KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là gì? Ý nghĩa và cách tính của Năng suất nhân tố tổng hợp

  


Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là gì? Ý nghĩa và cách tính của Năng suất nhân tố tổng hợp

KHÁI QUÁT VỀ NĂNG SUẤT NHÂN TỐ TỔNG HỢP – TFP

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lí hóa sản xuất, cải tiến quản lí, nâng cao trình độ lao động… 

Năng suất nhân tố tổng hợp – TFP còn được hiểu là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất nhờ vào tác động của yếu tố vô hình tham gia vào quá trình sản xuất, cùng các yếu tố hữu hình (vốn, lao động hoặc tài nguyên thiên nhiên,…) hoặc phản ánh chiều sâu quá trình tăng trưởng (thông qua tốc độ tăng TFP).

Trong khi tốc độ tăng của vốn và lao động là có hạn, thì TFP có thể là yếu tố không bị giới hạn thúc đẩy tăng trưởng. Tăng TFP có thể phản ánh mức độ đổi mới các quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, kĩ thuật mới trong quản lí hoặc cũng có thể phản ánh gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế.

Ở cấp độ nền kinh tế, TFP được đánh giá dựa trên hai chỉ số chính là: tốc độ tăng TFP và tỉ trọng đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế (GDP).

Ở góc độ 1 ngành hay trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tăng trưởng dựa vào tăng năng suất các nhân tố tổng hợp mới đảm bảo sự ổn định và bền vững, có tính cạnh tranh, tạo tiền đề để mở rộng sản xuất và góp phần cải thiện đời sống của người lao động và nhân dân (Tăng Văn Khiên, 2005).

Tăng trưởng TFP thể hiện tăng trưởng năng suất không kèm theo tăng trưởng đầu vào là loại tăng trưởng tốt nhất để hướng đến sự gia tăng đầu ra. Có nhiều cách thức đo lường tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp: phương pháp hạch toán tăng trưởng, tiếp cận biên ngẫu nhiên, sử dụng chỉ số đa chiều, hồi qui tăng trưởng,…

Mỗi phương pháp, cách tiếp cận đều phải dựa trên những giả định và mô hình. Vì vậy, tùy thuộc vào bộ số liệu và đối tượng nghiên cứu mà mỗi nhà nghiên cứu lựa chọn phương pháp đo lường phù hợp.

Ý NGHĨA CỦA NĂNG SUẤT NHÂN TỐ TỔNG THỂ TFP

Việc nâng cao TFP có ý nghĩa khá lớn đến người lao động, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể như sau:

  • Với người lao động: việc nâng cao năng suất nhân tố tổng thể giúp cải thiện đời sống, điều kiện lao động và thu nhập được gia tăng hơn.
  • Với doanh nghiệp: thì có TFP sẽ giúp mở rộng sản xuất sang thị trường nước ngoài.
  • Với nền kinh tế: sẽ giúp đất nước gia tăng sức mạnh cạnh tranh trong khu vực và trên toàn thế giới cũng như nâng cao được phúc lợi xã hội.

CÁCH TÍNH TỶ LỆ ĐÓNG GÓP CỦA TFP

Năng suất nhân tố tổng hợp là sự tương quan giữa lao động và vốn, là yếu tố phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng của đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tuỳ thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.

Hiện nay, có nhiều cách tính TFP, nhưng phổ biến là theo hàm sản xuất Cobb-Douglas: Y = AKα L1-α . Trong đó:

  • Y là tổng đầu ra;
  • K là vốn đầu vào;
  • L là lao động đầu vào;
  • A là TFP;
  • α và 1-α là độ co giãn ( hệ số đóng góp) của đầu ra tương ứng với lao động và vốn.

Cách tính năng suất nhân tố tổng hợp sẽ là yếu tố quan trọng giúp cân bằng được nền kinh tế và phát triển nền kinh tế, khi tính được năng suất nhân tố tổng hợp giúp nắm bắt được các yếu tố đầu vào đầu ra, tương quan và kết quả để có thể dự tính được các phương hướng phát triển kinh tế.

