SÂU SẮC: THAY ĐỔI MÌNH LÀ THẦN, THAY ĐỔI NGƯỜI KHÁC LÀ NGU NGỐC
Phương thức sống thông minh nhất chính là, cái gì có thể thay đổi, hãy thay đổi, và tiếp nhận cả những thứ không thể thay đổi. Điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời đó chính là luôn kỳ vọng vào bản thân, và bao dung với người khác. Thay đổi bản thân là trí, thay đổi người khác là ngu, và thay đổi bản thân thường là khởi đầu của hạnh phúc…
1. Thay đổi bản thân không dễ, thay đổi người khác càng khó hơn
Có một câu chuyện triết lý như sau:
Ngày xửa ngày xưa, khi mà con người vẫn phải đi chân trần.
Một hôm, một vị quốc vương nọ bỗng dưng có hứng thú, muốn tới một vùng quê xa xôi để du lịch. Kết quả vì đường quá gập ghềnh khó đi, lại nhiều sỏi đá khiến đôi chân của quốc vương đau đớn nên ngài đành phải quay về cung.
Sau khi về cung, quốc vương vừa đau đớn xót xa đôi bàn chân ngọc ngà của mình vừa tức giận ra lệnh: "Mau lót tất cả con đường trên đất nước này bằng da bò cho ta."
Quốc vương cho rằng sắc lệnh này hoàn toàn không chỉ vì bản thân mà còn vì chân của toàn bộ bách tính, vì vậy, càng nghĩ càng thấy nên lót đường lại.
Vấn đề là dù có giết hết trâu bò, cũng không đủ để lót đường. Nhưng, thánh chỉ như núi, ai dám làm trái? Bách tính chỉ biết lắc đầu thở dài.
Lúc này, một nô bộc thông minh đã dũng cảm nói với quốc vương: "Thay vì bắt người dân phải giết hết trâu bò, tại sao quốc vương không dùng hai miếng da bò lót vào đôi bàn chân của mình ạ?"
Quốc vương như được tỉnh mộng, liền thu hồi mệnh lệnh, và áp dụng gợi ý này.
Người ta nói rằng đây chính là nguồn gốc của giày da.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ tới câu nói của Lev Nikolayevich Tolstoy:
"Trên thế giới này chỉ có hai loại người: một là kẻ trông chờ, hai là người hành động. Phần lớn mọi người đều muốn thay đổi thế giới này, nhưng lại chẳng có ai muốn thay đổi chính bản thân mình."
Thay đổi bản thân và thay đổi người khác, có thể nói là hai câu hỏi vô cùng khó.
Thay đổi bản thân không dễ, thay đổi người khác lại càng khó.
Cuộc sống sở dĩ xuất hiện xung đột này xung đột kia, nhiều khi chỉ là vì chúng ta muốn thay đổi người khác, muốn người khác trở thành cái dáng vẻ mà mình muốn.
Có người nói: thay đổi bản thân là thần, thay đổi người khác là thần kinh.
Câu nói này tuy trần trụi, nhưng không phải không có lý.
Cái gọi là "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", ý muốn nói tính cách và thói quen của một người là thứ rất khó để thay đổi.
Cũng giống như việc không ai có thể đánh thức một người chỉ đang giả vờ ngủ, cũng không ai có thể dễ dàng thay đổi người khác, trừ phi bản thân đối phương muốn thay đổi.
Vì vậy, chúng ta đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm tập trung vào người khác, khi bạn không thể thay đổi người khác, phương pháp thông minh nhất chính là thay đổi bản thân trước.
2. Thử thay đổi người khác, thường sẽ chỉ là phí công vô ích
L. khi cãi nhau với chồng thường nói ra những lời độc địa, nhẫn tâm nhất, tới nỗi sau mỗi lần cãi nhau, chồng sẽ đều nói: "Em ý à, cái gì cũng tốt, mỗi cái miệng là độc không chịu được."
Bản thân L. cũng thừa nhận rằng lúc không bình tĩnh, mình cũng độc mồm độc miệng thật. Lúc mới yêu nhau, chồng của L. cũng đã từng nhắc nhở L., hi vọng sau này cô ấy có thể thay đổi. Nhưng, kết hôn đã nhiều năm như vậy, "năng lực" đó của cô vẫn chưa hề thay đổi.
Nhà trị liệu tâm lý người Đức, Bert Hellinger từng nói: "Gia đình hạnh phúc đều có một điểm chung: trong nhà không ai có tham vọng kiểm soát mạnh mẽ."
Thử kiểm soát đối phương, thay đổi đối phương, hi vọng đối phương sẽ làm mọi thứ theo tiêu chuẩn và yêu cầu của mình, không chỉ rất khó thực hiện, mà còn có thể làm phá hoại sự hòa hợp và hạnh phúc trong hôn nhân.
Thực ra, không có hai người nào là hoàn toàn hòa hợp với nhau cả, kể cả là vợ chồng, hay con cái, bạn bè, khi chúng ta thử thay đổi họ, hi vọng họ trở thành người mà ta muốn họ trở thành, bạn đều sẽ phát hiện ra kết cục thường là thất bại.
