ỨNG DỤNG TÂM LÝ CON NGƯỜI TRONG KINH DOANH - CÁCH NHANH NHẤT ĐỂ KHIẾN KHÁCH HÀNG XUỐNG TIỀN!
I. Đặc điểm tâm lý khách hàng thường gặp
1. Quan tâm đến chi tiết
Đặc điểm: Các khách hàng quan tâm đến chi tiết sản phẩm thường biết rất nhiều thông tin và đã nghiên cứu rất kỹ về sản phẩm, dịch vụ của bạn cũng như của đối thủ cạnh tranh. Họ thường quan tâm đến các con số đo lường, biểu đồ dữ liệu của sản phẩm hơn là việc tạo mối quan hệ với bạn. Vì vậy, đối với những khách hàng quan tâm đến chi tiết, họ chỉ muốn có được đầy đủ các thông tin từ bạn và họ rất dễ bỏ đi nếu bạn hỏi quá nhiều về nhu cầu của họ thay vì cung cấp thông tin sản phẩm.
Cách nắm bắt tâm lý: Nhiệt tình giới thiệu chi tiết về tính năng sản phẩm. Bạn hãy đánh vào tâm lý tìm kiếm thông tin sản phẩm của những khách hàng này bằng cách nhiệt tình giới thiệu sản phẩm một cách sinh động, thuyết phục khách hàng bằng các tính năng, đặc điểm vượt trội của sản phẩm mà bạn đang cung cấp so với đối thủ cạnh tranh. Đồng thời hạn chế việc hỏi về nhu cầu khách hàng bởi với các khách hàng quan tâm đến chi tiết, họ không thích bị dò hỏi quá nhiều.
2. Quan tâm đến bảo hành
Đặc điểm: Điều quan trọng nhất đối với một số khách hàng đó là chính sách hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng và các chế độ bảo hành của sản phẩm. Họ quan tâm đến sự bảo đảm cho sản phẩm, dịch vụ họ đã mua sẽ không gặp phải bất cứ lỗi, hỏng hay trục trặc gì trong quá trình sử dụng. Những khách hàng quan tâm đến bảo hành sản phẩm thường quan niệm rằng “sản phẩm có chất lượng càng tốt thì thời gian bảo hành của sản phẩm càng dài”. Vì vậy, thời gian bảo hành và chất lượng dịch chăm sóc khách hàng là một trong những yếu tố tâm lý của khách hàng ảnh hưởng đến quá trình mua sản phẩm.
Cách nắm bắt tâm lý: Hãy làm nổi bật chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn
Nhiệm vụ của các nhà kinh doanh, salesman lúc này là đưa ra các chính sách bảo hành phù hợp, nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình. Nắm bắt tâm lý khách hàng bằng cách tập trung vào việc làm nổi bật các ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ về bảo hành, dịch vụ hậu mãi hay tốc độ phản hồi.
3. Dễ mất kiên nhẫn
Đặc điểm: Nhóm khách hàng này thường có các hành động mua hàng nhanh gọn, muốn kết thúc giao dịch nhanh chóng và dễ mất kiên nhẫn khi trả lời các câu hỏi của bạn. Các khách hàng dễ mất kiên nhẫn chú trọng vào hiệu suất làm việc, vì vậy nếu bạn mất quá nhiều thời gian cho việc tư vấn, hoàn thành giao dịch, hợp đồng thì họ sẽ cho rằng bạn là người thiếu tự tin, lề mề và đang làm mất thời gian của họ. Đặc biệt là trong các giao dịch tài chính, bảo hiểm, bạn thường hay phải làm việc với nhóm khách hàng này.
Cách nắm bắt tâm lý: Nhanh chóng hoàn thành giao dịch. Nếu nhận thấy khách hàng mất kiên nhẫn trong khi bạn đặt câu hỏi thì đây là lúc bạn cần phải rút ngắn thời gian giao dịch. Việc hoàn thành nhanh chóng đặc biệt hiệu quả đối với nhóm khách hàng này.
