ĐI LÀM 10 NĂM, 9 CÂU NÓI THAY ĐỔI SỐ PHẬN CỦA TÔI: NGƯỜI XUNG QUANH BẠN RA SAO, BẠN SẼ CÓ TƯƠNG LAI NHƯ VẬY!
01
Gặp một lãnh đạo nghiêm khắc, không nhất định là chuyện xấu
Khi mới đi làm, cái tôi của tôi khá lớn, có gì nói nấy, không ngại ai bao giờ.
Khi ấy tôi luôn cho rằng những lãnh đạo thường xuyên yêu cầu tỉ mỉ và khắt khe là những người không hiểu thời đại, không theo kíp sự phát triển của xã hội.
Sau 5 năm đi làm, ngoảnh đầu lại mới phát hiện ra, 80% những kĩ năng và ý thức công việc của mình đều tới từ sự nghiêm khắc của những người mình từng cho là quá khắt khe ấy.
02
Học cách đổi lập trường suy nghĩ, tránh cực đoan và cố chấp
Con người ta khi còn trẻ, tư tưởng khó tránh khỏi những sự cực đoan.
Ai mà khác mình, là người đó không tốt, không đúng, lúc nào cũng chỉ hận một nỗi không thể tranh cãi với người ta tới cùng.
Nhưng thế giới rất rộng lớn, không ai có thể nhìn thấy được hết diện mạo của nó, rất nhiều khi, không phải người khác sai, mà là quan điểm của bạn có phần bảo thủ.
Tư tưởng mỗi người khác nhau do môi trường sống khác nhau, không thể yêu cầu ai cũng nghĩ giống ai được, tiếp nhận cái khác của người khác, cảm thông cho sự khó khăn của người khác, có vậy, nội tâm của bản thân mới càng thêm phong phú, tránh được sự bảo thủ và bốc đồng.
03
Đồng nghiệp với nhau, đừng ném đá giấu tay
Bất kể là với lãnh đạo hay với cấp dưới, tuyệt đối đừng làm việc xấu với nhau dù bất cứ nguyên nhân gì.
Cùng làm việc dưới một mái nhà, trừ phi tương lai bạn xác định nghỉ việc hoặc là chuyển tới một nơi khác, nếu không thì gieo nhân nào ắt gặp quả nấy.
Tuy đồng nghiệp với nhau, bạn bè thân thiết nghe có vẻ hơi xa vời, sau khi tan làm có thể cũng chẳng nhắn tin với nhau bao giờ, nhưng giữ một khuôn mặt tươi cười, không làm gì có lỗi với nhau chính là cơ sở để sau này có thể mỉm cười chào hỏi nhau một cách niềm nở.
Hãy luôn nhớ rằng: thế giới của người lớn chính là giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến lên.
04
Bạn theo ai, bạn sẽ như thế đó
Nếu có thể, sau khi tốt nghiệp, với công việc đầu tiên, hãy cố gắng chọn một công ty có xuất phát điểm cao một chút, dù tiền lương có hơi ít ỏi, dù có là nhân viên cấp thấp nhất.
Khi mới tốt nghiệp, ai cũng chỉ là một tờ giấy trắng, đồng nghiệp xung quanh bạn ra sao, môi trường làm việc của bạn thế nào, đó chính là tương lai của bạn.
Những người xung quanh bạn, chính là vòng tròn kết nối đầu tiên của bạn khi mới chập chững bước vào xã hội, nó sẽ góp phần định hình nên những nhận thức và cả tầng lớp xã giao mà bạn có được trong công việc và cả cuộc sống tương lai.
05
Xem công ty là trường học, xem lãnh đạo là giáo viên là điều ngốc nghếch nhất
Khi mới tốt nghiệp, có lẽ ai cũng luôn muốn tìm được một cấp trên có thể dạy dỗ mình, cũng luôn mong mỏi có thể quen biết được những nhân vật tầm cỡ, hi vọng đối phương có thể chỉ bảo mình.
Nhưng dựa vào đâu?
Dựa vào đâu mà đối phương phải bỏ ra thời gian quý báu của mình để chỉ dạy cho bạn một cách miễn phí?
Xem công ty là trường học, xem lãnh đạo là giáo viên là điều ngốc nghếch nhất.
Đừng suốt ngày phàn nàn mình không học được cái này cái kia, có thể là bản thân bạn chưa đủ nhiệt huyết với nó.
06
Năng lực học hỏi của cá nhân quan trọng hơn bất cứ điều gì
Đừng bao giờ cho rằng vào một công ty tốt là có thể an nhàn ngồi đó tận hưởng tới khi nghỉ hưu.
Cạnh tranh và thay đổi tồn tại ở mọi nơi, bạn không hề quan trọng với công ty, giá trị mà bạn đem lại cho công ty mới là điều quan trọng.
Làm sao để nâng cao giá trị bản thân ở nơi làm việc là điều mà không một cá nhân nào nên xem nhẹ.
Khi ngày càng có nhiều người tăng tốc, một người chỉ thích an nhàn như bạn sớm muộn cũng sẽ bị đẩy đi xa hơn.
07
Không phải cấp trên nào cũng đáng ghét, khó tính
Rất nhiều người phàn nàn cấp trên khó tính, nhưng đợi tới lúc mình lên làm lãnh đạo rồi, có khi còn khó tính gấp nhiều lần.
Điều hành một nhóm người chưa bao giờ là việc đơn giản, là đầu tàu, việc mà một người lãnh đạo phải suy nghĩ là rất nhiều, lớn thì là tương lai của công ty, nhỏ thì tới ngay cả một gói giấy in cũng phải suy nghĩ.
Không có một cấp trên nào không muốn làm một hàng xóm thân thiện cả, nhưng rất nhiều thứ, không phải cứ muốn là được.
Khi cảm thấy cấp trên không tốt, hãy thử đổi lập trường suy nghĩ, nếu mình là ông chủ, mình sẽ như thế nào?
Làm được như vậy, bạn có lẽ sẽ hiểu được ra rất nhiều điều.
08
Những tích lũy trước 30 tuổi có thể đem lại tài nguyên và giúp đỡ cho tương lai
30 tuổi với nhiều người mà nói là một mốc khá quan trọng.
Những người ở độ tuổi này, trung bình cũng đã đi làm được ít nhất 5 năm, tích lũy được những kinh nghiệm nhất định.
Trước 30 tuổi là khoảng thời gian tích lũy, và với số vốn đã tích lũy được, sau 30 tuổi chính là lúc để tăng tốc.
Vì vậy, những thứ bạn tích lũy được trước 30 tuổi quả thực sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều sau này, dù muốn thăng chức hay tách ra làm riêng.
09
Một số công việc có thể sẽ không thể lập tức đem lại cho bạn một số tiền lớn, nhưng nó là lại nền tảng tốt nhất giúp tích lũy kinh nghiệm và mở rộng tầm nhìn
Trước đó có người nói với tôi rằng, đi làm nhân viên công sở thì có tác dụng gì, ở công ty cũng chỉ là một cái đinh, tôi rảnh rỗi kinh doanh nhỏ, bán mặt nạ… cũng kiếm được khối tiền, như vậy không tốt hơn đi làm à?
Thực ra, thành công của một người lớn không chỉ được quyết định bởi tiền bạc.
Nếu chỉ vì tiền, vậy thì 16 tuổi đã có thể đi làm thuê rồi, việc gì phải học lên đại học rồi thạc sỹ, tiến sỹ?
Thứ mà công việc đem lại cho nhiều người, không chỉ là lương tháng mà còn là một sân khấu, một môi trường, nơi mà bạn quen được với nhiều người ưu tú, được mở rộng tầm mắt và tích lũy được nhiều kinh nghiệm chuyên môn.
Những thứ quý giá đó, bán mặt nạ không thể đem lại được.
#quantriexcel
#kynangmoi
Nguồn: Cafebiz