❗Căn bệnh "ĐỂ MAI TÍNH" và PHƯƠNG PHÁP KAIZEN của người NHẬT - Bí quyết giúp vượt qua SỰ TRÌ HOÃN - Edward ❗
Sự trì hoãn hay tên gọi phổ biến hơn: căn bệnh “lười biếng”. Đây là căn bệnh mà bất kì ai cũng gặp. Ngay cả những người thành công nhất, đó cũng không phải là một ngoại lệ. Là bởi vì, về mặt tâm lý, bộ não con người có một cơ chế hết sức đặc biệt, đó là cơ chế tiết kiệm năng lượng. Tức là nó sẽ luôn luôn ưu tiên những việc gì tốn ít năng lượng nhất, đơn giản, dễ dàng và ngại việc phức tạp. Về mặt khoa học, bộ não chỉ nặng khoảng 1,2 - 1,5 kg, bằng khoảng 2-3% so với khối lượng cơ thể, tuy nhiên lượng oxy não bộ cần dùng chiếm từ 20-30% toàn bộ lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Cho nên, nếu một ai sinh ra, và mắc căn bệnh “lười”, thì đó là một người hoàn toàn bình thường.
⛔ TỪ BỆNH LƯỜI DẪN ĐẾN CĂN BỆNH ĐỂ MAI TÍNH ⛔
Buổi tối ngồi vào bàn học, hoặc ngồi vào bàn làm việc, mặc dù là có việc quan trọng cần phải làm, nhưng khi cơ thể mệt mỏi (do não bộ phát ra tín hiệu theo đúng cơ chế tiết kiệm năng lượng), thế là trong đầu chúng ta xuất hiện ý nghĩ: thôi giờ mệt quá, phải nghỉ ngơi xíu, để mai làm cũng được mà.
Khi chúng ta hào hứng và quyết tâm cho kế hoạch giảm cân, được mấy hôm bạn rủ đi sinh nhật, đồng nghiệp rủ đi ăn liên hoan, bản thân lại tự dặn lòng, thôi mình chỉ ăn nốt hôm nay thôi, kể từ mai mình sẽ nghiêm khắc với bản thân mình.
Là sinh viên hay người mới đi làm, không khó để nhận ra khẩu hiệu: giới trẻ Việt còn yếu kém ngoại ngữ lắm, cho nên là thế hệ tương lai, thì phải đầu tư vào ngoại ngữ. Học được mấy ngày, khó quá, thôi cho mình chơi nốt hôm nay, rồi mai mình sẽ học.
Cũng nhiều lần muốn tiết kiệm chi tiêu, quyết tâm làm giàu, tự nhủ lòng mình sẽ không tiêu xài hoang phí. Nhưng tiết kiệm được một thời gian, thấy bản thân mệt mỏi quá, não bộ lại suy nghĩ, thôi phải cho phép bản thân tận hưởng nốt hôm nay, kể từ mai mình sẽ lại thắt lưng buộc bụng để làm giàu.
Ai cũng biết tập thể dục là tốt cho sức khỏe. Khoa học chỉ ra rằng không tập thể dục mức độ nguy hiểm tương đương với việc bạn hút thuốc lá. Thế là mình cũng nỗ lực đến phòng tập, không thì cũng phải đầu tư đôi giày, chạy bộ, đạp xe, bơi lội. Được mấy ngày mệt quá, nản quá, lại tự nhủ thôi hôm nay cho cơ thể mình nghỉ ngơi xíu, để mai mình sẽ lại bắt đầu lại từ đầu.
Một tuần có 7 ngày, trong tất cả các thứ, từ thứ hai, thứ ba, .. cho đến thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật lại chẳng có thứ nào gọi là “thứ mai” cả. Thông điệp, sống là sống cả đời, nốt hôm nay thôi (cho việc chơi, lãng phí, lười tập thể dục, lười học, lười làm,...) có sao đâu dần dần trở thành một thói quen trong tâm trí. Hãy nghĩ về một điều bạn đã từng rất rât muốn làm cho bản thân mình, và tự hỏi lần cuối cùng mình làm nó là bao giờ? Chẳng hạn như tập thể dục, học ngoại ngữ, ăn uống đúng chế độ, thăm hỏi người thân, chăm sóc bản thân, đọc sách,... Nếu như lần cuối cùng bạn làm điều đó, mà không phải là ngày hôm qua, hoặc gần đây thôi, thì có lẽ giờ đây là lúc mà bạn cần một sự thay đổi.
✅ PHƯƠNG PHÁP KAIZEN CỦA NGƯỜI NHẬT VÀ BÍ QUYẾT ĐỂ VƯỢT QUA SỰ TRÌ HOÃN ✅
Được sáng tạo bởi người Nhật Bản, Kaizen là viết tắt của hai từ Kai (Thay đổi) và Zen (Thông thái), Kaizen nghĩa là thay đổi liên tục để tốt đẹp hơn. Kaizen là thuật ngữ không quá xa lạ với nhiều người, và thường được ứng dụng nhiều trong năng suất lao động, làm việc. Tuy nhiên, bài viết này Edward sẽ nhìn ở góc độ tâm lý và những ứng dụng trong tâm lý để thay đổi hành vi con người thì phương pháp Kaizen lại là một phương pháp rất hay bởi lẽ, nó giúp chúng ta dễ dàng đánh bại cơ chế “tiết kiệm năng lượng” của não bộ, tức giúp tất cả mọi người, vượt qua được căn bệnh lười.