4. Không biết mình cần gì
Đặc điểm: Nhiều khách hàng khi đến với cửa hàng, công ty của bạn mua hàng nhưng lại không biết chính xác mình cần tìm mua những gì. Nhóm khách hàng này thường rơi vào lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Những khách hàng tiềm năng này không biết rõ về tính năng, đặc điểm của sản phẩm, thường bị choáng ngợp, hoang mang trước nhiều sản phẩm cùng tính năng.
Cách nắm bắt tâm lý: Trở thành người tư vấn tận tâm. Những khách hàng tiềm năng này cần được hướng dẫn nhiều hơn, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến công nghệ và các sản phẩm, dịch vụ khác mà họ không thông thạo. Vì vậy, để giao dịch mua bán thành công, trước tiên bạn phải đóng vai trò là người tư vấn để đưa ra các gợi ý phù hợp nhất với nhóm khách hàng tiềm năng này. Đồng thời, ngoài việc tập trung vào sản phẩm, dịch vụ các nhà kinh doanh cần chú trọng vào việc tư vấn và phát triển nền tảng dịch vụ cho khách hàng.
5. Chú trọng vào các mối quan hệ.
Đặc điểm: Với tâm lý thích mua hàng của người quen, muốn thiết lập mối quan hệ dài lâu giữa người mua và người bán, nhóm khách hàng này không chỉ quan tâm đến giao dịch hiện tại mà còn chú trọng vào cách thức thể hiện sự quan tâm của đối tác. Những khách hàng này muốn xem người bán có đáng tin tưởng, tận tâm và nhiệt tình với mình hay không, từ đó quyết định xem các giao dịch sau này có được thiết lập hay không đồng thời đánh giá cho việc hợp tác lâu dài sau này giữa 2 bên.
Cách nắm bắt tâm lý: Nhanh chóng thiết lập mối quan hệ cá nhân với họ. Việc xây dựng mối quan hệ cũng rất quan trọng và có lợi cho bạn trong những giao dịch trong tương lai. Để có thể nhanh chóng thiết lập mối quan hệ cá nhân với những khách hàng này, bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt và dành nhiều thời gian tìm hiểu từng khách hàng trước khi chốt giao dịch. Hãy đến gặp mặt khách hàng trực tiếp và tìm hiểu nhiều hơn những vấn đề cá nhân của họ như: Sở thích, các nhu cầu cá nhân cũng như tỏ ra quan tâm, đồng cảm về những gì họ chia sẻ thay vì chỉ tập trung vào việc làm thế nào để bán được sản phẩm.
6. Quan tâm đến danh tiếng
Đặc điểm: Không ít khách hàng lựa chọn hợp tác với người bán hàng dựa trên danh tiếng của họ. Khi đó, khách hàng sẽ tìm hiểu, đánh giá danh tiếng của bạn thông qua các khách hàng khác. Vì vậy, với danh tiếng của người bán hàng sẽ quyết định bạn có thể có được đơn hàng, hợp đồng hay không hay sẽ phá vỡ một số đơn hàng đang được thiết lập của bạn.
Cách nắm bắt tâm lý: Giới thiệu về những khách hàng VIP của mình. Điều đầu tiên mà các nhà kinh doanh, salesman khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ của mình cho các khách hàng, đối tác lớn cần làm là tạo ấn tượng về danh tiếng của bản thân bằng cách giới thiệu về các khách hàng VIP của mình để chứng minh sự uy tín và chất lượng và khả năng cung ứng sản phẩm. Việc sở hữu tập khách hàng nổi tiếng và uy tín ngày càng cần thiết đối với các nhà kinh doanh trong thị trường cạnh tranh hiện nay.
II. Nghệ thuật thấu hiểu tâm lý khách hàng
1. Đặt mình vào vị trí người mua
Điều đầu tiên mà các nhà kinh doanh, các nhân viên bán hàng cần làm trong việc tìm hiểu tâm lý khách hàng đó là đặt mình vào vị trí người mua. Nếu không đặt mình vào tình huống của người mua, bạn không thể biết được khách hàng nghĩ gì và cần gì. Hãy đóng vai người mua hàng, dùng thử và trải nghiệm thực tế các sản phẩm, dịch vụ mà công ty bạn đang cung cấp. Khi đó bạn mới có thể biết được khách hàng thật sự cần gì ở sản phẩm, dịch vụ của mình, có vấn đề gì bất cập khi sử dụng hay không. Đồng thời nhận ra được sự khác nhau và điểm hài lòng nào từ các sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Từ đó bạn có thể có được các phương án cải thiện sản phẩm, dịch vụ cũng như dự đoán được các bước đi tiếp theo của đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, bạn có thể tổ chức những chương trình thực tế trải nghiệm với mục đích hướng tới các khách hàng mục tiêu, nói chuyện với họ về một ngày làm việc của họ ra sao, những mối bận tâm lo lắng của họ là gì. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến giành giật các khách hàng tiềm năng trong thị trường cạnh tranh hiện nay.
