[Nghệ thuật ứng xử] 7 KỸ NĂNG GIAO TIẾP KHÔN NGOAN CỦA MỘT LEADER THÔNG MINH
Trong vai trò người lãnh đạo, khả năng giao tiếp hiệu quả là một kỹ năng cần thiết. Một lãnh đạo giỏi là người biết cách thuyết phục và truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng, chính xác và mạch lạc. Và dưới đây là 7 kỹ năng giúp nhà lãnh đạo rèn luyện khả năng giao tiếp hiệu quả với đội ngũ của mình.
1. Nắm vững thông điệp chính
Trước khi bắt đầu giao tiếp, lãnh đạo cần phải hiểu rõ mục đích mình đang truyền tải. Nếu như bản thân bạn không nắm vững được thông điệp chính, người nghe sẽ cảm thấy bỡ ngỡ và không thể hiểu được những gì mà lãnh đạo muốn truyền đạt. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn cứ ừ à, nói một cách chung chung ý tưởng của mình, không có số liệu hay dẫn chứng thuyết phục gì, ai có thể nghe theo và tin phục bạn.
2. Sử dụng ngôn từ đơn giản
Khi giao tiếp với team, các “sếp” nên sử dụng ngôn từ đơn giản, tránh sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành hoặc ngôn từ khó hiểu. Có nhiều bạn nghĩ sử dụng từ “đao to búa lớn” sẽ thể hiện mình có chuyên môn cao, làm cấp dưới khâm phục. Thế nhưng hiệu quả có thể hoàn toàn ngược lại. Nhiều lúc dùng từ quá chuyên môn hay chêm nhiều từ tiếng anh sẽ làm người nghe khó chịu, khó hiểu và khó tiếp thu thông tin. Để làm cho thông điệp của mình dễ hiểu hơn, lãnh đạo có thể cung cấp thêm ví dụ hoặc giải thích chi tiết hơn về các khái niệm khó hiểu.
Ví dụ: Thay vì sử dụng từ “networking” (mạng lưới), lãnh đạo nên sử dụng từ “kết nối” để người nghe có thể hiểu rõ hơn.
3. Tạo sự tương tác
Trong quá trình giao tiếp, lãnh đạo cần tạo sự tương tác với đội ngũ của mình. Việc này giúp cho người nghe có thể tham gia trực tiếp và hiểu rõ hơn về thông điệp của lãnh đạo. Lãnh đạo có thể hỏi và lắng nghe ý kiến đóng góp của đội ngũ hoặc sử dụng các câu hỏi để khơi gợi thảo luận. Ngoài ra, lãnh đạo cũng có thể sử dụng các hoạt động nhóm để tạo sự gắn kết giữa các thành viên.
4. Đánh giá khả năng hiểu
Sau khi truyền đạt thông điệp, bạn cần đánh giá khả năng hiểu của nhân viên. Điều này giúp cho lãnh đạo biết được mức độ hiểu của đội ngũ và có thể điều chỉnh lại cách truyền đạt thông điệp. Nếu như có người trong đội ngũ không hiểu rõ hoặc có thắc mắc về thông điệp, lãnh đạo cần phải giải đáp thêm để đảm bảo rằng các task được truyền đạt đến đội ngũ một cách chính xác nhất.
5. Thể hiện sự tôn trọng
Đừng bao giờ nghĩ mình đứng trên người khác, cho dù bạn là CEO, bạn cũng cần thể hiện sự tôn trọng đến đội ngũ của mình, để đồng nghiệp cảm thấy được yêu quý và động viên. Các bạn có thể thể hiện sự tôn trọng bằng cách lắng nghe ý kiến đóng góp, cảm ơn và động viên các thành viên khi họ hoàn thành tốt công việc của mình. Đừng ngần ngại lời khen và câu cảm ơn, tưởng chừng rất nhỏ bé nhưng lại để lại ấn tượng tốt tới thành viên trong team đấy!
6. Sử dụng ví dụ rõ ràng
Giống như cách tôi đang viết, để truyền đạt ý bạn muốn nói một cách hiệu quả, cách tốt nhất là đưa ra các ví dụ rõ ràng. Ví dụ giúp cho người nghe dễ dàng hình dung và hiểu rõ hơn về thông điệp. Việc sử dụng nhiều ví dụ cụ thể và liên quan đến công việc sẽ giúp cho thông điệp được truyền đạt một cách chính xác và dễ hiểu hơn.
Ví dụ: Nếu muốn khai thác idea khuyến mãi cho sản phẩm của mình, bạn có thể lấy 1 dẫn chứng cụ thể của 1 công ty nổi tiếng đã triển khai để team hiểu rõ và tiếp cận đúng hướng bạn muốn.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả trong việc giao tiếp, lãnh đạo cần phải cập nhật kiến thức, kỹ năng và nâng cao khả năng giao tiếp của mình thông qua các khóa học hoặc tìm kiếm các tài liệu học tập phù hợp.
7. Chủ động giải quyết xung đột
Trong quá trình quản lý, xung đột giữa các thành viên tỏng nhóm là một phần không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là bạn phải có khả năng chủ động giải quyết xung đột và tạo ra một môi trường làm việc tích cực để team có thể hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả nhất.
Việc giải quyết xung đột đòi hỏi sự kiên nhẫn, khả năng lắng nghe và đưa ra phương án giải quyết hợp lý. Thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với thành viên trong team sẽ giúp bạn có thể hiểu được tình hình và các vấn đề mà nhân viên đang gặp phải.
Có thể sử dụng các kỹ thuật giải quyết xung đột như thảo luận, đàm phán, hoặc tìm ra giải pháp thông qua phương pháp testing. Điều quan trọng là bạn phải đưa ra quyết định một cách công bằng và có các giải pháp mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề.