KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

CUỘC ĐỜI VỐN DĨ KHÔNG BẤT CÔNG, CHẲNG QUA LÀ BẠN CHƯA HIỂU LUẬT CHƠI THÔI!


CUỘC ĐỜI VỐN DĨ KHÔNG BẤT CÔNG, CHẲNG QUA LÀ BẠN CHƯA HIỂU LUẬT CHƠI THÔI!
(Tôi khuyên bạn dù là ai cũng nên đọc)

Cuộc đời giống như một trò chơi. Nếu muốn trở thành người thắng cuộc, bạn phải nắm trong tay những quy tắc chính của trò chơi này. Bằng không, bạn sẽ mãi cảm thấy cuộc đời này bất công với bạn mà thôi.

Từ trước đến nay, mọi người thường quan niệm: cuộc sống vốn dĩ không công bằng và tự an ủi bản thân rằng phải tập quen dần với điều đó. Cũng đúng là thế thật, ngoại trừ những người tài năng xuất chúng, người bình thường như chúng ta phải từng ngày vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống. Vậy nên, mọi người thường dễ cảm thấy cuộc đời này bất công.

Sự thật là, cuộc đời giống như một trò chơi, nhưng có mức độ phức tạp hơn. Người chơi sẽ cần đọc kỹ và hiểu đúng những quy tắc đã có trước khi bắt đầu vào cuộc chơi. Tác giả của bài viết này, ông Oliver Emberton – một cây bút nổi tiếng đồng thời còn là một nghệ sĩ đa tài – đã soạn ra 3 quy tắc chính của trò chơi mang tên “cuộc đời” này.

1. Quy tắc 1: Đời về căn bản là ganh đua
Bạn đang có một công việc ổn định tại công ty? Ngoài kia, không ít người đang cố dìm chết công ty của bạn. Bạn rất yêu mến công việc đó? Thời đại công nghệ lên ngôi, chẳng ai chắc rằng bạn sẽ không bị thay thế bởi lập trình máy tính cả? Chức vụ đó là vị trí bạn hằng mong ước? Hàng chục người khác cũng muốn như bạn và còn đang lên kế hoạch hành động trước cả bạn.

Dù không muốn nhưng mọi người phải thừa nhận rằng, tất cả chúng ta đều đang trong một cuộc tranh đua quyết liệt. Đó có thể là sự cạnh tranh từ bất cứ thứ gì – bạn bơi được xa hơn, nhảy đẹp hơn hoặc được nhiều like Facebook hơn.

“Chỉ cần cố gắng hết sức là được”, “Đối thủ lớn nhất của bạn là chính bạn”, đừng nghĩ những lời động viên thường nghe này là để xoa dịu bạn khỏi áp lực và căng thẳng. Thực chất, chúng có tác dụng ngược lại, nghĩa là thúc ép chúng ta cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa. Nếu sống mà không cần phải ganh đua, chúng ta đã được khuyên nên bỏ cuộc ngay từ đầu.

Thế nên, đừng bao giờ tự tin nói rằng, mình chẳng cần đến cạnh tranh để có thể sống như ngày hôm nay. Bạn vẫn đang cố gắng học tốt để đạt điểm số cao, bạn vẫn đang mải miết làm việc để có thêm thu nhập hoặc bạn vẫn đang tìm cách tạo ấn tượng với người bạn thầm thích đó thôi.

Nếu vẫn nghĩ đây không phải ganh đua, thì đơn giản là bạn đã bị loại khỏi cuộc chơi này rồi. Mọi nhu cầu của con người đều sẽ khởi động “đường đua”. Và chiến thắng sẽ chỉ dành cho những ai thực sự chiến đấu vì nó.

2. Quy tắc 2: Người ta đánh giá bạn qua những thứ bạn làm được, không phải những thứ bạn nghĩ
Xã hội này thường đánh giá con người dựa trên những gì họ có thể làm cho người khác. Bạn vừa cứu một đứa trẻ khỏi đám cháy, sơ cứu người bị tai biến hay đơn giản là có thể gây tiếng cười, mọi hành động của bạn sẽ được người khác “định giá” ngay lúc đó.

Sẽ chẳng có gì bàn cãi ở đây nếu bạn cũng đánh giá bản thân theo cách đó. Chúng ta chỉ đơn thuần tự tin cho rằng “tôi là người tốt”, hay “chắc chắn tôi sẽ làm được”. Bạn đánh giá bản thân theo cách nghĩ riêng của mình, nhưng đó không phải cách thế giới đang nhìn vào bạn.

Bạn tốt tính như thế nào, tài cán đến đâu, đam mê dữ dội ra sao, xã hội này không quan tâm. Điều họ quan tâm là bạn sẽ làm được gì cho thế giới. Thủ khoa tốt nghiệp Đại học nhưng lại thất nghiệp, thì cũng bằng không.

Mà cho dù chúng ta có làm tốt cỡ nào, ta cũng sẽ bị người đời soi mói và nhìn bằng góc nhìn phiến diện. Một nhân viên gác cổng cần mẫn sẽ chẳng được tung hô như một nhà đầu tư chứng khoán thành đạt. Một nhà nghiên cứu ung thư sẽ ít được quan tâm hơn dàn siêu mẫu chân dài. Vì sao vậy? Đó là bởi vì những tài năng đó là quý hiếm và được đón nhận bởi nhiều người hơn.