2. Nghiên cứu thị trường thông qua các mạng xã hội
Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội thực sự đem đến cho những nhà kinh doanh, các nhân viên bán hàng không chỉ là phương tiện tương tác với khách hàng mà còn mang đến nguồn dữ liệu khổng lồ về nhu cầu của khách hàng. Bạn có thể tương tác, theo dõi các bình luận của khách hàng về những khó khăn, nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày để phục vụ cho việc phân tích nhu cầu, hành vi người tiêu dùng được chi tiết và đầy đủ hơn.
3. Xây dựng chiến lược khảo sát
Các bảng khảo sát đơn giản với chi phí nhỏ sẽ giúp các nhà kinh doanh, nhân viên bán hàng tìm hiểu xem khách hàng của mình suy nghĩ gì và cảm thấy như thế nào qua các câu hỏi mở như: “Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn?”, “Nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn là gì?”... Những câu hỏi đơn giản này sẽ giúp các nhà kinh doanh vượt qua dòng thông tin hồ sơ nhân khẩu để hiểu về những cảm xúc và hành vi của khách hàng. Biết được cảm nhận của khách hàng sẽ hỗ trợ bạn trong việc giải đáp câu hỏi làm thế nào để thỏa mãn họ về mặt tinh thần, phương án chăm sóc khách hàng tốt hơn đồng thời giúp cho trải nghiệm thương hiệu của bạn có ý nghĩa hơn trong cuộc sống của họ.
4. Xây dựng kế hoạch trong tương lai
Tập trung xây dựng những gì khách hàng mong muốn sở hữu trong tương lai nhưng hiện giờ thậm chí họ chưa biết đến. Việc đi trước và tìm ra các xu hướng, cách thức phục vụ nhu cầu khách hàng trong tương lai là một thách thức lớn đối với các nhà kinh doanh, nhưng không đồng nghĩa với việc không thể làm được. Nghe có vẻ khó hiểu nhưng các bạn hãy nhìn vào những gì mà Steve Job đã tạo ra. Apple ngay khi giới thiệu về sản phẩm iphone của mình với một hệ sinh thái mà ngay cả người dùng cũng không biết nó là cái gì, mình có thật sự cần không. Nhưng khi các sản phẩm của Apple ra mắt, người dùng mới biết mình cần đến hệ sinh thái đó. Steve Jobs đã tạo ra được một điều tuyệt vời từ con số không và định hướng cho cả tương lai các sản phẩm công nghệ thông minh.
III. Cách tạo ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng
1. Các giai đoạn tâm lý khi mua sắm của khách hàng mà nhân viên bán hàng cần nắm
Giai đoạn 1: Nghi ngờ, chất vấn
Đa số khách hàng không lựa chọn mua sản phẩm ngay từ cái nhìn đầu tiên cho dù họ rất thích sản phẩm, nhãn hiệu hay cách tư vấn của người bán hàng. Họ cần phải cân nhắc xem sự lựa chọn đó có xứng đáng với đồng tiền mà mình bỏ ra không, mình có thực sự cần nó không hay mua với giá này liệu có hợp lý không? Cách tốt nhất để đập tan nghi ngờ và đắn đo trong tâm lý người mua, hãy chứng minh cho học thấy sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh như thế nào. Trong giai đoạn tâm lý này, khách hàng sẽ đặt rất nhiều câu hỏi có ý so sánh với các đối thủ cạnh tranh của bạn, vì thế bạn nên bình tĩnh, ngôn ngoan giải quyết vấn đề và không cáu gắt để thể hiện sự tôn trọng khách hàng.
