HIỂU ĐÚNG VỀ TIẾT KIỆM ĐỂ VỪA SỐNG THOẢI MÁI VỪA KHÔNG PHUNG PHÍ
Có thể nói, tiết kiệm là một phần không thể thiếu để đảm bảo một tương lai ổn định và là một bàn đạp vững chắc để phát triển sự nghiệp. Suy cho cùng, đa số chúng ta đều bị giới hạn nguồn lực nên việc tích góp là cần thiết.
Dù vậy, với nhiều người, tiết kiệm lại khô khan và đôi khi là “hành xác”. Nó đòi hỏi kỷ luật và một lối sống có chừng mực để phục vụ những mục tiêu xa hơn.
Là một người kinh doanh và có hơn hàng chục năm đầu tư, tôi đã trải qua nhiều lần thất bại và phải tiết kiệm tích lũy từ con số 0. Bài viết này sẽ đưa ra những chiêm nghiệm của tôi về bản chất của việc tiết kiệm.
1. Tiết kiệm phải đến từ lối sống
Tiết kiệm không phải là sự kẹp kín túi tiền một cách tham lam, mà là một lối sống hiểu rõ bản thân. Điều này đòi hỏi bản thân bạn phải phân biệt giữa những nhu cầu thực sự và những ham muốn không cần thiết.
Nên nhớ rằng, bạn tiết kiệm để đạt được muốn một thứ có giá trị cho bản thân, ở tương lai. Đó có thể là sự đảm bảo cho bạn và gia đình, xây dựng một đế chế kinh doanh hay một cuộc sống thoải mái về già,... Điều quan trọng ở đây là bạn phải hiểu rõ bản thân, mình muốn gì, lối sống của mình như thế nào.
Nhiều người mắc sai lầm lớn ở chỗ bản thân là người thích sự an toàn, nhưng lại bị cuốn theo mục tiêu phải khởi nghiệp thành công và ngược lại, bản thân thích làm thứ mới, thích mạo hiểm nhưng máy móc tiết kiệm để có sự đảm bảo. Nếu bạn hiểu sai về chính mình, việc tiết kiệm sẽ trở nên khó khăn, và giả sử may mắn tiết kiệm được, bạn cũng không sử dụng số tài sản tiết kiệm một cách phù hợp.
2. Tiết kiệm không phải là đánh đổi thú vui
Tiết kiệm không có nghĩa là tự kiềm chế và từ chối tận hưởng cuộc sống. Thay vào đó, nó là việc học cách tận hưởng một cách thông minh và có trách nhiệm. Hãy xem lại ý ở trên, bạn chọn tiết kiệm vì bạn biết nó sẽ mang lại giá trị lớn cho bản thân trong tương lai.
Sẽ thật dễ dàng nếu điều đó là điều phù hợp với lối sống của bạn, chứ không phải lối sống mà bạn bị ảnh hưởng từ xã hội. Thú vui thực chất cũng là thứ bắt nguồn từ lối sống. Bạn có thể mua thứ mà bạn thực sự cần, để thấy thoải mái, có thêm động lực phát triển lẫn sự sáng tạo. Vui vẻ không đồng nghĩa với phí phạm, nếu bạn làm đúng, bạn có thể vừa vui, vừa giữ được tiền, vừa có thể nắm bắt nhiều cơ hội để giàu có hơn.
Ví dụ, nếu bạn yêu thích điện thoại mới, thay vì mua phiên bản mới nhất và đắt nhất, bạn có thể tìm hiểu các phiên bản trước đó với cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn. Bằng cách này, bạn vừa có thú vui mới, vừa tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể mà lại có công cụ để giúp công việc trở nên dễ dàng hơn (smartphone sử dụng đúng thì nó là 1 tài sản hữu ích để bạn làm được nhiều việc).
3. Tiết kiệm không phải là từ chối mà là chọn thứ quan trọng nhất
Nhiều người hiểu nhầm rằng tiết kiệm là “say no” với hầu hết mọi thứ. Nhưng nếu bạn tập trung vào việc từ chối mọi thứ, có thể bạn sẽ từ chối luôn cơ hội. Trong khi đó, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn vạch ra thứ cần tập trung.
Ví dụ, bạn chọn mua thứ đồ tốt, đúng với nhu cầu sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức mua thứ rẻ nhưng nhanh hỏng nhiều lần.
Nhiều người từ chối dùng những sản phẩm đắt tiền vì cho đó là không tiết kiệm nhưng họ không biết rằng bản thân đã đánh đổi thời gian, tiền bạc để sửa chữa, mua mới trong nhiều lần sau. Thay vì thế hãy tiết kiệm bằng cách lựa chọn thứ tốt, quan trọng.
Tu duy đúng sẽ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả hơn, thoải mái hơn và giúp cho tương lai dễ dàng. Lúc đó việc tiết kiệm mới thực hiện đúng với vai trò của nó - một bàn đạp vững chắc cho tương lai.