QUY TẮC ĐỐI NHÂN XỬ THẾ CỦA NGƯỜI KHÔN NGOAN: ĂN ĐÚNG MÓN, NGỒI ĐÚNG BÀN, KẾT GIAO ĐÚNG NGƯỜI
Con người sống ở đời, càng là người thông minh càng hiểu được những đạo lý giao tiếp và có cách đối nhân xử thế vô cùng tinh tế. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống đó là chúng ta hiểu được giá trị của bản thân, biết mình là ai, biết rõ vị thế của mình.
Về quy tắc giao tiếp, có câu nói rất ý nghĩa: Không phải món ăn của mình, đừng động đũa; không phải bàn ăn của mình, đừng ngồi vào; không phải những người mình có thể tiếp xúc thì đừng cố làm thân.
Ở đời, luôn có kiểu bám víu vào những người có địa vị và quyền thế, coi các mối quan hệ như một loại đầu tư. Tuy nhiên, đó không hẳn là cách đối nhân xử thế của người khôn ngoan. Khi chúng ta không cùng đẳng cấp và địa vị với họ, chỉ khiến họ coi thường, xa lánh và hoài nghi. Một mối quan hệ không dựa trên tình cảm chân thành mà chỉ đặt nặng ham muốn vật chất, sẽ khó có thể khiến người khác hết lòng giúp đỡ và dẫn đường bạn.
1. Không tùy tiện kết thân
Có kiểu kết giao phổ biến trong cuộc sống dựa trên hai chữ bạn bè cũ. Nhiều người dùng kiểu mối quan hệ này để làm cầu nối kết thân và nhờ vả. Bạn bè nhiều khi cả chục năm không liên lạc, tên tuổi mặt mũi không chắc nhớ rõ ràng, nhưng khi thấy bạn mình thành đạt, giàu có, họ vội vã kết thân, cười nói như thể thân thiết hàng chục năm nay. Có người thì kết thân để nhờ vả, vay tiền, nhờ giúp đỡ đủ thứ việc trên trời.
Chính vì thế, người khôn ngoan sẽ không tùy tiện kết thân với người khác. Khi kết giao bạn bè, họ chỉ cần chất lượng chứ không cần số lượng. Họ đủ thông minh để hiểu rằng, với những người thật sự quý trọng cảm tình chân thành của quá khứ, cho dù nhiều năm không gặp, tình nghĩa vẫn còn đó; còn những người ích kỷ, chỉ muốn tìm kiếm lợi ích cho bản thân, xun xoe nịnh hót đòi chỗ tốt để lợi dụng thì càng ít tiếp xúc, càng ít xã giao càng có lợi.
2. Tránh xa kẻ đạo đức giả
Không khó để nhận ra những kẻ đạo đức giả trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi một nhóm người nói chuyện xã giao, kẻ này sẽ luôn chỉ dùng lời khen ngợi người khác, nịnh nọt tâng bốc lên tận mây xanh. Lời tâng bốc nếu mới nghe thì thấy dễ chịu, thoải mái, rất hợp lòng người, thế nhưng người khôn ngoan đủ lý trí sẽ nhìn thấu được vẻ giả tạo ẩn chứa bên trong.
Con người không ai hoàn hảo, sẽ có ưu điểm và nhược điểm. Lời khen ngợi của người khác chỉ khiến vui tai chứ không giúp ích gì cho bản thân. Thậm chí, nghe quá nhiều lời khen khiến bản thân trở nên tự cao tự đại, không hiểu được giá trị của bản thân, để rồi hành động sai lầm, chuốc họa vào thân.
Có câu: Lời thật thì khó nghe, sự thật thì mất lòng. Người khôn ngoan sẽ đủ tinh tế để nhận ra và tránh xa những kẻ giả tạo. Họ sẽ biết khiêm tốn lắng nghe và tiếp thu, trân trọng những lời nói tuy khó nghe nhưng thẳng thật của người khác, để rồi xem xét và sửa đổi bản thân.
3. Không kết giao kẻ coi trọng tiền bạc
Chúng ta thường nghe nói "có đi có lại mới toại lòng nhau" trong quy tắc đối nhân xử thế hằng ngày. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người với người nếu áp dụng quy tắc này thì không phải lúc nào cũng phù hợp. Bởi nếu đặt nặng chuyện tiền bạc hơn tình cảm, tôi tặng anh món quà này thì anh cũng phải tặng lại món quà có giá trị tương đương chứ không được thấp hơn, sẽ khiến mối quan hệ giữa hai người không hề thoải mái.
Nguyên tắc có đi có lại không hẳn là sự sòng phẳng mà khiến con người thành tính toán chi ly, không muốn nhường nhịn hay chịu thiệt. Kiểu người coi trọng tiền bạc, khi chúng ta giàu có đã khó tìm kiếm được sự chân thành ở họ, thì lúc ta nghèo khó cần giúp đỡ càng không thể trông cậy được. Chính vì thế, người khôn ngoan sẽ không bao giờ kết thân với kiểu người này.
Gió tầng nào gặp mây tầng đó, thay vì bám víu và nịnh nọt người khác ở vị thế cao hơn nhằm mưu cầu lợi ích, chúng ta hãy tự nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện bản thân, từ đó ta mới dễ dàng có được những mối quan hệ tốt đẹp.
#quantriexcel
#kynangmoi