Giai đoạn 2: Tìm hiểu, đánh giá
Sau khi vượt qua “chướng ngại vật” ở giai đoạn 1, khách hàng đã bắt đầu an tâm với sản phẩm, nhãn hiệu mà họ đã chọn. Tuy nhiên để chắc chắn và an tâm hơn, một số khách hàng vẫn tự tìm hiểu, xác thực lại bằng cách tìm kiếm các thông tin, tin tức liên quan và tham khảo các review của mọi người về sản phẩm, dịch vụ. Nhiệm vụ lúc này của bạn là cung cấp các tin tức, dữ liệu để giải đáp các thắc mắc của khách hàng, đồng thời đưa ra các feedback của khách hàng cũ, tập trung khai thác và đưa ra các đánh giá tốt về sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.
Giai đoạn 3: Thưởng thức
Sau khi quyết định chọn mua sản phẩm, dịch vụ khách hàng sẽ có tâm lý hưởng thụ lợi ích và vui vẻ với việc mua sắm mang lại. Họ sẽ trải nghiệm và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của sản phẩm ở giai đoạn này. Vì thế đây là lúc dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng của bạn được thực hiện. Hãy chủ động liên lạc hỏi han về tình hình và chất lượng sản phẩm đã được bán cho khách hàng cũng như độ hài lòng của khách hàng về sản phẩm. Đây sẽ là điểm cộng của bạn trong mắt người tiêu dùng và là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ khác mà bạn cung cấp.
Giai đoạn 4: Lặp lại quy trình mua hàng
Đây là giai đoạn mà người mua bắt đầu có ý định tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ mới. Để tận dụng cơ hội này từ các khách hàng cũ, các nhà kinh doanh, nhân viên bán hàng thường xuyên có cách chính sách ưu đãi giữ chân khách hàng, tạo lòng trung thành của khách hàng với sản phẩm, thương hiệu của mình. Nếu làm tốt giai đoạn này, cả người mua và người bán đều có thể bỏ qua 2 giai đoạn khó khăn đầu tiên và đạt được mục đích giao dịch của mình hiệu quả hơn.
2. Làm thế nào để tạo ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng
a, Cung cấp miễn phí cho khách hàng thứ có giá trị
Đây là một trong các chiến lược marketing thường xuyên được các nhà kinh doanh áp dụng. Các chiến dịch nhỏ như gửi tặng quà đến khách hàng sẽ cho phép khách hàng được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của công ty bạn mà không phải trả tiền. Nếu hài lòng với chúng, các khách hàng chắc chắn sẽ tìm mua trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là một trong những cách đánh vào tâm lý thích được khuyến mãi, tặng đồ nhằm kích thích nhu cầu mua sắm và thu hút khách hàng được nhiều công ty áp dụng.
b, Tặng mẫu dùng thử cho khách hàng mục tiêu
Tặng mẫu dùng thử cũng là một trong những cách tạo ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng hiệu quả. Mục đích của phương án này là để khách hàng có được sự sở hữu, sự trải nghiệm thực tế nhất định đối với sản phẩm sắp ra mắt. Đánh vào tâm lý này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thường xuyên cho ra mắt các bản dùng thử miễn phí, tạo sự mong muốn sở hữu sản phẩm của khách hàng.
c, Tạo tình huống “khan hiếm nhân tạo”
Đây là cách các chuyên gia marketer tạo ra hiệu ứng “mua sắm điên cuồng”. Việc tạo ra các tình huống khan hiếm nhân tạo với các cụm từ như: “Số lượng có hạn”, “thời gian sắp hết”, “đợt hàng cuối cùng”... thực sự hiệu quả trong việc kích thích vào tâm lý người mua hàng. Cách này đặc biệt hiệu quả đối với các khách hàng quan tâm đến mặt hàng đồ cổ, hàng bản quyền hay các mặt hàng hiếm.
d, Tạo hiệu ứng đám đông
Đây là tâm lý học ứng dụng phổ biến nhất trong bán hàng. Hiệu ứng này dễ xảy ra trong các tình huống xã hội không rõ ràng. Khi một cá nhân không biết được quyết định nào là tốt nhất, họ sẽ có xu hướng nghe và làm theo những người đi trước, những người đã từng có kinh nghiệm trong vấn đề đó. Dựa theo tâm lý này, đôi khi chỉ cần vài dòng nhận xét, nhiều lượt like và chia sẻ tưởng như đơn giản, nhưng lại hiệu quả vô cùng khi “hút’ lượng khách hàng lớn đến với mình.