CÁC YẾU TỐ CHÍNH CỦA TFP 

Dựa vào các kết quả nghiên cứu, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã nêu nguồn tăng TFP chủ yếu dựa vào 5 yếu tố chính như sau:

  • Chất lượng lao động:

Với nguồn lao động là nòng cốt của sự phát triển kinh tế thì chất lượng lao động đóng vai trò quan trọng trong năng suất nhân tố tổng hợp. Chất lượng lao động có mối quan hệ trực tiếp với trình độ học vấn liên quan đến khả năng tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ của người lao động, phản ánh trực tiếp đến năng suất nhân tố tổng hợp.

Để nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp thì cần phải nâng cao chất lượng lao động, cụ thể là đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động để nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp. Bên cạnh đó nang cao năng suất nhân tố tổng hợp cũng có thể đào tạo chuyển giao công nghệ để dựa vào công nghệ nâng cao năng suất lao động.

  • Thay đổi nhu cầu hàng hoá, dịch vụ:

Bên cạnh việc nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp qua nâng cao chất lượng lao động thì còn cần phải tác động tới năng suất nhân tố tổng hợp thông qua việc tăng nhu cầu trong nước và xuất khẩu về sản phẩm, hàng hóa là cơ sở quan trọng để sử dụng tối ưu các nguồn lực. Khi nhu cầu về hàng hóa tăng cao, thúc đẩy quá trình mua bán, tiêu thụ thì sẽ thúc đẩy đến quá trình sản xuất đồng thời kéo theo năng suất lao động được nâng cao, đồng thời nâng cao cả chất lượng hàng hóa và dịch vụ.

  • Thay đổi cơ cấu vốn: 

Tương quan với lao động sẽ là cơ cấu vốn, khi có được nguồn vốn và sử dụng vốn đúng cơ cấu, cụ thể theo hướng tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ hiện đại và tự động hoá để nâng cao năng suất lao động, giảm sức lao động của con người mà thay vào bằng yếu tố máy móc. Yếu tố này thể hiện việc đầu tư vốn vào những lĩnh vực có năng suất cao, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế.

  • Thay đổi cơ cấu kinh tế:

Cơ cấu kinh tế là yếu tố quyết định đến việc phân bổ các nguồn lực phát triển kinh tế giữa các ngành và thành phần kinh tế của đất nước, việc phân bổ các nguồn lực kinh tế kéo theo việc phân bổ nguồn lực lao động, các nguồn lực sẽ được phân bổ nhiều hơn cho các ngành hoặc thành phần kinh tế có năng suất cao hơn, từ đó đóng góp vào việc tăng năng suất nhân tố tổng hợp.

  • Áp dụng tiến bộ kỹ thuật:

Với các nguồn vốn đầu tư và cơ cấu kinh tế được phân bổ các nguồn lực thì việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật sẽ là đòn bẩy với vai trò thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đổi mới; nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; công nghệ quản lý tiên tiến ( hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến…). Yếu tố này bao hàm các hoạt động như đổi mới, nghiên cứu phát triển, thái độ làm việc tích cực, hệ thống quản lý, hệ thống tổ chức… tác động làm nâng cao năng suất.

Trong 5 yếu tố chính đóng góp vào tăng năng suất nhân tố tổng hợp như đã nêu trên, 03 yếu tố được xác định là thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến các tổ chức, doanh nghiệp, đó là: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật; Chất lượng lao động và Thay đổi cơ cấu vốn do việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật là yếu tố cơ bản nhất tác động trực tiếp đến năng suất lao động cũng như việc thay đổi cơ cấu vốn sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao được chất lượng lao động, nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp.

Qua bài viết này, rất hy vọng bạn đã có cho mình thêm những kiến thức phục vụ cho doanh nghiệp của mình.

Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank