NGHỆ THUẬT “NÓI XẤU” NGƯỜI KHÁC ĐÚNG CÁCH
Nói xấu chỉ là việc làm xấu khi chúng ta muốn bới móc lỗi lầm của người khác hay thậm chí là vu khống cho họ. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để đưa ra lời nhận xét về người khác sao cho chân thật và mang tính đóng góp nhất.
👉 LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ CỦA VIỆC NÓI XẤU
- Nói xấu là một hình thức xả stress cực kỳ tốt đối với nhiều người. Hằng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau và chắc hẳn sẽ có người khiến ta không hài lòng. Dù nguyên nhân xuất phát từ những định kiến, mâu thuẫn trong tư tưởng mỗi người thì việc tiếp xúc cũng dễ khiến bạn khó chịu, bức bối. Nếu cứ giữ trong đầu không nói ra thì có ngày sẽ giống như quả bóng đầy hơi mà nổ. Hoặc nếu không nổ tung ra thì nó cũng nổ từ từ, dẫn đến việc chúng ta ngày càng trở nên cau có một cách vô lý trong mắt mọi người. Nói ra là không đúng, nhưng chúng ta cần có sự chia sẻ, lắng nghe, ủng hộ đến từ người khác.
- Theo triết học, mâu thuẫn là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Khi nói xấu người khác, chúng ta ngồi mổ xẻ vấn đề của họ một cách khá cặn kẽ. Sau khi phân tích nhiều mặt lợi hại thì ta sẽ rút ra được điều gì đó có thể giúp ích cho bản thân trong tương lai.
- Nói xấu giúp chúng ta kết nối với bạn bè. Nghe hơi vô lý nhưng thực tế thì đúng là như thế. Thông thường, những người chơi chung nhóm hay kể xấu về người khác cho nhau nghe và trở nên thân thiết hơn.
- Nói xấu giúp giảm bớt sự... tự ti. Khi nói về những mặt không tốt hoặc lỗi lầm của người khác, chúng ta có cảm giác vui và tự an ủi rằng bản thân mình cũng không đến nỗi tệ.
- Không phải lúc nào nói xấu cũng toàn là những lời bịa đặt. Không tính những trường hợp đố kỵ, ganh ghét, vu khống cho người khác thì việc nói xấu còn thường đến từ trải nghiệm cá nhân của người nói. Họ muốn kể lại cho người nghe để có kinh nghiệm và đề phòng những đối tượng xấu.
👉 LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC ĐÚNG CÁCH?
Đúng cách ở đây là mang về nhiều lợi ích nhất có thể và hạn chế tối đa những hậu quả.
1. Không chỉ đích danh nhân vật bị nói xấu
Không nói tên hay đặc điểm của người bị nói xấu. Thay vào đó, hãy xem như mình đang nói xấu một nhân vật vô danh mà người nghe không thể biết chính xác là ai. Bắt đầu bằng những câu đại loại như “Tôi có biết một người như thế này, và tôi cảm thấy không hài lòng với việc abc xyz của họ...”.
Hãy giữ vững lập trường khi bị hỏi dồn về nhân vật bí ẩn đó. Kể cả khi người đang được nhắc tới khá thân thiết với bạn thì cũng không tránh khỏi việc chưa hài lòng về nhau. Việc tiết lộ danh tính của họ sẽ kéo theo nhiều nguy cơ khó lường, nên tốt nhất hãy giữ bí mật.
2. Nói đúng trọng tâm của vấn đề
Tức là hiểu vấn đề mà mình muốn nói xấu là gì. Hãy hạn chế tối đa việc khiến suy nghĩ của bản thân dần trở nên bị tha hóa, ích kỷ, đố kỵ. trong những lời nhận xét về người khác.
Ví dụ: Nếu muốn nói xấu sự lười biếng của một cô gái mà bạn không thích thì hãy tập trung vào chủ đề đó. Đừng nói theo kiểu “Cô ta chẳng được cái gì ngoài vẻ ngoài xinh xắn. Tính tình lười biếng như thế mà cũng quen được một anh đẹp trai lại giàu có. Chỉ vì anh đấy không biết cô ta lười biếng cỡ nào thôi”. Lúc này, bạn bắt đầu đi xa khỏi vấn đề rồi đấy. Những kiểu nói như thế sẽ khiến cho tâm hồn của bạn ngày một đen tối thêm mà thôi.
3. Khi nói xấu ai đó, hãy nhìn nhận một (hoặc vài) khía cạnh tích cực của họ
Có chê thì có khen. Nói xấu người khác để rút kinh nghiệm thì cũng hãy nói tốt về họ để thúc đẩy bản thân phát triển. Đừng biến việc nói xấu người khác trở nên vô nghĩa hoặc là cái cớ cho sự ghen tị của mình.
Ví dụ: “Cậu ấy tuy nói chuyện hơi vô duyên nhưng lại rất giỏi tính toán và chăm chỉ. Tôi cũng muốn được giỏi như thế, nhưng sẽ không nói chuyện vô duyên vậy đâu”.
4. Nhìn nhận lại xem mình có mắc phải vấn đề tương tự hay không
Nhiều lúc chúng ta ngồi huyên thuyên hàng giờ nói xấu người khác một cách vô tội vạ rồi chợt nhận ra bản thân mình cũng có vấn đề y như vậy.
Vậy là dù chúng ta không đồng ý với một điều gì đó nhưng lại cho phép bản thân thực hiện. Sau khi nói xấu người khác, bạn có thể bổ sung “Nhưng tôi cũng mắc vấn đề tương tự, làm thế nào để khắc phục đây...”.
Đương nhiên khi đó, bạn sẽ trở thành một người nói xấu thật “tử tế”. Người nghe sẽ cảm thấy bạn thành thật với bản thân ngay cả khi đang nói xấu. Nhưng hơn hết, bạn sẽ có cơ hội nghe được những lời khuyên bổ ích để thay đổi khuyết điểm của mình.
5. Nói xấu một cách “sâu sắc”
Đây có thể xem như đỉnh cao của việc nói xấu. Chúng ta sẽ mở rộng từ vấn đề của một cá nhân thành vấn đề đáng được bàn luận nghiêm túc. Bạn có thể tìm hiểu thêm để mổ xẻ nó một cách “học thuật”, phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp.
Ví dụ: Sau khi phàn nàn về sự lười biếng của ai đó, chúng ta có thể nói rộng ra hiện tượng lười biếng ở giới trẻ chẳng hạn. Nếu quen biết người bị nói xấu, bạn có thể nhẹ nhàng góp ý giải pháp vừa tìm thấy để họ thay đổi tích cực hơn. Nó sẽ vừa cải thiện mối quan hệ giữa cả hai, vừa khiến bạn cảm thấy mình áp dụng được một "công trình nghiên cứu" vào cuộc sống và tạo ra giá trị nho nhỏ.
#quantriexcel
#kynangmoi