VI. 10 kiểu khách hàng đặc trưng và cách giải quyết
1. Kiểu khách hàng cả tin
Đây là dạng khách hàng mà mọi người bán đều muốn gặp. Khách hàng cả tin rất dễ gần nên việc thuyết phục họ rất đơn giản, chỉ cần bạn tạo được không khí cởi mở, thân thiết thì khả năng bán được hàng là rất cao. Hãy nhớ “khen chân thành”, chỉ nên đưa ra lời khen nếu sản phẩm có điểm thật sự phù hợp với họ. Những khách hàng này tuy dễ thuyết phục nhưng không muốn bị thúc ép.
2. Kiểu khách hàng đa nghi
Những khách hàng này luôn nghi ngờ mọi lời nói và tương đối bảo thủ. Họ luôn cho rằng mình đúng và muốn mọi người phải công nhận điều đó.
Phải làm sao để thuyết phục những khách hàng đa nghi này? Hãy nhớ khi làm việc với nhóm khách hàng đa nghi, bạn tuyệt đối không nên bác bỏ hay tranh cãi với những điều họ nói. Hãy để họ nói hết những gì mình muốn để họ nhận thấy rằng bạn thực sự là người bán hàng biết lắng nghe. Trong quá trình đó, bạn sẽ tìm hiểu được đâu là mong muốn thực sự của những khách hàng này nhằm đánh trúng mục tiêu.
3. Kiểu khách hàng hay do dự
Đối tượng khách hàng này hay lưỡng lự, không tự mình quyết định được việc gì kể cả khi họ đã hài lòng về sản phẩm của bạn. Thông thường những vị khách này hay đi cùng bạn bè hoặc người thân, chính những người này chứ không hẳn là khách hàng mới là người quyết định. Vì vậy đối tượng thuyết phục của bạn đôi khi chính là người đi kèm.
Trong trường hợp này, ngoài việc tác động vào người đi kèm, bạn cũng nên tạo thêm một chút áp lực để thuyết phục khách hàng của bạn. Khi họ đang lưỡng lự có nên mua chiếc áo hay không, bạn có thể nói với họ rằng: Áo này được bán với số lượng hạn chế, hiện tại chỉ còn lại một chiếc thôi, sau đợt này sẽ không mua được loại áo đẹp như thế nữa đâu. Bạn mua nhé, vì chiếc áo thật sự hợp với bạn.
4. Khách hàng thích mặc cả
Những vị khách này luôn có tâm lý hàng hóa họ mua sẽ luôn bị hớ, vì vậy họ phải giảm thiểu thấp nhất khả năng đó. Việc mua bán với họ giống như một cuộc chiến mà họ phải ở thế thắng cuộc.
Thuyết phục nhóm đối tượng này như thế nào? Bạn cần khẳng định chắc chắn với họ rằng KHÔNG MỘT AI KHÁC có thể nhận được sự ưu đãi nhiều hơn anh/chị. Chỉ cần như thế thôi là họ sẽ cảm thấy mình đạt được chiến thắng rồi. Tiếp theo, bạn hãy đảm bảo rằng đây không chỉ là thương vụ tốt mà là thương vụ tốt nhất. Bằng cách cho họ thấy rằng mình là người đặc biệt: Riêng với chị, em sẽ đích thân giao hàng tận nơi ngay trong hôm nay và chị không phải trả thêm bất kỳ một khoản chi phí nào cả…
5. Khách hàng thích khoe khoang
Đây là những người kiêu ngạo, luôn tỏ vẻ mình biết tất cả mọi thứ. Họ luôn muốn người khác phải lắng nghe và khen ngợi mình, vì vậy thuyết phục nhóm khách hàng này không khó, hãy lắng nghe họ một cách chăm chú, tạo ra sự thỏa mãn cho những khách này. Sau đó bạn cần tạo ra chút thử thách nhỏ cho họ, như xuất xứ của sản phẩm chẳng hạn. Họ dĩ nhiên sẽ trả lời được, điều đó giúp họ đạt được sự kiêu hãnh và sau đó họ sẽ dễ dàng mua món hàng.
