BÍ KÍP "KINH DOANH GÌ THÀNH CÔNG ẤY" GÓI GỌN TRONG 6 MƯU KẾ CỦA TÔN TỬ
(Ngàn đời không đổi)
Là vị quân sư bậc thầy của nhà Ngô, Tôn Tử phụ trách kỷ luật quân đội và hỗ trợ tướng Ngũ Tử Tư trong việc đưa ra quốc sách nhằm bành trướng lãnh thổ, rất am hiểu cách dùng chiến lược để đánh bại đối thủ lớn và giàu mạnh. Vì thế, những lời khuyên từ 2500 trước của bậc hiền triết này rất thích hợp cho lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ đang phải cạnh tranh với đối thủ nặng ký hơn. Nó cũng phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ muốn tìm các thị trường đầy cạnh tranh gồm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.
Hãy xem qua 6 binh pháp Tôn Tử sau đây - trích từ cuốn sách "Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh" của Becky Sheet Runkle - để tìm ra chiến thuật đưa doanh nghiệp của bạn vào vị thế thuận lợi trên thị trường.
1. Chiến thắng mà không cần chiến đấu
"Cố thiện dụng binh giả, khuất nhân chi binh nhi phi chiến dã, bạt nhân chi thành nhi phi công dã, hủy nhân chi quốc nhi phi cửu dã". Dịch ý: "Người giỏi dùng binh không đánh mà vẫn khuất phục được địch quân, vẫn hạ được thành lũy của đối phương, phá được đất nước đối phương mà không cần tham chiến lâu dài".
Trong bối cảnh chiến tranh, câu nói trên chỉ ra thứ tự ưu tiên là dùng mưu thắng địch và phá vỡ liên minh của địch quân cao hơn việc điều động binh sĩ trực tiếp tham chiến.
Áp dụng nguyên lý này vào thương trường, Becky gợi ý: "Bạn có thể âm thầm hành động mà không thu hút sự chú ý của đối thủ cùng ngành cho tới thời điểm thích hợp để mua lại đối thủ, tuyển dụng những nhân viên hàng đầu của họ, lôi cuốn hoặc phát triển mối quan hệ độc quyền với các nhà cung cấp tốt nhất của đối phương, và liên minh với những doanh nghiệp nhỏ khác, cũng như những biện pháp khác".
"Tôn Tử khuyên chúng ta đừng bao giờ phải viện tới chiến đấu trừ khi thực sự cần thiết, và đừng bao giờ tấn công bằng cách dùng lực đối lực", Becky cho hay.
2. Tránh chỗ mạnh và đánh chỗ yếu
Nguyên lý này nên là câu thần chú cho mọi doanh nghiệp nhỏ muốn giành thắng lợi. Tôn Tử đã nói điều này một cách súc tích như sau: "Binh chi hình, tị thực nhi kích hư". Tức: "Trong chiến tranh, thắng lợi là nhờ tránh chỗ cứng, chỗ thực của địch mà đánh vào chỗ mềm, chỗ hư của địch".
Chẳng hạn, khi đối đầu với ông lớn trong ngành công nghệp cho thuê video Blockbuster, Netflix đã chọn tấn công vào khả năng thích ứng chậm chạp của gã khổng lồ này, chứ không cố gắng mở cửa hàng để cạnh tranh với Blockbuster trong việc cho thuê video. Hay hãng bia Samuel Adams đã không hề nỗ lực cạnh tranh với hai gã khổng lồ trong ngành bia là Anheuser-Busch InBev và MillerCoors, thay vào đó, họ cạnh tranh với những xưởng bia thủ công khác.
"Những doanh nghiệp ở thị trường ngách này đã tiến quân đến nơi không có hoặc không bị địch thủ tấn công, hay nói cách khác là họ đang khai thác nhược điểm của đối phương", Becky diễn giải trong "Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh".
3. Khiêu khích để xem đối thủ sẽ làm gì
"Cố sách chi nhi tri đắc thất chi kế, tác chi nhi tri động tĩnh chi lý, hình chi nhi tri tử sinh chi địa, giác chi nhi tri hữu dư bất túc chi xứ". Dịch ý: "Phải lập mưu tính kế, phân tích động tĩnh của địch; đánh động để nắm được quy luật hoạt động của địch, khiêu khích để buộc đối thủ tiết lộ nhược điểm của họ".