Có một câu chuyện như sau:
Nhà soạn nhạc Xiao Ke khi sáng tác có một thói quen, đó là phải đưa đưa cho ông lời bài hát trước, khi hiểu được lời bài hát thì ông mới đi sáng tác giai điệu.
Trước thềm thế vận hội Bắc Kinh, ông được mời viết bài hát về thế vận hội với nhà thơ Lin Xi.
Xiao Ke muốn Lin Xi đưa lời bài hát cho mình, Lin Xi nói: "Ông không đưa tôi giai điệu, làm sao tôi viết được lời? Viết lời cần có cảm hứng, tôi có thói quen phải đưa nhạc trước rồi mới sáng tác lời."
Nhưng Xiao Ke cứ nằng nặc đòi Lin Xi phải đưa lời trước. Vậy nhưng, Lin Xi ngồi hai ngày hai đêm cũng không viết ra được một chữ nào, ông bèn quay về Hồng Kông.
Xiao Ke phàn nàn với bạn mình rằng: "Sáng tác nhạc cũng cần cảm hứng, thế này là muốn bảo tôi phải làm sao?"
Bạn của ông nói với ông: "Bảo Lin Xi thay đổi thói quen của ông ấy xem ra là chuyện không thể. Không phải ông cũng viết được lời ư, thử viết một bản nháp rồi phổ nhạc, thế không phải là xong rồi ư?"
Xiao Ke như được khai sáng, ông tự thảo ra ca từ rồi sáng tác giai điệu theo đó.
Xong xuôi, ông đưa nhạc cho Lin Xi, Lin Xi chỉ cần một khoảng thời gian rất ngắn đã có thể viết ra được lời. Và thế là bài hát chủ đề của thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, "Bắc Kinh chào đón bạn" được ra đời.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ tới lời của nhà tâm lý học Carl Gustav Jung nói với học trò của mình trước khi qua đời:
Đến cả suy nghĩ thay đổi người khác thôi cũng đừng nên có. Là một người thầy, ta phải giống như mặt trời, chỉ cần tỏa ra ánh sáng và sức nóng, phản ứng đón nhận ánh mặt trời của mỗi người là khác nhau, có người thấy chói mắt, có người lại thấy ấm áp, có người lại muốn trốn khỏi ánh mặt trời đó.
Trước khi hạt nảy mầm thường sẽ không có bất cứ hiện tượng gì, đó là vì vẫn chưa tới lúc. Hãy luôn tin rằng mỗi một người đều là cứu tinh của chính mình.
Đúng vậy, thế gian này có rất nhiều chuyện không thể cưỡng cầu, thay vì tốn công sức đi thay đổi người khác, chi bằng thay đổi tâm thái của bản thân, dành thời gian và tâm lực cho chính bản thân mình, mình sống tốt cuộc đời mình, mình trở nên ưu tú hơn, đó mới là chính đạo.
3. Tôn trọng luôn thực tế hơn so với kiểm soát
Oscar Wilde nói: "Con người là động vật lý tính, nhưng khi được yêu cầu hành động theo yêu cầu của lý trí, thì anh ta cũng sẽ trở nên tức giận."
Không nghĩ tới thói quen và cảm nhận của đối phương, cưỡng cầu thay đổi đối phương, tạo ra nhiều áp lực cho họ, thường sẽ khiến đối phương phản cảm và muốn phản kháng.
Thay vì cố gắng thay đổi đối phương theo cách ép buộc, tôn trọng đối phương, điều này thường hiệu quả hơn nhiều.
Yu Chengdong, Giám đốc điều hành của Huawei Consumer BG, sau khi gia nhập Huawei vào năm 1993, ông từng đảm nhiệm qua các vị trí như giám đốc, Phó Chủ tịch và Chủ tịch.
Kể từ sau khi gia nhập vào hàng ngũ lãnh đạo của Huawei, ông luôn tỏ ra "cao cao tại thượng", nói năng không giữ ý, tạo ra không ít phong ba bão táp trong nội bộ công ty, cũng không được nhiều đồng nghiệp ưa.
Những làn sóng phản đối Yu Chengdong trong nội bộ công ty ngày càng nhiều, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới Yu Chengdong mà còn gây ra áp lực rất lớn cho chủ tịch Nhậm Chính Phi.
Nhưng, Nhậm Chính Phi lại rất cảm thông cho Yu Chengdong, cho rằng tiềm lực của ông với Huawei có một ý nghĩa rất lớn, vì vậy, Nhậm Chính Phi không yêu cầu đối phương thay đổi, mà còn rất bao dung với những khuyết điểm của Yu Chengdong, thậm chí còn trực tiếp phê bình một số người trong hội nghị:
"Đừng chỉ chăm chăm vào sai lầm và thất bại của người khác, đừng ép tôi phải đưa ra quyết định khai trừ Yu Chengdong, số lần tôi tự phê bình chính mình thậm chí còn nhiều hơn số lần tôi đưa ra quyết định rất nhiều. Chúng ta ai cũng nên tự phê bình bản thân trước tiên."
