ĐỌC THỦY HỬ: 4 ĐIỀU ĐẠI KỴ AI CŨNG NÊN TRÁNH: SỢ, VỘI, NGẠO, GIẢO
--(01)--
Đại kị đầu tiên: Sợ
Có người nói: "Trên ngựa Lâm Xung, xuống ngựa Võ Tòng".
Trong "Thủy Hử", Lâm Xung được xem là "một trong ngũ hổ tướng Lương Sơn", bất kể là danh tiếng hay võ nghệ, đều danh bất hư truyền. Nhưng Lâm Xung chỉ giỏi võ nghệ còn đồng thời lại sống như một tên vô dụng.
Khi biết tin vợ bị người ta chọc ghẹo, Lâm Xung tức giận, khí thế đùng đùng chạy tới "hiện trường vụ án" hòng xử lý đối phương.
Vốn dĩ muốn cho đối phương một bài học, nhưng khi biết đó là Cao Nha Nội liền thả lỏng nắm đấm, đến lời mắng chửi cũng không nói được ra, cuối cùng chỉ có thể nhẫn nhịn nuốt cục tức vào trong đưa vợ rời đi.
Lâm Xung tuy gan nhỏ sợ việc nhưng bạn tốt là Lỗ Trí Thâm lại là một người không sợ trời không sợ đất.
Nghe nói sau khi biết sự việc, Lỗ Trí Thâm đã chạy đi giáo huấn cho Cao Nha Nội một bài.
Nhưng Lâm Xung ngược lại lại đi can ngăn Lỗ Trí Thâm, bị người ta ức hiếp tới nhục nhã như vậy, nhưng thứ Lâm Xung để ý tới vẫn chỉ là thể diện của cấp trên, Lâm Xung có thể nói, là chỉ biết sợ.
Cần phải biết, nhẫn nhịn cũng cần có giới hạn, nếu bạn cứ chỉ biết nhường nhịn, vậy sẽ chỉ tạo ra cơ hội cho đối phương đục nước béo cò mà thôi.
Lâm Xung cứ nhẫn nhịn hết lần này tới lần khác, nhường một bước rồi nhường vạn bước, cuối cùng vẫn lâm vào kết cục bị vu oan, hủy hoại cả một cuộc đời, khổ cả mình cả vợ cả người thân.
Lâm Xung cả đời ép dạ cầu toàn, nhân nhượng vì đại cục, điều này khiến chí khí anh hùng giảm bớt đi phần nào, tuy là một "thiên hùng tinh", nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cả đời lại bị chữ "sợ" trói buộc.
Tiểu thuyết gia Charles Dickens từng nói:
"Trong suốt cuộc đời của mình, tất cả sự hèn nhát và đáng khinh bỉ nhất của chúng ta đều được thể hiện ra trước những người coi thường chúng ta nhất."
Ai cũng muốn làm Võ Tòng, nhưng kết quả lại đều trở thành Lâm Xung.
Tuy thân an nhất thời, nhưng tâm lại loạn cả đời.
Đôi khi, lúc cần ra tay hãy ra tay, thay vì chấp nhận sự khảo tra của tâm hồn, chi bằng hãy chủ động cầm roi lên.
--(02)--
Đại kị thứ hai: Vội
Lý Quỳ, biệt danh giang hồ là "Hắc toàn phong".
Toàn phong là lốc xoáy, lốc một khi nổi lên sẽ không phân đông nam tây bắc, rất giống với tính cách có phần lỗ mãng và bốc đồng của Lý Quỳ.
Lý Quỳ khi mới gặp Tống Giang, Tống Giang muốn ăn canh cá, thế là Lý Quỳ tức tốc đi ra bờ sông mua cá.
Vì nóng nảy tìm cá tươi mà Lý Quỳ gây sự và đánh những người câu cá lẫn những người bạn hàng chài quanh bờ sông, rồi từ đó dẫn tới một loạt các chuyện không đâu.
Tống Giang là người thận trọng từ tốn, còn Lý Quỳ, tuy là anh em tốt nhất của Tống đại ca nhưng lại không học được chút nhẫn nại nào từ người anh này.
Có một lần, Lý Quỳ phụng mệnh đi thu thập lương thảo.
Tình cờ nghe ngóng người ta bàn tán rằng Tống Giang cướp con gái nhà người ta, Lý Quỳ xông lên phía trước hỏi trông Tống Giang ra sao.
