TỰ MÃN - CĂN BỆNH HỦY HOẠI CẢ MỘT ĐỜI NGƯỜI
-----------------------
Điều nguy hiểm nhất với doanh nhân là khi đã có chút thành công, khuynh hướng bốc đồng, làm nhanh, đánh mạnh, nghĩ mình dư tài năng để vươn cao, để “đi tắt đón đầu”. Đây là thời điểm đã chôn vùi rất nhiều nhân tài.
Cổ nhân Hy Lạp thường nói: “Khi Thượng Đế muốn hủy diệt một người nào, Ngài sẽ biến kẻ đó thành anh hùng trước đã”. Đó là lý do tại sao nhiều người sợ thành công hơn thất bại.
Ngày còn hoạt động tích cực tại Trung Quốc, tôi được các viện đại học Fudan (Phúc Đán) và Tongji (Đồng Tế) mời dạy lớp Nghệ thuật Kinh doanh (Entrepreneurship) cho sinh viên các lớp EMBA (Executive Master of Business Administration).
Câu hỏi thường xuyên được sinh viên đưa ra là các yếu tố nào giúp một doanh nghiệp thành công? Tôi suy ngẫm và ghi nhận năm đúc kết, được xếp theo thứ hạng.
1. Động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người:
Yếu tố này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của doanh nghiệp. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Khi khởi nghiệp thì ai cũng đầy ắp ý tưởng tốt, sáng tạo và đặc thù.
Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, doanh nhân phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, tình thế tuyệt vọng và nếu không còn động lực, việc bỏ cuộc đầu hàng sẽ là lựa chọn đầu tiên.
2. Thời gian và nỗ lực:
Thiên tài đầy tham vọng mà không chịu đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một người thất bại, khó tạo dựng được gì bền vững.
Tôi chưa thấy một doanh nhân thành công nào chỉ làm 40 giờ đồng hồ trong tuần. Công thức áp dụng cho họ là 24/7, vì một doanh nhân ngủ cũng mơ thấy công việc làm ăn.
3. Sức khỏe để đối phó với áp lực:
Những áp lực và lời khen tiếng chê từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ và ngay cả xã hội luôn đè nặng trên vai doanh nhân.
Nếu không có một thân thể khỏe mạnh để giữ tinh thần sáng suốt, bình tĩnh thì không thể làm tốt công việc quản trị. Khi một doanh nhân trẻ hỏi tôi cần làm gì trước, tôi khuyên nên đi kiểm tra sức khỏe.
Phải bảo đảm mọi nội tạng trong người, nhất là tim, gan, thận và huyết áp bình thường trước khi nhập cuộc. Và sau đó, phải thường xuyên tập luyện để giữ sức khỏe.
4. Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro:
Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể giết chết một đại công ty như Arthur Andersen, Lehman Brothers hay khiến nó trở nên suy yếu quằn quại như BP. Tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh quá cao.
Nếu một người giỏi về toán và thống kê thì họ sẽ không làm doanh nhân. Tôi nói đùa những doanh nhân là những người… dốt toán nhất và chỉ có thể vượt qua được đặc điểm này bằng sự lạc quan phi lý, lối xử lý liều lĩnh ngang ngược.
Chỉ nghĩ đến hình ảnh khi làm ăn thất bại, có thể sẽ mất tất cả, từ gia đình, bạn bè đến tài sản, tiếng tăm... cũng đủ khiến nhiều người bình thường phải chùn chân.
5. Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức:
Nếu chưa có những yếu tố này thì phải lo tạo dựng cho đầy đủ trước khi ra trận mạc. Kiến thức có thể thu thập nhanh chóng nếu chịu khó bỏ ra hai tháng, suốt ngày đọc các bài viết về ngành nghề mình chọn (Google là một nguồn thông tin không thể thiếu).
Sau đó, phải tạo dựng những mối quan hệ với bất cứ cá nhân nào có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực kinh doanh mình theo đuổi. Những nhân vật này có thể truyền lại những kinh nghiệm quan trọng mà mình thiếu sót.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, nhưng tôi không phải là… thầy bói nên không có ý kiến. Đó là sự may mắn. Khi đánh bạc thắng, các bạn tôi hay đùa là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, còn nhiều người tài năng kinh nghiệm bị thất bại thì an ủi mình bằng câu “số mình chỉ phát sau 60 tuổi”. Có lẽ mỗi doanh nhân nên lấy lá số tử vi trước khi kinh doanh?
Thực sự, không hiếm các doanh nghiệp Trung Quốc, lớn hay nhỏ, thường nhờ đến các pháp sư phong thủy khi làm ăn và nhà máy hay văn phòng họ cũng đều có bàn thờ “thần tài”.
Điện thoại, biển số xe, số nhà… đều phải có số 6 hoặc số 8.
Khát khao thành công là một động lực cần thiết nhưng cũng lắm doanh nhân quên đi những rủi ro tiềm ẩn trong mọi vấn đề. Có nhiều cách để giảm thiểu tỷ lệ này, tương đối thôi, vì thực trạng làm ăn lúc nào cũng phức tạp.
Khi khởi nghiệp, nếu cẩn thận, nên mua lại một công ty đang hoạt động, có doanh thu và lợi nhuận, đo lường được từ những kiểm tra số liệu (chỉ áp dụng tại Mỹ, không thể tin vào tài liệu do Trung Quốc cung cấp). Một dạng kinh doanh khá phổ biến tại Mỹ là hợp đồng nhượng quyền (franchise).
Nếu tìm được một franchisor có uy tín, kinh nghiệm, thương hiệu và ngành nghề mình thích, doanh nhân sẽ giảm thiểu tỷ lệ rủi ro vì sự hỗ trợ về quản trị, tài chính, phương cách làm ăn (know-how) và nhiều yếu tố thành công khác.
Một mô hình làm ăn khác là tìm những đối tác hay những nhà tư vấn kinh nghiệm, đã thành công trong ngành nghề và cho họ một tỷ lệ cổ phần để họ giúp vượt qua những khó khăn lúc ban đầu. Tuy vậy, phải luôn luôn nhớ rằng, tiền của mình thì mình phải lo gìn giữ và tính toán. Ngoại trừ sự may mắn, không một ai có thể giúp mình, kể cả vợ con.
Một cá tính khác là doanh nhân thường lạc quan, do đó, các dự toán về kinh phí hay doanh thu, lợi nhuận của họ thường bị lệch lạc, hoang tưởng. Tôi có một “luật riêng” (rule of thumb) là chi phí thực sự luôn gấp đôi số tiền mình dự trù và thời gian thực hiện mọi tiến trình luôn phải nhân lên gấp ba. Tính lạc quan cũng khiến doanh nhân đánh giá quá cao về khả năng của mình, cũng như đánh giá quá thấp khả năng của đối thủ. Giống như trên chiến trận, doanh nhân “phải biết mình biết ta thì mới trăm trận trăm thắng”.
Như đã nói, điều nguy hiểm nhất với doanh nhân là khi đã có chút thành công, khuynh hướng bốc đồng, làm nhanh, đánh mạnh, nghĩ mình dư tài năng để vươn cao, để “đi tắt đón đầu”.
Đây là thời điểm đã chôn vùi rất nhiều nhân tài. Cổ nhân Hy Lạp thường nói: “Khi Thượng Đế muốn hủy diệt một người nào, Ngài sẽ biến kẻ đó thành anh hùng trước đã”. Đó là lý do tại sao nhiều người sợ thành công hơn thất bại.
Chuyện về kinh doanh thì như huyền thoại “nghìn lẻ một đêm”. Chúng là những hồi ức, kinh nghiệm và xương máu, luôn luôn thú vị khi nhìn lại, luôn luôn đắng cay khi trải nghiệm. Chặng đường kinh doanh của tôi không ngờ là đã trải qua hơn 42 năm rồi. Những biến cố thăng trầm ấy là những tiến trình cần thiết cho sự trưởng thành.
Oái oăm hơn cả là khi mình biết cách chơi để thắng thì trọng tài lại thổi còi kết thúc trận đấu. Nhưng trên hết, trong lòng tôi, chỉ có sự cảm tạ về một định mệnh đã đẩy tôi vào hành trình kinh doanh kỳ thú này.
Bao nhiêu tiền bạc hay tài sản cũng không dễ mua nổi những phiêu lưu đầy sóng gió, những thành công hay thất bại tạm thời và những chân trời mới để khám phá. Có lẽ vì kinh doanh là một trải nghiệm “thực” nhất trên chốn… giang hồ.
___________
Trích từ sách 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc (thuộc Bộ sách Di sản Alan Phan)