IMMANUEL KANT: CÓ MỘT THIỆN CHÍ BÊN TRONG CHÚNG TA
1. Sự hiểu biết, trí thông minh, năng lực phán đoán hoặc sự can đảm, quyết tâm, kiên nhẫn,... thoạt mới nghe qua, nếu ai sở hữu bất cứ đức tính nào như thế, hẳn phải thật đáng ngưỡng mộ, xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Thế nhưng, ở trong đạo đức học của Kant, những đức tính đó không hẳn là thiện, chúng phụ thuộc ý chí của chủ thể sử dụng chúng. Nếu ý chí sử dụng chúng là thiện, thì chúng [những đức tính kể trên] mới được coi là thiện, trong khi nếu ý chí sử dụng chúng là ác, thì chúng sẽ trở nên bất thiện. Như sự hiểu biết chẳng hạn, nếu sử dụng nó để áp bức những người thiếu hiểu biết, hẳn có thể gây ra cảm giác hả hê, nhưng lại bị xem là bất thiện. Nói chung, đạo đức học của Kant không thể lấy một trong số những đức tính như thế để đặt nền tảng [đặc biệt là tri thức giống như triết học cổ đại], bởi như đã thấy chúng rất thất thường, lúc thiện, lúc bất thiện, phụ thuộc chủ thể sử dụng chúng. Chúng được coi là những sự thiện có giới hạn, hay những sự thiện có điều kiện. Trong khi đó, Kant cần một sự thiện không giới hạn, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào - một sự thiện phổ quát nhất - đó là thiện chí.
2. Triết học Socrates có một khẩu hiệu đại ý là: Một người làm điều ác là do người đó không biết điều đó là ác, nhưng nếu đã biết điều đó là thiện, người đó sẽ làm điều thiện, do đó xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Kant phải đối điều đó, bởi biết một điều là thiện hay ác không có nghĩa người đó sẽ làm điều thiện trên thực tế. Quan điểm lý tưởng của Kant là, không nên biết một điều có là thiện hay ác không, tốt nhất là nên dựa theo sự mách bảo tự nhiên của thiện chí. Cái gọi là thiện hay ác chỉ là sự phán xét độc đoán của người đời. Theo Kant, một sự thiện chí sẽ không mảy may tính toán đến thiện hay ác, cũng không mảy may tính toán đến những khó khăn có thể đối mặt để đạt được mục đích, chỉ đơn giản nó là một sự thiện tự thân. Kể cả khi nó gặp phải bất lợi rất lớn, đến nỗi không thể thực hiện được mục đích của nó, đến nỗi thất bại hoặc chết, miễn là có một sự thiện chí, nó sẽ tự tỏa sáng. Tất cả những gì xung quanh nó, bẩn thỉu hay hắc ám đến đâu, ra sức cản trở nó đến đâu, cũng không thể làm thay đổi giá trị của nó. Có ích hay không có ích đều không bổ sung thêm hay lấy đi bất cứ thứ gì từ nó. Kant nói một cách châm biếm, tính hữu ích chỉ giúp nó được sử dụng tốt hơn trong thương mại hoặc thu hút sự chú ý của những người chưa đủ chuyên môn, bởi sự thiện chí không đặt ở trên nó một mối bận tâm rằng làm điều thiện sẽ được báo đáp, còn làm điều ác sẽ bị báo ứng, hay làm điều thiện sẽ được người khác biết ơn, ca ngợi, còn làm điều ác sẽ bị người khác chê cười đến xấu hổ nhục nhã. Thiện chí có sinh ra một sự thiện hay không, hay nó sinh ra một sự ác, đó hẳn không phải là điều quan trọng nhất, bởi rõ ràng Kant biết không thể lường trước kết quả do thiện chí mang lại có thực sự thiện [trong mắt kẻ khác] hay không. Chúng ta chỉ biết rằng chúng ta trước hết hãy hành động dựa trên thiện chí.
3. Câu hỏi được Kant quan tâm là thiện chí do đâu mà có? Có phải là đức tính bẩm sinh của con người? Hay được Thượng đế ban tặng? Hay được hình thành do quá trình tu dưỡng, rèn luyện trong suốt cuộc đời? Hoặc thậm chí, đó chỉ là sự tưởng tượng hay ho do Kant nghĩ ra? Một nguyên tắc được Kant thừa nhận là: bất cứ thứ gì được tìm thấy ở sinh vật, cũng sẽ là sự thích nghi tốt nhất của nó. Ở con người, rõ ràng có lý trí, cũng có ý chí. Nếu mục đích thực sự của tự nhiên là sự bảo tồn, là hạnh phúc, là cảm giác dễ chịu, thoải mái trước cuộc sống, thì theo Kant lý trí không phù hợp bằng ý chí. Nói khác đi, tự nhiên sinh ra ý chí để đảm bảo mục đích tự bảo tồn là tốt hơn lý trí. Đơn giản là bởi lý trí luôn quan tâm đến tính thực tiễn của hành động [hay lý tính thực hành], ở đây được hiểu là cải tạo Tự nhiên, một điều được Kant coi là chống lại tự nhiên. Tất nhiên, tự nhiên sẽ không mâu thuẫn đến mức tạo ra một thứ chống lại chính nó [tức tự nhiên]. Cho nên, thiện chí là do tự nhiên ban tặng cho loài người - nó là bản năng của con người để có thể đạt được hạnh phúc. Một người làm điều thiện chủ yếu là sẽ nghe theo tiếng gọi của bản năng bên trong người đó, hơn là sử dụng lý trí để suy xét những điều kiện bên trong cũng như ngoài của người đó.
4. Như Kant chỉ ra, một lý trí càng được trau dồi một cách có chủ đích để đặt bản thân nó trong sự tận hưởng cuộc sống cũng như hạnh phúc, thì một người sở hữu lý trí như thế càng xa rời sự thỏa mãn thực sự. Từ đó, thật không ngoa khi nói rằng, nhiều người sau khi sử dụng lý trí đã đi đến căm ghét nó; bởi sau khi tính toán tất cả những lợi thế mà họ có thể tưởng tượng ra - họ thấy trên thực tế họ chỉ chuốc thêm rắc rối hơn là được hạnh phúc; cuối cùng họ ghen tị những người được coi là bình thường, chỉ biết nghe theo tiếng gọi của bản năng tự nhiên hơn là để lý trí chi phối. Chúng ta có thể bị cám dỗ khi nghĩ rằng động lực khiến một hành động trở nên thiện lương là do nó có một mục đích tốt đẹp - khiến mọi người hạnh phúc hoặc mang lại lợi ích nào đó. Nhưng theo Kant, đó chắc chắn không phải là một động cơ đúng đắn. Mong muốn đạt được một mục đích cụ thể nào đó, dù chúng ta có nghĩ là tốt đến mấy, cũng không hẳn là thiện. Nhưng hành động theo thiện chí sẽ là cơ sở, hoặc nhân danh thiện chí, nếu chúng ta có thể nói như thế, để chúng ta phân định một hành động có phải là có đạo đức hay không.
#Philosapiens #TriếtHọc #Philosophy #Kant #GoodWill