Người ta nói: "Tống Giang này khoảng 40, da ngăm ngăm, không quá cao…"
Còn chưa đợi người ta nói hết, Lý Quỳ đã tự mình kết án, phẫn nộ nói: "Không cần nói nữa, đúng rồi, chính là hắn ta."
Vậy là, nhanh nhanh chóng chóng quay về Lương Sơn, không phân rõ trắng đen liền xông vào mắng Tống Giang một trận, còn phỉ báng vào câu khẩu hiện "thay trời hành đạo" của Lương Sơn.
Sau này, Lý Quỳ mới biết, thực ra có người mạo danh Tống Giang làm chuyện xấu xa.
Lỗ Tấn từng nói rằng bản thân ghét nhất kiểu người lỗ mãng như Trương Phi, Lý Quỳ, họ không bao giờ tìm hiểu ngọn ngành, trắng đen, chỉ biết cầm rìu đánh lung tung.
Trí tuệ đời người tiềm ẩn trong sự bình tĩnh và ôn hòa, còn họa đời người lại tiềm ẩn trong sự nóng vội và lỗ mãng.
Một người, chỉ khi bình tĩnh, mới có thể trông thấy được chân tướng, mới có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý.
Nếu chỉ biết dùng tư duy nóng nảy và lộn xộn của mình đi làm việc, vậy thì sẽ chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Sống ở đời, suy cho cùng cũng chỉ cần: tâm không bốc đồng, làm việc không nóng vội.
--(03)--
Đại kị thứ 3: Ngạo
Lư Tuấn Nghĩa là một nhân vật khá nổi bật trong "Thủy Hử", số lần xuất trận tuy không nhiều, nhưng lại để lại ấn tượng sâu sắc cho người khác.
Trước khi lên Lương Sơn, ông hùng cứ một phương, được mệnh danh là Hà Bắc tam tuyệt, thương pháp thiên hạ vô địch.
Sau khi lên Lương Sơn, ông bắt sống Sử Văn Cung, ngay lập tức ngồi vào chiếc ghế cao thứ hai của Lương Sơn Bạc.
Một Lư Tuấn Nghĩa truyền kì như vậy, nhưng trong mắt của Kim Thánh Hán (một nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là "Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc"), ông cũng chỉ là một kẻ "ngai khí thập túc" (vô cùng ngu ngốc).
"Trông thì tưởng là nhân vật tầm cỡ, nhưng suy cho cùng thì cũng chẳng anh tài là bao."
Kim Thánh Hán sở dĩ không vừa mắt Lư Tuấn Nghĩa, phần lớn nguyên nhân là bởi Lưu Tuấn Nghĩa là người cao ngạo.
Vốn dĩ là một đại gia, thương bổng vô song, cuộc sống đầy đủ, vì bị Ngô Dụng dùng kế, cuối cùng nhà nát cửa tan, rơi vào con đường làm giặc cỏ.
Tống Giang vì muốn lừa Lư Tuấn Nghĩa lên Lương Sơn mà có thể nói là đã hao tổn không ít tâm huyết.
Tống Giang để Ngô Dụng giả làm thầy bói, tới nhà của Lư Tuấn Nghĩa, nói ông sẽ gặp họa bị giết và bảo lên Thái An, Sơn Đông lánh nạn.
Lư Tuấn Nghĩa cho đây là thật, liền ngay lập tức thu dọn đồ đạc rời đi.
Muốn đến được Thái An thì sẽ bắt buộc phải đi qua Lương Sơn, thân cận của Lư Tuấn Nghĩa là Yến Thanh cảm thấy chuyện này có phần kì lạ, khuyên Lư Tuấn Nghĩa đừng tùy tiện, đề phòng người Lương Sơn chặn đường cướp giật.
Nhưng Lư Tuấn Nghĩa trước giờ luôn cho mình là đúng, cao ngạo, nào có để ai vào trong mắt.
Những hảo hán Lương Sơn vang danh thiên hạ, trong mắt ông chẳng qua cũng chỉ là mấy tên giặc cỏ không hơn không kém.
Lư Tuấn Nghĩa đem theo quan điểm này mà xuất phát, kết quả bị trúng kế của Lương Sơn, sau đó, có nhà cũng khó về, cuối cùng cũng vẫn chỉ đành nhập hội.