Mọi người luôn có niềm tin bất diệt rằng, tài năng của mình sớm muộn rồi sẽ tỏa sáng. Chỉ cần chăm chỉ và làm ra sản phẩm thật tốt, thế giới rồi sẽ biết đến mình… Nhưng trong thực tế, sự đón nhận của đám đông đơn giản chỉ là một hiệu ứng mạng lưới, tức là sức lan tỏa và ảnh hưởng càng lớn, thì bạn càng thành công.

Cứu một mạng người, bạn là anh hùng khu phố, nhưng chữa được bệnh ung thư, tên bạn đi vào huyền thoại. Viết một quyển sách cực hay nhưng không xuất bản, bạn chẳng là ai trên cõi đời này, nhưng nếu bạn là tác giả tiểu thuyết “Harry Potter”, cả thế giới đều phải ngưỡng mộ bạn.

Có thể bạn sẽ không thích nghe điều này: Bạn sẽ được đánh giá dựa trên những gì bạn có khả năng làm được và số lượng người được hưởng lợi từ điều bạn làm. Nếu không chịu chấp nhận sự thật đắng ngắt này, lúc nào bạn cũng thấy thế giới bất công với mình.

3. Quy tắc 3: Khái niệm công bằng của mỗi người liên quan mật thiết đến lợi ích cá nhân
Con người thích đặt ra những chuẩn mực đạo đức. Đó chính là lý do chúng ta cần trọng tài trong thi đấu hay thẩm phán trong tòa án. Chúng ta luôn phân định rõ đúng – sai trong mọi tình huống, và hy vọng thế giới sẽ tuân theo. Cha mẹ và thầy cô cũng dạy chúng ta điều đó từ khi còn nhỏ. Họ dạy ta điều hay, lẽ phải và thấm nhuần tư tưởng: cứ ngoan là sẽ có thưởng.

Nhưng trò chơi cuộc đời này đâu dễ dàng gì. Bạn học như điên, nhưng vẫn thi trượt. Bạn làm việc miệt mài, nhưng người khác lại được thưởng. Bạn yêu người ấy đến dại khờ, nhưng thứ bạn nhận lại là những cử chỉ lạnh lùng của đối phương.

Vấn đề ở đây không phải là cuộc đời này bất công với bạn, mà là do tự bạn đã hiểu sai về khái niệm “công bằng”.

Khi bạn yêu đơn phương ai đó, bạn xem họ là mẫu người hoàn hảo. Họ có đầy đủ những đức tính bạn mong chờ mà người khác không có. Tương tự khi ai đó thích bạn, tuy bạn không quá xinh đẹp hay xuất sắc, người ta vẫn ưu ái bạn, bởi vì bạn đem lại cho họ cảm giác “hoàn thiện”.

Cách bạn ghét những người xung quanh cũng thế thôi, đặc biệt là những đối tượng quyền lực điển hình. Bạn ghét sự nghiêm khắc của sếp, ghét thầy cô vì bạn hay bị la rầy. Việc bạn thích hay ghét ai đó sẽ phụ thuộc vào việc người đó có đem đến những gì bạn muốn hay không.

Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật nghẹt thở và bất công với những điều luật đầy bó buộc từ họ. Nhưng việc gì cũng có 2 mặt, họ cũng chỉ đang làm tốt bổn phận của mình mà thôi. Thầy giáo tỏ ra hung dữ để bạn sợ và chú tâm học hành, sếp uy nghiêm để giữ kỷ cương công ty. Nếu họ không làm đúng trọng trách, họ biết sẽ xảy ra hậu quả gì. Mỗi người đều có những sự ưu tiên khác nhau, vậy nên, “khổ trước sướng sau” là tốt nhất.

4. Tại sao cuộc sống không công bằng?
Đó là bởi vì chúng ta không định nghĩa đúng khái niệm về sự công bằng. Chúng ta đang phủ lên sự công bằng một tấm áo choàng gắn đầy những suy nghĩ mơ mộng: “Ước gì mình được như họ”.

Thử tưởng tượng nếu tồn tại thế giới mà ai cũng được đối xử “công bằng” như họ mong muốn, thì cái thế giới đó sẽ loạn đến mức nào? Không ai dám yêu đương ai vì sợ làm tổn thương những trái tim yếu đuối. Trường học, công ty sẽ chẳng đi lên vì toàn những thành phần vô kỷ luật. Và ông trời sẽ chỉ đổ mưa xuống những người xấu.

Hầu hết chúng ta đều dành quá nhiều thời gian vẽ nên cuộc sống lý tưởng trong mơ, đến nỗi chẳng màng đến thế giới thực xung quanh đang chuyển biến thế nào. Vì vậy, ngừng than vãn và đối mặt với thực tế mới chính là chìa khóa mở tung sự hiểu biết về thế giới cũng như mọi tiềm năng ẩn sâu bên trong bạn.

Nguồn: Oliver Emberton
Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank