Review Sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận – Chế Ngự Cơn Giận Bằng Bản Lĩnh Sâu Bên Trong
Đức Phật từng ví von cơn giận giữ trong lòng cũng giống như ta cầm trên tay một hòn than nóng với ý định ném vào người khác. Đến cuối cùng, người bị bỏng lại chính là ta. Cũng với tinh thần đó, tác giả Tạ Quốc Kế viết cuốn sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận cho chúng ta nhìn sâu vào cơn giận của mình, cách hóa giải cơn giận để không làm tổn thương tới chính mình và những người xung quanh.
Tác giả sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận
Tạ Quốc Kế là tác giả trẻ Trung Quốc chuyên viết những cuốn sách phát triển bản thân, xây dựng các mối quan hệ xã hội và một vài hiện tượng tâm lý thường gặp.
Ngoài Điềm Tĩnh Và Nóng Giận, Tạ Quốc Kế còn viết cuốn sách Thuận cho người, lợi cho mình được nhiều bạn trẻ Việt Nam đón đọc.
Nội dung sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận
Bản chất của cơn giận
Cơn nóng giận của con người thường được thấy ở hai dạng: một là nổi trận lôi đình, hai là tự mình không vui rồi hành hạ bản thân.
Nếu nổi trận lôi đình được ví như núi lửa phun trào dung nham, càn quét với tốc độ nguy hiểm thì cơn giận trong lòng giống như ấm nước sôi âm ỉ, không thể giải tỏa cùng ai mà cứ ôm giận trong lòng.
Dù là nóng giận theo hướng nào thì cũng tổn hại tới bản thân và những người xung quanh.
Hậu quả khi ta nóng giận
Dù là khách quan hay chủ quan thì cơn giận cũng tác động tiêu cực tới chính chúng ta. Khi ta giận, tâm trạng và hành động, lời nói của ta sẽ không còn sáng suốt. Tâm trí ta như bị đám mây đen và giông sét xâm chiếm, ta dễ làm những việc khiến bản thân phải ân hận cả đời.
Những sự đổ vỡ trong các mối quan hệ đều là hậu quả của nóng giận. Chẳng ai muốn mình là nạn nhân của một người suốt ngày cau có, tức tối. Khi ta mang trong mình cơn sân hận, nóng nảy, ta sẽ tỏa ra những cảm xúc tiêu cực mà không ai muốn lại gần.
Sách hay nên đọc: Review Sách Nóng Giận Là Bản Năng Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh – Buông Bỏ Để Giữ Lấy
Giải quyết cơn giận như thế nào
Sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận giúp ta hiểu rằng nóng giận cũng như vui buồn sướng khổ, đó là những cảm xúc rất tự nhiên của con người. Nhưng ta cần học giải hóa giải nó, để cơn giận đến với ta ngày một nhẹ nhàng và ít ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Khi cơn giận đến, hãy kiềm lòng mà hít thở thật sâu. Để làm được điều này thì bản chất ta cần hiểu rằng tức giận giống như mình uống thuốc độc mà mong người khác chết. Cơn giận giống như chiếc khóa sắt nhốt ta trong căn phòng tối. Chỉ thông qua việc bình tĩnh, chậm lại một chút thì ta mới cho những tia sáng chiếu vào căn phòng.
Đối mặt với cơn nóng giận bằng cách hiểu và thông cảm cho lỗi lầm của những người xung quanh. Đó không phải là thỏa hiệp một cách mù quáng. Đó là ta đang đặt bản thân mình vào vị trí của người đối diện để hiểu họ hơn, cũng chính là cho mình cơ hội để nhẹ lòng và kiềm chế cơn giận.
Nhận xét về cuốn sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận
Sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận giúp chúng ta nhìn sâu vào từng lớp cảm xúc của bản thân, sử dụng nhiều hình ảnh minh họa sinh động về cơn nóng giận của con người. Ta sẽ hiểu rõ mình, thêm vị tha với những người xung quanh để từ từ kiềm chế cơn giận.
Chúng ta không thể đọc một cuốn sách và chấm dứt ngay được tình trạng cáu bẳn, nóng giận thường có nhưng hãy cho bản thân thêm thời gian và trải nghiệm để rèn luyện phẩm chất ôn hòa, tĩnh tại.
Sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận giống như một bài nghị luận. Tuy vậy, tác phẩm này chưa cung cấp nhiều kiến thức khoa học hay giải pháp cụ thể, mới dừng lại ở lý thuyết và những trải nghiệm cá nhân của tác giả.
Trích dẫn từ sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận
“Nóng giận là một trong những cảm xúc nguy hiểm nhất của con người. Trong cơn giận, con người như một con sư tử cuồng nộ, mù quáng làm tổn thương bản thân và người khác. Bị cơn giận chi phối, con người thường phá vỡ nguyên tắc, nói những điều không nên nói, làm những việc không nên làm, làm tổn thương thân thể và trái tim, làm tổn thương người khác và chính mình.”
“Dù là trong công việc hay trong mối quan hệ với mọi người, chúng ta đều không cần quá khắt khe. Rộng lượng với người mới có thể tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp; ngược lại thì sẽ chỉ đẩy người khác ra xa cô quạnh một mình mà thôi… Chỉ khi thấu hiểu việc lớn, không khắt khe với việc nhỏ thì mới có thể khiến phiền não càng ngày càng vơi còn bất ngờ và niềm vui trong đời càng ngày càng đầy.”
“Nhà triết học Đức – Hegel từng nói: “Không thể nhìn rõ gì trong ánh sáng thuần túy và bóng tối thuần túy.” Nếu một người sống quá sắc sảo, quá tính toán, cuộc đời của anh ta sẽ rơi vào hỗn loạn, còn nếu một người bình thản trước đời thì những rắc rối của cuộc sống sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến anh ta.”
“Nhưng lửa giận đã cướp mất lý trí của anh, khiến anh tự tay kết liễu một người bạn trung thành. Giờ đây, hối hận cũng chẳng giúp ích gì nữa. Chú chó đã lạnh ngắt, không thể ấm lại vì những giọt nước mắt của anh nữa. Vì vậy, khi bạn tức giận, hãy cố gắng đừng đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Gần như tất cả những việc nguy hiểm đều do một quyết định phi lý trí được đưa ra khi tức giận; dường như tất cả tội phạm đều hối hận khi bị thẩm vấn, nóng giận sẽ khiến chúng ta phải gánh chịu những gánh nặng không thể gánh vác trong đời”
“Hạnh phúc không phải là ta có nhiều hay ít mà là cảm nhận của tâm hồn. Nếu biết đủ thì cơm canh đạm bạc cũng là phúc; nếu lòng tham không đáy thì cẩm y ngọc thực cũng khó có được hạnh phúc trong tương lai. Hãy tránh xa lòng thèm muốn, đố kỵ và ghen ghét, cuộc sống sẽ muôn màu muôn vẻ; hãy gạt bỏ tâm lý so sánh và phớt lờ ý kiến của người khác, vui vẻ, hạnh phúc hay không phụ thuộc vào chính bạn mà thôi.”
(Trích Điềm Tĩnh Và Nóng Giận)
Lời kết
Mỗi phút giận giữ là bạn đã từ bỏ sáu mươi giây thanh thản của tâm hồn. Hãy đọc cuốn sách Điềm Tĩnh Và Nóng Giận để học được cách kiềm chế cơn giận, buông bỏ sự khó chịu trong lòng và sống cuộc đời thật bình thản.