Trong cuốn "Lễ kí" có viết: "Quân tử bất tự đại kì sự, bất tự thượng kì công".
Cuộc đời có huy hoàng tới đâu cũng đều sẽ bị sự tự phụ đánh bại; chiến công có chói lòa tới đâu, cũng sẽ bị kiêu ngạo hủy hoại.
Làm người, phải lý trí đối mặt với cả ưu và khuyết điểm của mình.
Đối mặt với khó khăn và trắc trở, không mất đi niềm tin; đối mặt với huy hoàng và thành tựu, cũng không được quên đi mình của những năm tháng vất vả phấn đấu khi xưa.
Người phóng túng, không lấy một người thành công, người tự đại ắt sẽ rước họa vào thân, Lư Tuấn Nghĩa chính là ví dụ điển hình cho điều này.
--(04)--
Đại kị thứ 4: Giảo
Có người nói, Ngô Dụng chính là "Gia Cát Lượng" của Lương Sơn.
Thực ra không phải như vậy, mưu của Ngô Dụng phần lớn đều là mấy vở kịch tổn người lợi ta, còn xa mới tới được với cái danh hiệu "Trí đa tinh".
Ngô Dụng sở dĩ có thể ngồi vào chiếc ghế thứ 3, hoàn toàn không phải vì mưu trí của ông cao cường ra sao, mà chỉ bởi ông là một kẻ chủ nghĩa lợi mình giảo hoạt.
Trước khi Tống Giang ngồi vào chiếc ghế đầu tiên, Tiều Cái mới là lão đại của Lương Sơn, nhưng không lâu sau khi Tống Giang lên Lương Sơn, Ngô Dụng đã quay sang đầu quân cho Tống Giang.
Giữa Tiều Cái và Tống Giang, Ngô Dụng lựa chọn Tống Giang, bởi lẽ Ngô Dụng biết rằng mục đích của Tiều Cái là quản lý cho tốt cái trại này, còn mục đích của Tống Giang là chiêu an.
Tự mình khởi nghiệp mở công ty là rất tốt, nhưng một người xuất thân từ "văn nhân" như Ngô Dụng lại muốn một "doanh nghiệp nhà nước" ổn định và có thể diện hơn.
Như vậy, Tống Giang hiển nhiên là lựa chọn tốt hơn so với Tiều Cái.
Khi ai nấy đều có ý tạo phản nhưng lại chưa được Tống Giang cho phép, mọi người đã kéo nhau tới hỏi quân sư Ngô Dụng, thương lượng chuyện lật đổ triều đình.
Lúc này, trông thấy quần chúng có phần kích động, Ngô Dụng giảo hoạt nói:
"Tự cổ rắn không đầu thì làm sao mà được, Dụng tôi nào dám làm chủ? Chuyện này nhất định phải để ca ca quyết rồi mới tiến hành được."
Thời khắc mấu chốt, Ngô Dụng lại lấy Tống Giang ra làm bình phong, vừa giải quyết được vấn đề, vừa không đắc tội với ai, có thể nói, quân sư Ngô Dụng là một người vô cùng giảo hoạt.
Sự giảo hoạt đem lại cho Ngô Dụng địa vị và quyền lực, nhưng Ngô Dụng cũng vì vậy mà mất đi cuộc sống của chính mình.
Cuộc đời của Ngô Dụng lúc nào cũng chỉ xoay quanh Tống Giang, sau khi Tống Giang trúng độc chết, sinh mệnh của Ngô Dụng cũng mất đi trung tâm.
Có lẽ, thắt cổ tự vẫn là cái kết tốt đẹp nhất đối với Ngô Dụng.
Một tác giả người Anh từng nói rằng: "Một người không có nguyên tắc và ý chí, giống như con thuyền không có bánh lái và la bàn, nó sẽ thay đổi phương hướng của mình theo chiều gió."
Trong lòng của mỗi người đều sẽ có một cây gậy như ý, nó giúp giữ vững quan điểm và bảo vệ cái tôi của bản thân, đừng bao giờ để cây gậy ấy bị lung lay một cách dễ dàng.
Kinh nghiệm của rất nhiều người đi trước đều nói với chúng ta một điều rằng: con người, thắng ở nhân phẩm, thua ở tính toán.
Làm một người tốt, với một trái tim chân thành, luôn lớn hơn bất cứ điều gì.
#quantriexcel
#kynangmoi
Theo báo dân sinh