Hiểu đơn giản, phương pháp Kaizen như sau, đó là bạn làm điều mà bạn cảm thấy quan trọng với bản thân, trong thời gian rất ngắn, và làm nó liên tục, đều đặn hàng ngày. Nguyên tắc tối quan trọng của phương pháp Kaizen đó là phải làm một việc đủ dễ, đủ đơn giản, không cần phải suy nghĩ, và sau đó là liên tục liên tục làm hàng ngày. Từ đó, căn bệnh trì hoãn, hay bệnh lười bị đánh bại hoàn toàn.
Nếu muốn duy trì thói quen đọc sách, thay vì phát nản với cả cuốn sách dày cộp, mỗi lần đọc, bạn chỉ đọc 1 trang sách, nếu một trang sách vẫn quá khó, hãy chỉ đọc nửa trang, hoặc thậm chí một đoạn ngắn. Nếu muốn tập thể dục và bạn không có đủ động lực để tập hẳn 30 phút hay 1 tiếng, hoặc đến phòng gym, không sao cả, hãy tập thể dục trong 1 phút. Sau mỗi 1 tiếng làm việc, hãy đứng lên vận động 1 phút. Với các bạn nam, sau mỗi tiếng làm việc, hãy hít đất 5 cái, hoặc gập bụng 3 cái. Nếu bạn không còn đủ sức mạnh để học ngoại ngữ, hãy học ngoại ngữ 5 phút mỗi ngày. Chẳng hạn như xem một nửa bài TED talk, đọc một bài đọc ngắn, đọc một mẩu truyện ngắn, chỉ 5 phút thôi, vậy là đủ rồi. Nếu bạn rất muốn dành tình cảm và gắn kết các mối quan hệ, thay vì có thể hẹn gặp được người thân, bạn bè, rất khó xếp lịch, và đôi khi có thể là tốn kém chi phí, đơn giản, có thể nhắn một tin nhắn quan tâm, hoặc viết một thiệp ngắn gọn để gửi tặng, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bạn muốn rèn luyện thói quen thiền định, thay vì không thể ngồi thiền hàng giờ như các thiền sinh lâu năm, bạn có thể ngồi thiền 3-5 phút buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Cốt lõi của phương pháp này nằm ở chỗ, sau mỗi lần làm như vậy, bạn thay đổi chưa nhiều, nhưng sự duy trì và lặp đi lặp lại sau đó, mới chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Ngay cả khi mỗi ngày bạn chỉ tập thể dục được 5 phút, nhưng duy trì đều đặn một năm 365 ngày thì bạn cũng dành ra được 1825 phút tập thể dục, còn hơn là được vài hôm đến phòng gym rồi cả 6 tháng trời không tập thể dục. Nếu mỗi ngày bạn chỉ dành ra 5 phút để đọc sách, thì một năm bạn cũng có thể đọc được vài quyển sách, còn hơn là cả năm chẳng bao giờ đọc được cuốn sách nào. Tuy nhiên, mọi thứ lại không chỉ là như vậy.
Mấu chốt của nguyên tắc tâm lý khiến chúng ta lười là do cơ chế tiết kiệm năng lượng của não bộ. Bộ não thích làm những gì nó quen, vì những thứ đó nó không mất năng lượng. Ví dụ như việc đi xe máy, bản chất nó là một việc rất tốn năng lượng (hãy nhớ lần đầu bạn đi). Chân bạn truyền tín hiệu vào số (xe số), chân kia bạn đạp phanh, tay bạn nắm cần lái, đầu óc bạn tập trung nhìn đường, mỗi cung đường bạn đều phải lo lắng xử lí. Nhưng khi quen rồi, bạn có thể đi xe máy dễ dàng, đôi khi không nhìn đường, vừa đi vừa nói chuyện, chả hiểu sao một lúc đã về đến nhà mình.
Khi một thói quen, một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều, thì bộ não quen với nó, và khi đã quen rồi thì bộ não sẽ không thể thiếu nó, giống như oxy, không khí vậy. Cho nên, khi đó những việc vốn dĩ trước đây chúng ta không thích thì bây giờ chúng ta lại rất thích, và khi quen rồi thì cũng tự nhiên chúng ta sẽ tăng thời gian dành cho hoạt động đó lên. Chẳng hạn sau 3 tháng rèn thói quen mỗi ngày chỉ đọc sách 5 phút, bạn ngồi vào bàn đọc sách, tự nhủ chỉ 5 phút thôi, một lúc sau nhìn đi nhìn lại đã thấy rằng mình đọc cả tiếng đồng hồ. Bạn tự nhủ mỗi ngày chỉ học ngoại ngữ 5 phút, khi quen rồi, vừa ngồi vào lúc, lúc sau đã thấy mình ngồi đọc cả nửa tiếng trời,.. Tương tự như vậy với tất cả các thói quen khác.
Khi phần lớn thời gian của chúng ta, được dành cho những việc có giá trị, hữu ích, là việc chúng ta muốn làm, thì điều đó chẳng phải rất tuyệt vời sao?
Tâm lý học ứng dụng
#quantriexcel
#kynangmoi