6. Khách hàng hách dịch
Đặc điểm của những khách hàng này là chảnh chọe, hách dịch, rất hay kiếm chuyện, tỏ ra khó tính một cách quá đáng. Họ thích ra lệnh cho người khác như phân biệt giàu nghèo, chủ tớ. Với đối tượng khách hàng này, bạn phải tỏ ra nhún nhường, không nóng giận. Hãy bình tĩnh và hành xử một cách chuyên nghiệp để không mắc phải các rắc rối với họ.
7. Khách hàng tinh anh
Trong lĩnh vực kinh doanh về hàng điện tử, bạn sẽ thường xuyên gặp các khách hàng này. Đặc điểm của những khách hàng này là tự tin thái quá vào kiến thức của bản thân. Họ sẽ luôn nghi ngờ về những điều mà bạn tư vấn và đặt ra rất nhiều câu hỏi vặn ngược. Vì vậy, để đối phó với các khách hàng này, bạn cần phải thật kiên nhẫn và sử dụng từ ngữ chuyên ngành nhiều để họ tin tưởng hơn vào bạn.
8. Khách hàng lịch sự
Những khách hàng lịch sự sẽ khá tế nhị và dễ chịu trong giao tiếp với bạn. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể ép buộc họ phải ra quyết định mua sản phẩm, dịch vụ. Với những khách hàng này, bạn chỉ cần có thái độ chân thành, nhiệt tình cũng đủ để họ quý mến bạn và trao cho bạn 1 quyết định giao thương thành công.
9. Khách hàng bốc đồng
Kiểu khách hàng này thường hay quyết định theo kiểu tùy hứng. Vì thế phải biết đẩy cảm xúc của họ lên cao và chốt ngay khi họ ở cao trào hào hứng nhất.
10. Kiểu khách hàng luôn đồng tình
Đây mới chính là kiểu khách hàng khó chinh phục nhất. Họ không bao giờ phản đối bất cứ điều gì và luôn gật đầu đồng tình với bạn về mọi điều, tuy nhiên bản thân họ lại có những quyết định khác trong lòng.
Để làm việc với kiểu khách hàng này, bạn đừng mải nói về sản phẩm mà hãy hỏi: “Thưa ông, ông có phiền không nếu tôi muốn hỏi ông một câu? Tại sao ông vẫn chưa quyết định nắm lấy cơ hội này, mua sản phẩm và tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại?”
Khách hàng này sẽ phản ứng theo hai hướng: “Đó là bởi vì…”, bạn sẽ biết cách giải quyết tiếp theo. Hoặc ông ấy sẽ nói rằng: “Điều gì khiến anh nghĩ rằng tôi không mua nó?” Nếu ông ấy nói như vậy thì tất cả những gì bạn cần làm là viết đơn đặt hàng.
Như vậy việc nắm bắt tâm lý khách hàng không chỉ giúp các nhà bán hàng nhận biết được nhu cầu thực sự của khách hàng mà còn đối phó được với từng đặc điểm tâm lý của các khách hàng, từ đó giúp chốt sales thành công và mang doanh thu cao về cho công ty, doanh nghiệp.
--------------
Ứng dụng khôn ngoan tâm lý con người trong kinh doanh để bán hàng hiệu quả là điều cần thiết để tổ chức nhanh chóng chinh phục khách hàng và đảm bảo dòng tiền nuôi bộ máy. Song nếu chỉ dừng lại ở đây, doanh nghiệp sẽ không bao giờ có đủ tiềm lực và sức mạnh để phát triển lớn mạnh hay mở rộng hệ thống.
Quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và tư duy đổi mới liên tục về hệ thống marketing bán hàng bài bản, chuyên nghiệp; cũng như sự nhạy bén trước những biến động của thị trường để từ đó những người làm quản lý lãnh đạo có nhiều quyết sách sáng suốt hơn khi xây dựng và vận hành tổ chức của mình.