5 SAI LẦM TÀI CHÍNH TIỀN MẤT TẬT MANG, ÔM HẬN VỀ SAU
1. Không dự trù ngân sách chi tiêu hàng tháng
Khi không lên kế hoạch cho ngân sách chi tiêu, chúng ta dễ mắc phải sai lầm phổ biến về tiền bạc: sống vượt khả năng của mình. Tất cả chúng ta đều không thể duy trì một lối sống phung phí tiền bạc , vượt quá khả năng được. Việc cố gắng chạy đua cho nhu cầu chi nhiều hơn kiếm sẽ khiến bạn thường xuyên gặp rắc rối về tiền bạc, nợ nần và sụp đổ tài chính.
Hãy luôn đảm bảo rằng bạn có ngân sách hàng tháng và bám sát ngân sách đó để biết những đồng tiền của mình đang chảy về đâu còn kịp thời điều chỉnh khi cần.
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể áp dụng nguyên tắc quản lý tài chính theo quy tắc 50 - 20 - 30, tức là chúng ta sẽ chia nhỏ thu nhập thành 3 phần chính với tỷ lệ phần trăm tương ứng là 50%, 20%, 30%. Cụ thể tương ứng với các mục như sau:
- 50% dành cho chi tiêu thiết yếu: Tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, hóa đơn…
Ngay sau khi nhận lương, hãy để riêng 50% cho các chi tiêu thiết yếu của bạn.Chi phí thiết yếu là những khoản bạn bắt buộc phải bỏ ra hàng tháng bất kể bạn ở đâu, làm gì… Các chi phí này có thể là chi phí thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, chi phí đi lại, xăng dầu, các hóa đơn tiện ích như điện, nước, internet…
Tất nhiên, bỏ ra 50% không có nghĩa bạn cần phải dùng hết 50% cho chi tiêu thiết yếu. Hãy chi thế nào để tổng chi phí thiết yếu không vượt quá 50% mà bạn đã bỏ ra. Tuy nhiên nếu chi tiêu thiết yếu đang lớn hơn 50% lương của bạn, hãy chủ động giảm thiểu một cách hợp lý như dùng phương tiện công cộng thay vì cá nhân; ăn ở nhà thay vì ăn ngoài…
Nếu vẫn không giảm xuống dưới 50% thì bạn buộc phải giảm ở các mục tiếp theo (thường nên giảm ở phần 30% cho chi tiêu cá nhân).
- 20% dành cho mục tiêu tài chính như: Tiết kiệm, quỹ dự phòng, trả nợ…
Sau khi đã dành 50% cho chi tiêu thiết yếu, tiếp theo…bạn hãy để ra 20% dành riêng cho các mục tiêu tài chính bao gồm tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư.
Phần 20% này khá quan trọng đối với khoảng thời gian sau này của bạn. Bạn tiết kiệm được càng nhiều bao nhiêu thì sau này về hưu sẽ càng an nhàn bấy nhiêu. Trả nợ sớm cũng sẽ giúp bạn sớm giảm nhẹ gánh nặng tài chính hơn. Chưa kể, bạn còn có thể kiếm thêm tiền từ các khoản đầu tư chứng khoán, nhà đất…
- 30% dành cho chi tiêu cá nhân: Mua sắm, giải trí, du lịch…
Hãy chú ý kiểm soát đối với phần chi tiêu này. Vì bạn rất dễ chi tiêu quá đà cho sở thích của bản thân. Cho nên hãy luôn đảm bảo mức chi tiêu của mình dưới 30% lương. Con số càng nhỏ thì tương lai tài chính của bạn càng được đảm bảo trong tương lai.
Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh con số này sao cho phù hợp với tình hình tài chính và hoàn cảnh hiện tại. Lưu ý rằng, nếu các khoản chi tiêu thiết yếu của bạn lớn hơn 50%, hãy tìm cách cắt giảm chi phí hoặc tăng thêm nguồn thu nhập
Nếu khoản chi tiêu thiết yếu cần nhiều hơn, có thể tăng chúng lên 60 – 70%, đồng thời hãy giảm từ 10 đến 20% cho các khoản chi tiêu cá nhân để đảm bảo cân đối trong ngân sách chi tiêu.
2. Ngó lơ chuyện kiếm tiền khi rảnh rỗi
Đa phần chúng ta đều hài lòng với việc chỉ có một công việc và một nguồn thu nhập duy nhất. Bởi lẽ rất nhiều người cho rằng việc đi làm thôi đã đủ mệt mỏi rồi, thời gian rảnh nên dành cho nghỉ ngơi, vui chơi.
Song, tìm cách kiếm tiền trong thời gian rảnh rỗi là điều rất quan trọng và không chỉ đối với tài khoản ngân hàng của bạn. Nó còn giúp bạn mở mang thêm nhiều kỹ năng, có thêm trải nghiệm để nâng cao triển vọng nghề nghiệp của bạn sau này.
3. Không thương lượng mức lương
Nhiều người khi bắt đầu một công việc mới thường dễ dàng thỏa hiệp với mức lương được công ty đưa ra. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm phổ biến trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Thương lượng mức lương của bạn là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ công ty sẽ không thể nào thấu hiểu các nhu cầu chi tiêu của bạn. Chủ động đưa ra con số mong muốn sẽ góp phần đảm bảo bạn có đủ tiền để trang trải các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Mặt khác, nếu bạn bắt đầu với một con số thực sự thấp, bạn đang đánh giá thấp công việc của mình và khuyến khích sếp mới của bạn làm điều tương tự với những ứng viên khác.
4. Cho bạn bè vay tiền dù không đủ khả năng
Bởi vì tính cả nể, không biết từ chối một số người dù tài chính đang eo hẹp, bản thân nợ nần chồng chất vẫn cố gắng cho bạn bè vay mượn.
Cho bạn bè vay tiền trong khi bản thân còn khó khăn thực sự là điều không nên. Đầu tiên nó sẽ khiến bạn càng thêm túng thiếu, phải cắt giảm nhiều nhu cầu thiết yếu của bạn thân. Tiếp đến, điều đó sẽ khiến mỗi khi bạn thấy người đó chi tiêu thứ gì, bạn sẽ dễ chăm chăm nghĩ về bao giờ số tiền đó sẽ được trả lại cho mình và dễ rạn nứt mối quan hệ. Thế nên, nếu bạn vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống, hãy giữ chặt ví của mình.
5. Đặt mục tiêu tài chính không thực tế
Không có mục tiêu tài chính cũng giống như đá bóng mà không có gôn, bạn sẽ bị mất phương hướng và khó để kiểm soát, tích lũy tiền bạc.
Song, không phải mục tiêu tài chính nào cũng tốt.
Bạn muốn m.u.a nhà? Bạn muốn mở công ty riêng? Bạn muốn đi du lịch thế giới? Khi những ý tưởng này xuất hiện, bạn phải vạch ra một lộ trình rõ ràng với những mốc thời gian và tiền bạc thực tế. Cần bao lâu mới tiết kiệm đủ để đặt cọc nhà, số vốn mở công ty tương đương bao nhiêu tháng lương, đi du lịch từng ấy ngày cần chi bao nhiêu…? Nếu không có lộ trình thực tế, tất cả những mục tiêu kia đều trở nên xa vời, khó thực hiện và còn khiến bạn lãng phí thời gian, dễ nản lòng trong việc kiếm thêm thu nhập, tích lũy tài sản.
Nguồn: Pháp luật và bạn đọc