ra.
Tóm lại, tất cả những gì mà một người mắc Hội chứng người tốt mong muốn là sự yêu mến và hài lòng đến từ tất cả mọi người. Như vậy, có vấn đề gì sai khi tôi muốn làm người tốt và hi vọng nhận lại được điều tương tự?
Vấn đề nằm ở chỗ, khi bạn quá chú trọng vào hình ảnh người tốt của mình và nó không còn đồng nhất với những suy nghĩ hay cảm xúc thật của bạn nữa. Nó sẽ bắt đầu phản tác dụng.
TÁC HẠI CỦA HỘI CHỨNG NGƯỜI TỐT ?
1. Dễ bị stress và dẫn đến trầm cảm
Vì con người không thể hoàn hảo trong mọi thứ. Ai cũng có thể có cả mặt "chính diện" và "phản diện" bên trong. Nên càng cố gắng tỏ ra hoàn hảo lại càng mâu thuẫn với những cảm xúc thật của bản thân. Lâu ngày nếu không được bộc lộ trực tiếp ra thì dẫn đến trầm cảm thôi.
2. Tự ti
Làm việc gì cũng sợ sai, sợ phiền, sợ xung đột, sợ ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân, sợ người khác chú ý. Vì vậy sẽ ngày càng tự ti, luôn có cảm giác bản thân không đủ tốt.
3. Mất niềm tin của mọi người
Nếu bạn cứ đối đãi hoàn toàn tử tế với mọi người, mọi người dần dần sẽ mặc định bạn là người tốt. Ok, theo đó thì sao? Nếu bạn phạm phải sai sót gì, hoặc chỉ đơn giản là không tốt bằng trước kia nữa, nhiều người sẽ lập tức nhận định bạn là đứa đạo đức giả, là đáng thất vọng. Nghe hơi đáng buồn nhưng lại là sự thật thường thấy.
4. Mất đi lập trường
Càng cố làm hài lòng những con người có tính cách và quan điểm hoàn toàn khác nhau họ sẽ càng không tin tưởng vào bạn nữa vì bạn đối với ai hay chuyện gì cũng phản ứng tán đồng như vậy. Lâu dần bạn sẽ hình thành sự yếu đuối, thiếu kiểm soát và thiếu quyết đoán trong mọi việc. Bạn cứ nghĩ theo ý người khác là tốt, nhưng công việc hay cuộc sống lại đòi hỏi những ý kiến trái chiều và sự tranh luận, mâu thuẫn để tìm ra ý kiến tốt nhất.
5. Không thể phát triển bản thân
Người khác nhờ bạn giúp đỡ, bạn đều đồng ý trong khi bạn không có nhiều thời gian hay kinh tế. Bạn bị mắc kẹt trong công việc của mình còn lặn ngụp thêm trong công việc của người khác, lấy đâu ra thời gian cho gia đình và những người, những việc thực sự quan trọng đối với bạn?
Hay bạn luôn theo quan điểm của người khác để cho qua chuyện thì con đường, quan điểm đúng đắn mà bạn lựa chọn đi theo sẽ là gì ?
Trích từ bài viết của tác giả Mayanvie - spiderum.com
--------------------