Trong võ thuật hoặc trong các môn thể thao mang tính chiến đấu như quyền Anh và đô vật, các đấu sĩ có thể tung một số động tác giả, gọi là "đòn nhử" để phán đoán hành động của địch thủ. Bằng động tác nghi binh, họ có thể biết được rằng đối thủ sẽ gạt tay để cản phá cú đấm hay đứng cứng nhắc và bất động khi khóa đòn. Khi hiểu được cách phản ứng của đối thủ trước những đòn thăm dò, bạn có thể giành lợi thế tối đa trong những trận đánh tương lai.
Tương tự trong kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ hãy biết thăm dò đối phương bằng những động tác giả để đánh giá thực lực và cách phản ứng của họ.
4. Hành động thần tốc
"Binh chi tình chủ tốc". Dịch ý: "Dụng binh quý ở chỗ thần tốc".
Tốc độ là vấn đề cơ bản và thiết yếu trên chiến trường lẫn thương trường. Yếu tố này thậm chí càng cấp bách hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và là lợi thế dễ dàng tận dụng. Bên cạnh đó, sự nhanh nhạy là một trong những lợi thế lớn (và hiếm hoi) của doanh nghiệp nhỏ so với những đối thủ lớn hơn.
"Với nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp nhỏ phải có những bước đi chính xác khi tung đòn tấn công và khi hành động. Di chuyển nhanh chóng có thể cho phép bạn tiến tới vị trí đắc địa hơn đối thủ cạnh tranh của mình", Becky nói trong.
5. Đúng thời điểm
Tôn Tử nói: "Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý", nghĩa là "Tấn công nơi địch không phòng bị, tiến công nơi địch ít ngờ đến nhất".
Hành động khi thị trường sẵn sàng là việc hệ trọng. Khi nói về vấn đề khởi sự, phân tích viên của Business Insider Intelligence, Pascal-Emmanuel Gobry đã mượn câu châm ngôn xưa: "Hành động quá sớm đồng nghĩa với hành động sai lầm".
Bạn có thể nhớ lại về công cụ tìm kiếm Ask Jeeves (ngày nay, công cụ này vẫn tồn tại với tên gọi là Ask.com). Trước khi Google bước chân vào lĩnh vực này, Ask Jeeves từng là một trong những nguồn thông tin trực tuyến tốt nhất khi con người bắt đầu tìm đến mạng Internet để tìm kiếm thông tin.
Ask Jeeves ra đời vào năm 1998 và có hơn một trăm biên tập viên để giám sát những lần tìm kiếm thông tin của mọi người, sau đó chọn ra những trang web mà họ nghĩ là phù hợp nhất cho các truy vấn này. Khái niệm đó hoàn toàn chính xác, nhưng công nghệ thì không. Dù Ask Jeeves đi tiên phong với khái niệm công cụ tìm kiếm, nhưng thiếu sót về công nghệ và những vấn đề trong cơ cấu tổ chức, tình trạng càng tệ hơn do các đối thủ cạnh tranh như Google (công cụ tìm kiếm ngôn ngữ tự nhiên) đã báo hiệu cho sự chấm hết của một khởi đầu thành công.
"Chỉ riêng bạn sẵn sàng thì vẫn chưa đủ, mà thị trường cũng phải sẵn sàng nữa", Becky Sheet Runkle nhận định.
6. Hãy chủ động
Lời khuyên cuối cùng của Tôn Tử, có thể hiểu là "không ngồi yên một chỗ". Bạn sẽ mạnh mẽ trong lúc tấn công chứ không phải khi phòng thủ. Nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp thành công đều hiểu rằng họ không thể kỳ vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh nếu chỉ chọn cách cố thủ. Không có công ty nào thành công chỉ bằng chiến lược phòng thủ dài hạn thuần túy.
Như Tôn Tử nói: "Thiểu tắc năng đào chi, bất nhược tắc năng tị chi. Cố tiểu địch chi kiên, đại địch chi cầm dã". Tức: "Nếu quân số ít hơn, hãy có năng lực tự vệ. Nếu xét trên mọi phương diện đều bất lợi thì tránh giao tranh với địch. Vì lý do đó, cuối cùng thì đội quân yếu kém sẽ có thể bị bắt giữ nếu chỉ đơn thuần bám đất và phòng thủ trong tuyệt vọng".