Sự bảo vệ của Nhậm Chính Phi trở thành lá chắn cho Yu Chengdong hết lần này tới lần khác, và cuối cùng, Yu Chengdong cũng đã thành toàn nên nghiệp vụ xuất sắc của Huawei.
Chuyên gia tư vấn nổi tiếng người Mỹ Stephen Covey từng đề xuất một lý thuyết về "vòng tròn bận tâm và vòng tròn ảnh hưởng".
Lý thuyết này cho rằng, ai trong chúng ta đều có những bận tâm sâu rộng, chẳng hạn như sức khỏe của người thân, lợi ích của đơn vị, sự an ổn của xã hội, hay cả ô nhiễm môi trường….
Chúng ta có thể vẽ ra một vòng tròn bận tâm, rồi sau đó xóa bỏ đi những mối bận tâm không có ý nghĩa quá đặc biệt với tư tưởng và cảm xúc của chúng ta, đó là những việc chúng ta không thể kiểm soát được.
Còn đối với những việc mà chúng ta có thể làm gì đó để thay đổi, hãy vẽ cho nó một "vòng tròn ảnh hưởng" nho nhỏ.
Người thông minh luôn tập trung tinh thần và sức lực cho "vòng tròn ảnh hưởng", họ bỏ ra nỗ lực cho những việc họ có thể làm và có thể phát huy tác dụng.
Còn người xuẩn ngốc thường tập trung vào "vòng tròn bận tâm", họ thường bận tâm tới khuyết điểm của người khác hay những chuyện tầm phào không đâu, những việc mà họ không thể kiểm soát hay tạo ảnh hưởng.
Stephen Covey nói với chúng ta, đối mặt với những tình huống không như ý, phương pháp đúng đắn là: cố gắng hết sức để giải quyết những vấn đề mà chúng ta có thể kiểm soát, còn những việc chẳng hạn như thay đổi người khác, điều chúng ta nên làm là đối mặt và bao dung.
Luôn nghĩ tới việc thay đổi người khác, cũng là đang tự tìm sự ấm ức, khó chịu cho chính mình. Kết quả cuối cùng không phải là người khác thay đổi, mà là mình càng ngày càng không thuận mắt người ta, và tự nhiên sẽ chẳng thể bình thản mà sống được.
4. Thay vì phàn nàn về người khác, chi bằng thay đổi bản thân
Tôi rất đồng ý với quan điểm như này: trên thế gian này, nghe lời bạn nhất, dễ dàng tuân theo sự chỉ huy của bạn nhất, không phải người ta, mà là chính bạn. Thành công nhất định có phương pháp, và gốc rễ của phương pháp này, chính là thay đổi bản thân.
Đúng vậy. "Tôi" là căn nguyên của mọi thứ, muốn thay đổi tất cả, trước tiên hãy thay đổi "tôi".
Vì vậy, đứng từ góc độ này mà nói, thay đổi bản thân chính là phương pháp thay đổi người khác tốt nhất.
Chỉ khi quan sát, nhận thức rõ bản thân, thay đổi bản thân, bạn mới có thể tạo ảnh hưởng lên người khác.
Cũng giống như có người từng nói:
Tôi của thời niên thiếu vô cùng nhiệt huyết, ý chí tràn trề, khi đó từng mơ mộng muốn thay đổi cả thế giới, nhưng thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng mình không thể thay đổi thế giới, vậy là tôi thu nhỏ phạm vi lại, quyết định thay đổi đất nước của mình. Nhưng mục tiêu này vẫn quá lớn, tôi phát hiện ra mình vẫn chưa có cái năng lực này.
Bước vào tuổi trung niên, tôi đổi ý, muốn thay đổi những người thân thiết nhất bên cạnh mình. Nhưng trời luôn không như ý người, ai nấy đều vẫn y như vậy.
Khi tôi già đi, tôi cuối cùng đã ngộ ra được một điều: Tôi nên thay đổi bản thân mình trước, dùng phương pháp lấy mình làm gương để tạo ảnh hưởng tới người thân.
Nếu tôi có thể làm gương cho cả nhà, có thể bước tiếp theo, tôi sẽ có thể thay đổi đất nước mình, tương lai xa hơn biết đâu lại có thể thay đổi được cả thế giới?
Thay vì tức giận, chi bằng bình tĩnh lại; thay vì phàn nàn người khác, chi bằng thay đổi bản thân.
Phương thức sống thông minh nhất chính là, cái gì có thể thay đổi, hãy thay đổi, và tiếp nhận cả những thứ không thể thay đổi.
Điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời đó chính là luôn kì vọng vào bản thân, và bao dung với người khác.
Thay đổi bản thân là trí, thay đổi người khác là ngu, và thay đổi bản thân thường là khởi đầu của hạnh phúc…
#quantriexcel
#kynangmoi
Nguồn: Cafebiz